Từ vụ “Hồng Tỷ Nam Kinh”, chuyên gia lên tiếng: Nạn nhân sẽ gặp cú sốc lớn, phải học cách giữ mối “quan hệ” an toàn

Gần đây, cư dân mạng xôn xao trước thông tin Jiao - một người đàn ông U40 ở Nam Kinh (Trung Quốc) đã sống dưới lớp vỏ bọc của một người phụ nữ với biệt danh “Hồng Tỷ”, tiếp cận hàng loạt thanh niên qua các nền tảng mạng xã hội trực tuyến và ứng dụng hẹn hò. Sau đó, người đàn ông này hẹn “bạn” về nhà riêng và có những hành động ân ái thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Trước đó, để xây dựng hình tượng “Hồng Tỷ”, người đàn ông này đã sử dụng tóc giả, ngực giả, trang điểm kỹ lưỡng và giả giọng nữ một người phụ nữ quyến rũ, đã ly hôn và đang tìm bạn đời. Hằng ngày, anh ta đăng tải video đời thường với phong cách nữ tính, thu hút nhiều người đàn ông qua mạng xã hội. Và khi con mồi “sập bẫy” đồng ý qua nhà và có quan hệ thân mật, người này đã đặt camera ẩn và ghi lại toàn bộ các thước phim nhạy cảm. 

Khi vụ việc bị phát hiện, cộng đồng mạng “sốc” không chỉ bởi số lượng nạn nhân lên đến hơn 1600 người mà còn vì “chất lượng” nam nhân. Đa phần toàn thanh niên trẻ tuổi, cao ráo, điển trai, có cả huấn luyện viên thể hình, sinh viên, người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trong số đó, nhiều người đã có gia đình hoặc mối quan hệ tình cảm chuẩn bị bước đến cột mốc hôn nhân. 

Vụ việc của Hồng Tỷ tạo nên nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội 

Sau khi đọc nhiều bài đăng liên quan đến “Hồng Tỷ Nam Kinh” nhan nhản trên khắp mạng xã hội với tốc độ chia sẻ chóng mặt, Thạc sĩ Trần Minh Hải (có trên 10 năm kinh nghiệm trong công tác bảo vệ trẻ em và 30 năm hoạt động xã hội) lý giải sự hấp dẫn của Hồng Tỷ không nằm ở ngoại hình, tiền tài hay địa vị. Ngược lại, chính sự không đòi hỏi, sẵn lòng trao tặng và khả năng "tâng bốc cảm xúc" mới là thứ khiến nhiều người đàn ông sa vào chiếc bẫy về chuyện tình dục này.

“"Hồng Tỷ" sử dụng filter như một vũ khí tối thượng để tạo ra một hình tượng nữ tính dễ thương, ngây thơ và luôn tỏ ra cô đơn, cần được vỗ về. Với đàn ông đang cô đơn hoặc khát khao kết nối, hình mẫu ấy là mồi nhử lý tưởng. Chưa kể, "chị" không đòi hỏi vật chất, không áp lực mối quan hệ, đôi khi chỉ là dầu ăn, thực phẩm đem qua tận nhà là có thể "chung vui" cùng Hồng Tỷ. Thậm chí, "chị" còn "cho lại" vài món quà quê như nửa quả dưa hấu hay ít rau củ để duy trì mối quan hệ. Sự dễ dãi ấy khiến nhiều người cảm thấy dễ chịu, không lo bị đánh giá hay bị lợi dụng” - Ths Trần Minh Hải chia sẻ.

"Hồng Tỷ" - tên thật Jiao, một người đàn ông U40 ở Nam Kinh (Trung Quốc) đã hóa thân thành một nhân vật nữ trên mạng xã hội. Sau đó, anh làm quen với nhiều chàng trai và dẫn dụ về nhà rồi quay video ân ái, bán trên các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, mấu chốt của vấn đề để “Hồng Tỷ” có thể dụ hơn 1600 con mồi sập bẫy, theo Ths Hải là “Hồng Tỷ” biết lắng nghe tích cực, một kỹ năng mà mọi đàn ông đều mơ ước. “Câu chuyện Hồng Tỷ thực ra là một tấm gương phản chiếu cực kỳ rõ nét về nhu cầu cảm xúc của đàn ông thời nay, thứ mà xã hội lâu nay lờ đi. Người ta hay nói đàn ông cần tình dục, cần quyền lực, cần tiền… Nhưng sâu thẳm, họ chỉ cần một nơi được là chính mình, được yếu đuối, được xoa dịu như một đứa trẻ đã quá lâu không được ai an ủi” - Ths Hải phân tích thêm.

Ví dụ, một số người đàn ông có thể cô đơn về mặt tình cảm do áp lực công việc, vì vậy Jiao đã đóng vai một người phụ nữ dịu dàng và chu đáo để mang lại cho họ sự thoải mái về mặt tình cảm, từ đó nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa họ, thiết lập mối quan hệ tin cậy và tạo điều kiện cho hành vi sai trái sau này. Trong mỗi video, ban đầu sẽ đều bắt đầu từ sự chào hỏi, chăm sóc và Hồng Tỷ đôi khi lại ân cần đối xử với “bạn tình”.

Không dừng lại ở đó, kỹ năng giường chiếu của Hồng Tỷ - theo lời đồn thổi trên mạng xã hội được đánh giá là "không phải dạng vừa". Điều này lý giải vì sao ngay cả khi một số người phát hiện đối phương là nam giới, họ vẫn tiếp tục mối quan hệ.

Trên mạng xã hội nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra như: “Tại sao một người không có nhan sắc, không tiền tài, không địa vị - thậm chí là giả gái lại có thể thu hút được hơn 1600 người đàn ông chấp nhận quan hệ tình dục với mình? Liệu có phải do ham muốn cao độ khiến họ đánh mất lý trí, hành động và cả nhận thức về đúng-sai đạo đức?”.

Dưới góc nhìn Tâm lý học, Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Đặng Khánh An cho rằng không chắc chắn rằng sự vụ Hồng Tỷ đến từ nguyên nhân ham muốn cao độ mà đánh mất lý trí. Khi theo dõi sự vụ, Ths An có cảm nhận rằng giữa họ có sự kết nối nào đó vì có những người quay trở lại sau chứ không phải lần gặp duy nhất. 

“Một lần nữa, có lẽ những gì chúng ta nghĩ về tính dục là quá đơn giản hoặc quá đạo đức, thực tế rằng tính dục con người đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Nhu cầu thể nghiệm đời sống (nói chung) và tình dục (nói riêng) là một nhu cầu phổ quát của cuộc sống, không khó để nhận ra rằng quanh ta luôn luôn sẽ có những vùng tối, những bí mật vượt ra khỏi khuôn phép của đạo đức và pháp luật, chúng ta chỉ biết về chúng khi chúng được phanh phui. Sự vụ của Hồng Tỷ tôi nghĩ cũng như thế”, Ths An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần phân định rõ trong vụ Hồng Tỷ là nạn nhân không đơn thuần là người bị “lừa tình” mà đều đáng báo động hơn là bị xâm phạm quyền riêng tư, khi hình ảnh nhạy cảm bị ghi lại trái phép, phát tán và trục lợi.

Không chỉ "lừa tình" mà "Hồng Tỷ" còn trục lợi bằng những video quay lén trong căn phòng riêng. Từ đó, các "nạn nhân" vừa sập bẫy lưới tình do nam nhân này tạo dựng mà vô tình còn bị phát tán hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội.

Ở Việt Nam, không ít trường hợp tương tự đã xảy ra. Việc bị quay lén khi quan hệ dù trong bối cảnh đồng thuận hay không, đều có thể dẫn đến sang chấn tâm lý sâu sắc khi những khoảnh khắc “nóng” của người trong cuộc bị lan truyền rộng khắp cõi mạng.

Thạc sĩ An phân tích về góc cạnh tâm lý khi các nạn nhân trong vụ việc của Hồng Tỷ có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và khó khăn để đối diện với sự thật: “Cảm giác đầu tiên có thể là sốc (khi biết Hồng Tỷ có cơ thể nam, cũng có thể là sốc vì bị quay lén và lộ diện rõ mặt). Các trải nghiệm khác có thể rất đa dạng, bao gồm xấu hổ vì cơ thể bị phơi bày. Cảm xúc kinh tởm và dơ bẩn nếu có các khó khăn liên quan đến giới hoặc chứng homophobia (ám sợ đồng tính) và những căng thẳng khác đến từ kỳ thị xã hội…”.

Trong những vụ việc bị phát tán hình ảnh nhạy cảm, đa phần nạn nhân đều chọn cách im lặng vì sợ những định kiến về giới hoặc bị kỳ thị. Họ không dám tố cáo vì lo lắng việc lên tiếng sẽ khiến bản thân bị nhìn nhận tiêu cực. 

“Nếu cảm thấy tổn thương sâu sắc, mất ngủ kéo dài, suy nghĩ tiêu cực hoặc né tránh giao tiếp xã hội. Đó là những dấu hiệu cho thấy cần được can thiệp chuyên sâu. Tìm đến nhà trị liệu, nhóm hỗ trợ hoặc các tổ chức nhân quyền là điều cần thiết” - Ths An chia sẻ. 

Ngoài ra, Ths An cũng phản biện quan điểm cho rằng “tình dục là chuyện riêng tư, không cần chia sẻ hay học hỏi”. Theo Thạc sĩ, chính điều này đã tạo ra vùng mù nguy hiểm, khiến người trưởng thành không có kỹ năng xây dựng quan hệ lành mạnh và không biết tự bảo vệ mình.

Theo tiết lộ từ báo giới, nhiều nạn nhân sốc nặng và có người phải "cầu xin" cộng đồng mạng đừng lan truyền video nhạy cảm. Có người còn phải di chuyển đến nơi khác sinh sống.

"Giáo dục giới tính toàn diện không phải bắt đầu từ trường học mà chính từ trong gia đình, thông qua cách nuôi dạy và tương tác với trẻ, cách chúng ta dạy trẻ về cơ thể và bảo vệ cơ thể… rất nhiều thứ. Nếu hệ thống giáo dục chưa cởi mở và phổ cập toàn diện, có lẽ các bậc phụ huynh cần can đảm hơn, bước ra khỏi vùng an toàn và sự ngại ngùng của mình, học tập để trở thành thầy của con cái trong lĩnh vực này từ sớm. Bên cạnh đó, việc phụ huynh đóng góp ý kiến để thay đổi chính sách giáo dục cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi ở cấp độ vĩ mô" - Ths An nói.  

Theo chuyên gia, cách duy nhất là nâng cao nhận thức và luôn duy trì sự cẩn trọng trong mọi mối quan hệ. Dù không thể triệt tiêu rủi ro, mỗi người cần xác định rõ ranh giới cá nhân và mức độ an toàn mà mình mong muốn trong các mối quan hệ. 

"Một mối quan hệ, dù là tình dục hay tình cảm, dù là ngắn hạn hay dài hạn, đều bắt đầu từ sự tin tưởng. Nhưng tin tưởng không đồng nghĩa với buông lỏng cảnh giác. Nhất là khía cạnh tình dục, hãy cẩn trọng nhất có thể, đặc biệt là ở nơi mà cả hai sẽ cùng nhau “thăng hoa”. Và nếu có sự cố ngoài ý muốn xảy ra, đừng tự trách bản thân mà hãy tìm kiếm hỗ trợ từ lực lượng chức năng và nhà chuyên gia về tâm lý và pháp lý để lắng nghe tâm sự, tư vấn các bước xử lý tiếp theo” - Ths An khuyến nghị.

Chuyện quan hệ tình dục là một hành vi bản năng nhưng không thể thiếu lý trí. Nó cần được bao quanh bởi sự hiểu biết, sự đồng thuận và những ranh giới rõ ràng. Đừng để cảm xúc nhất thời hay những lời đường mật che mờ khả năng nhận thức rủi ro. Đừng để sự thiếu giáo dục giới tính biến bạn thành nạn nhân trong một xã hội mà công nghệ đang tạo điều kiện cho những kẻ vi phạm ngày càng tinh vi hơn.

Từ vụ việc “Hồng Tỷ” ở Trung Quốc sẽ là một hồi chuông cảnh báo về sự dễ tổn thương của con người trong thời đại số.

Bạn có thể quan tâm