Mỗi khi tiết trời se lạnh tràn về, trên những bờ ruộng, bãi đất hoang hay bên vệ đường ở vùng nông thôn Bắc Bộ lại lác đác xuất hiện một loại rau dại quen thuộc, đó là rau tề thái. Chúng còn được gọi với cái tên gần gũi là cải dại. Tuy là loài mọc hoang nhưng rau tề thái lại mang trong mình vị ngon lạ miệng và giá trị dinh dưỡng không hề thua kém các loại rau trồng khác.

Rau tề thái có thân mềm, lá xanh non hình răng cưa, mọc so le, thường cao tầm 20–50cm. Loài rau này mọc nhiều vào mùa đông khi thời tiết bắt đầu lạnh dần, nhất là sau những cơn mưa phùn đầu mùa. Không cần chăm bón, tưới tắm, rau cứ thế lớn lên tự nhiên, đậm đà hương vị của đồng quê.
Rau tề thái có tên khoa học Capsella bursa pastoris Medic thuộc họ Chữ thập Brassicaceae (Cruciferae). Chúng có vị ngọt thanh, hơi đăng đắng nhẹ đặc trưng của họ cải, nhưng sau khi chế biến lại để lại hậu vị bùi bùi, dễ chịu. Theo kinh nghiệm dân gian, rau tề có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tiêu hóa và làm dịu cơ thể khi bị nóng trong. Ngoài ra, rau còn chứa nhiều vitamin A, C, chất xơ và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, hàm lượng canxi trong rau tề thái cao gấp 10 lần so với bắp cải.
Một trong những món đơn giản và phổ biến nhất là canh tề thái nấu trứng gà. Rau được rửa sạch, cắt khúc vừa ăn, nấu với nước cho mềm rồi đập trứng gà vào khuấy đều, nêm gia vị cho vừa miệng. Món canh này không chỉ dễ nấu mà còn được cho là hỗ trợ tốt cho người bị lao thận, đái ra máu.
Một biến tấu cầu kỳ hơn là canh rau tề thái nấu cùng sò điệp và trứng. Sò điệp sau khi hấp chín, lấy phần thịt ra để riêng. Trứng gà được đánh đều, cho vào chảo đảo đến khi đông lại rồi thêm nước, tiếp tục cho sò điệp và rau tề thái vào nấu sôi, nêm chút muối, tiêu và dầu mè cho dậy mùi. Món ăn này mang vị ngọt tự nhiên từ hải sản, kết hợp cùng độ thanh mát của rau rất dễ ăn trong những ngày lạnh.


Ngoài ra, canh tề thái nấu với thịt lợn hoặc xương lợn cũng là món ăn truyền thống được nhiều người yêu thích. Xương lợn ninh nhừ, sau đó cho rau vào đun thêm một lúc, nêm nếm vừa ăn. Không chỉ ngon miệng, món canh này còn được dân gian tin rằng giúp cải thiện các triệu chứng như chảy máu cam, đau mắt đỏ.
Tác dụng của rau tề thái
Không chỉ là một loại rau dại dân dã thường xuất hiện vào mùa đông, rau tề thái còn được Đông y và cả y học hiện đại đánh giá cao nhờ hàng loạt tác dụng chữa bệnh. Với vị ngọt nhạt, tính mát, loại rau này không chỉ làm mát cơ thể mà còn hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh phổ biến.
Trong y học cổ truyền, rau tề thái được cho là đi vào hai kinh Can và Vị. Với đặc tính thanh mát, rau có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, cầm máu, lợi tiểu, trừ ho, tiêu đờm và làm dịu các chứng hen suyễn. Ngoài ra, loại rau này còn giúp bổ tỳ kiện vị, hỗ trợ thanh can minh mục (làm sáng mắt), cũng như chỉ huyết, lợi niệu.
Người xưa thường sử dụng tề thái để điều trị các triệu chứng như chảy máu cam, thổ huyết (nôn ra máu), khái huyết (ho ra máu), tiểu ra máu, tiêu ra máu, mắt đỏ đau do viêm kết mạc, hay các trường hợp phù nề, đau nhức toàn thân.

Dưới góc nhìn y học hiện đại, các phân tích thành phần cho thấy rau tề thái giàu carotene, rất tốt trong việc phòng ngừa và điều trị khô mắt, quáng gà, đồng thời hỗ trợ thị lực. Ngoài ra, rau còn chứa nhiều vitamin C, chất xơ thô và hoạt chất chống oxy hóa, nhờ đó có thể: Giảm cholesterol và chất béo trung tính trong máu, Hạ huyết áp, Giảm viêm, Tăng cường miễn dịch, Kháng virus tự nhiên, Ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ tiêu hóa, Phòng ngừa các bệnh lý mạn tính như: mỡ máu cao, huyết áp cao, bệnh tim mạch vành, béo phì, tiểu đường, ung thư đường ruột.
Một số bài thuốc dân gian từ rau tề thái
TS Nguyễn Đức Quang đã giới thiệu một số bài thuốc sử dụng rau tề thái trên trang Báo Sức khỏe & Đời sống như sau:
Chữa lỵ ra máu: Dùng tề thái sao đen (tồn tính) 30g, sắc lấy nước uống hàng ngày.
Trị phế ung, tức ngực, khó thở, phù toàn thân: Dùng tề thái khô 20g, kết hợp 5 quả đại táo. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Hỗ trợ cổ trướng, tiểu ít, cơ thể suy nhược: Tề thái 100g, đình lịch tử 100g, tán mịn, viên cùng mật ong. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên 10g, dùng kèm nước sắc trần bì.
Lưu ý: Những bài thuốc từ rau tề thái chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng nên hỏi ý kiến của các chuyên gia trong ngành y dược.