Miền Bắc, miền Trung nắng nóng thiêu đốt trước khi bước vào cao điểm mùa bão
Nhiệt độ phổ biến nhiều nơi trên 37 độ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 14/7, khu vực từ Nghệ An đến Đà Nẵng và phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: trạm Con Cuông (Nghệ An) 36.2 độ, trạm Hương Sơn (Hà Tĩnh) 36.8 độ, trạm Đông Hà (Quảng Trị) 37.0 độ, trạm Ba Tơ (Quảng Ngãi) 36.2 độ, trạm Tuy Hòa (Đắk Lắk) 36.5 độ,… Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.
Ngày 15-16/7, khu vực từ Nghệ An đến Đà Nẵng, khu vực phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.

Miền Bắc, miền Trung sắp bước vào nắng nóng diện rộng. Ảnh: Tuấn Anh
Cảnh báo từ khoảng ngày 17-18/7, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 19-20/7. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Dự báo nắng nóng ở Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Lưu ý nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, từ ngày 16/7 sẽ xuất hiện 1 áp thấp nóng ven biển Bắc Bộ và áp thấp nóng này sẽ gây ra đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng từ ngày 16 đến chiều ngày 19/7.
Phạm vi nắng nóng xảy ra ở khu vực trung du phía Bắc, vùng Đông Bắc, khu vực đồng bằng Bắc Bộ bao gồm cả Hà Nội và vùng lân cận, khu vực dọc miền Trung từ Nghệ An tới Phú Yên.
Nhiệt độ khí tượng khu vực HN có thể lên đến 37-38 độ C, khu vực Nghệ An có thể lên đến 39-40 độ C. Lưu ý khu vực đồng bằng Bắc Bộ sẽ xảy ra nắng oi do nhiệt độ bầu ướt gia tăng bởi ẩm độ cao nên sẽ om nhiệt buổi chiều và tối.
"Cùng với nắng nóng sẽ kèm theo ô nhiễm không khí ở khu vực Hà Nội và vùng lân cận do không có không khí lưu thông. Đợt nắng nóng này ở phía Bắc sẽ chấm dứt vào tối 19/7 do có mưa lớn. Tuy nhiên khu vực Bắc Trung Bộ sẽ duy trì nắng nóng thêm một số ngày sau đó. Từ tối 19/7 sẽ bắt đầu một đợt mưa lớn ở miền núi và trung du phía Bắc", TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết.
Đề phòng bão mạnh vào chính vụ
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tại, hiện tượng ENSO tiếp tục trong điều kiện trung tính. Từ tháng 7 đến tháng 9, ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70 - 90%.
Từ tháng 10 đến tháng 12, hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính với xác suất từ 55 - 65%.
ENSO có ảnh hưởng lớn đến tuần hoàn khí quyển toàn cầu, từ đó tác động đến thời tiết trên toàn thế giới. ENSO có ba pha chính gồm pha El Nino (pha nóng), pha La Nina (pha lạnh) và pha trung tính - xuất hiện theo chu kỳ từ 2 đến 7 năm.
"Với diễn biến ENSO ở pha trung tính, dự báo xu thế từ nay đến tháng 12, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm" - ông Hoàng Phúc Lâm nhận định.
Theo dữ liệu trung bình nhiều năm, trong giai đoạn từ nay đến tháng 9 trên Biển Đông có khoảng 6,4 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, đổ bộ vào đất liền 2,9 cơn. Từ tháng 10 đến tháng 12 trung bình nhiều năm trên Biển Đông có khoảng 4,6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, đổ bộ vào đất liền 1,9 cơn.
PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, dự báo số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trong năm 2025 có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (tức có khoảng 11 - 13 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5 - 6 cơn).
"Chúng tôi cũng không loại trừ khả năng có thể xuất hiện các cơn bão mạnh và rất mạnh (tức sức gió trên cấp 12) trong mùa bão năm nay. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nhiều yếu tố bất lợi làm hoạt động của bão tăng cường độ đột ngột thường xuyên hơn" - ông Khiêm phân tích.
Mùa bão đã bắt đầu, cơ quan khí tượng cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa tây nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền và hoạt động trên khu vực Biển Đông.
TS Nguyễn Ngọc Huy cũng chia sẻ: "Tôi cũng đang theo dõi một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines và vùng áp thấp này khả năng cao hình thành bão đi vào biển Đông từ ngày 19/7".
TS Trương Bá Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng khí hậu - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trong 3 tháng từ tháng 7 đến tháng 9, số lượng xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Theo đó, trung bình nhiều năm có khoảng 6 - 7 cơn hoạt động trên Biển Đông và 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Xét về cả mùa bão thì dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2025 có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm.
Theo số liệu trung bình nhiều năm có khoảng 12 - 13 cơn xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và 6 - 7 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là số lượng bão mạnh (từ cấp 12 trở lên) hoạt động trên Biển Đông trong năm 2025 có khả năng cũng ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Du khách người Anh xúc động khi Công an Việt Nam "xuyên đêm" tìm lại tài sản mình bị thất lạc
Nội dung thư cảm ơn của du khách Daniel Kiran Conway được dịch ngắn gọn như sau: "Công an xã Đà Bắc đã rất nhiệt tình trong việc giúp tôi tìm lại điện thoại. Họ đã đảm bảo rằng tôi có đồ ăn và chỗ ngủ qua đêm. Tôi không biết phải cảm ơn họ bao nhiêu cho đủ vì những nỗ lực và lòng tốt của họ. Trân trọng. Dan".
Trước đó, ngày 13/7/2025, nhận được thông tin của quần chúng nhân dân về việc anh Daniel Kiran Conway đến xã Đà Bắc để du lịch. Quá trình di chuyển trên địa bàn xã anh đã đánh rơi 1 chiếc điện thoại Iphone 13 có chứa nhiều thông tin liên lạc quan trọng (đặc biệt trong 2 ngày tới anh có chuyến bay về Úc nên cần hộ chiếu đã tích hợp trong điện thoại).
Ngay khi tiếp nhận vụ việc, Công an xã Đà Bắc đã nhanh chóng tiến hành khoanh vùng xác minh, phối hợp cùng với người dân trích xuất camera (đặc biệt ở Tiểu khu Mó La và Tiểu khu Đoàn Kết) cùng tìm kiếm.

Anh Daniel Kiran Conway được Công an xã Đà Bắc trao trả tài sản thất lạc. Ảnh: Công an Phú Thọ
Do trời tối đã hạn chế quá trình tìm kiếm tài sản thất lạc, đồng nghĩa với việc anh Daniel không có hộ chiếu, giấy tờ tuỳ thân để thuê phòng ngủ, cán bộ công an xã đã hỗ trợ anh Daniel đồ ăn và chỗ ngủ qua đêm.
Bằng tinh thần trách nhiệm cao, sau 16 giờ nỗ lực tìm kiếm không ngại đêm tối, đến khoảng 9h sáng ngày 14/7/2025, lực lượng Công an xã Đà Bắc đã tìm thấy chiếc điện thoại và tiến hành bàn giao cho anh Daniel.
Hết sức cảm động trước sự giúp đỡ, tìm lại được tài sản quan trọng thất lạc, anh Daniel đã viết thư cảm ơn đến người dân và lực lượng Công an xã Đà Bắc.
Hành động của cán bộ Công an xã Đà Bắc không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn mà còn phát huy phẩm chất cao đẹp, ý nghĩa nhân văn của người chiến sĩ Công an Nhân dân, xây dựng hình ảnh thân thiện, an toàn của địa phương trong mắt bạn bè quốc tế.
Giải cứu thành công người phụ nữ bị khống chế bằng dao
Công an Lâm Đồng giải cứu thành công người phụ nữ bị khống chế bằng dao.
Ngày 15-7, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Nhân (24 tuổi, ngụ xã Khe Tre, TP Huế) để điều tra hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng (ngoài cùng bên trái) làm việc với Nhân.
Thông tin cho biết, khoảng 19 giờ 10 phút ngày 14-7, Nhân bất ngờ xông vào nhà dân, sử dụng dao Thái Lan khống chế bà Trương Thị Hoàng Thu (46 tuổi, thường trú tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, hiện đang sinh sống tại xã Đức Trọng). Nhân đã đe dọa bà Thu, ép nạn nhân không được bỏ trốn hoặc kêu cứu.
Ngay khi nhận tin báo, Thượng tá Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo Công an xã Đức Trọng phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự nhanh chóng tiếp cận, triển khai biện pháp nghiệp vụ, tổ chức giải cứu an toàn cho bà Thu.
Đến 20 giờ 50 phút, lực lượng chức năng đã đưa bà Thu ra khỏi nơi bị khống chế, đồng thời bắt giữ Nguyễn Văn Nhân.
Lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật, lập biên bản phạm pháp quả tang và đưa Nhân về trụ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.
Diễn biến mới vụ ô tô rơi xuống sông sau tai nạn liên hoàn làm 3 người tử vong
Ngày 15/7, Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An cho biết, đã có báo cáo sơ bộ gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và UBND tỉnh Nghệ An về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Vạn An, tỉnh Nghệ An làm 3 người tử vong.
Theo báo cáo, khoảng 16h30 chiều 13/7, tại Km32+100 quốc lộ 46A, đoạn qua địa phận khối Ba Hà, xã Vạn An, tỉnh Nghệ An xảy ra vụ tai nạn giữa xe ô tô mang biển kiểm soát 37A-348.95 do anh Trần Hồng S. (35 tuổi, trú xã Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển hướng xã Kim Liên - xã Vạn An. Trên xe chở anh Trần Hữu Ba (37 tuổi) và Nguyễn Văn Trung (35 tuổi), cả hai cùng trú xã Vạn An.

Chiếc ô tô rơi xuống sông sau khi tông 2 xe máy
Khi đi đến cầu Thiên Đường, chiếc ô tô bị mất lái va chạm vào cột mốc bên đường, sau đó va chạm với xe máy do bà Hoàng Thị Quý (52 tuổi, trú xã Vạn An, tỉnh Nghệ An) chạy cùng chiều phía trước.
Xe ô tô tiếp tục va chạm với xe máy do anh Đậu Đình C. (32 tuổi, trú xã Đại Huệ, tỉnh Nghệ An) chở vợ là chị N.T.B (28 tuổi), con trai Đ.Đ.P (4 tuổi) và cháu Đ.Đ.Q (9 tuổi) đi ngược chiều. Sau đó ô tô tiếp tục va chạm vào lan can cầu Thiên Đường (phía bên phải) và rơi xuống sông Đào.
Hậu quả làm anh C. tử vong tại bệnh viện; cháu Q thì thi thể tìm thấy dưới sông Đào lúc 21h45 tối 13/7. Đến 0h30 sáng 14/7, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh S. dưới sông Đào (nhận định nguyên nhân tử vong ban đầu do ngạt nước). Chị B. và cháu P. bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Báo cáo này không nêu tốc độ của ô tô trước khi xảy ra vụ tai nạn.

Người đàn ông áo xanh lên ô tô cầm lái lúc 16h44 chiều 13/7 trước lúc xảy ra tai nạn.
Căn cứ báo cáo Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An cho thấy, anh Trần Hồng S. là tài xế ô tô trong vụ tai nạn. Trước đó, một cán bộ UBND xã Vạn An cung cấp diễn biến ban đầu về vụ tai nạn, người cầm lái chiếc ô tô lại là anh Trần Hữu Ba?
Qua trích xuất camera an ninh từ một quán karaoke ở xã Xuân Hòa (cũ), cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 1km, trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, lúc 16h44 chiều 13/7, ba người đàn ông lên xe ô tô rời quán karaoke chạy hướng xã Kim Liên - xã Vạn An. Sau đó hình ảnh camera an ninh một góc khác từ một khách sạn gần hiện trường, khoảng 16h46 xảy ra vụ tai nạn trên cầu Thiên Đường, ô tô rơi xuống sông.

Lúc 16h46 chiều 13/7 xảy ra vụ tai nạn liên hoàn ô tô đâm hai xe máy rơi ở cầu Thiên Đường
Ông Phan Huy Chương, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ban đã phối hợp với các cơ quan liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân và thăm hỏi, động viên các nạn nhân gặp nạn. “Báo cáo về vụ tai nạn được dựa trên báo cáo tổng hợp từ địa phương - nơi xảy ra vụ tai nạn, ngành công an, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An để xác định danh tính tài xế ô tô, xe máy, người tham gia cùng gặp nạn”, ông Chương nói.