Có đoạn thơ viết rằng:
“Người nào không lo già,
Già rồi ai thương xót?
Thân gầy đai phải nới,
Tóc thưa mũ lệch vành”.
Những câu thơ này đã khắc họa sự bất lực của con người khi về già: Ai rồi cũng lo lắng khi tuổi tác ập đến. Khi thân hình tiều tụy, bước chân lảo đảo, còn ai sẽ xót thương? Thân hình ngày càng gầy yếu, phải thường xuyên nới lỏng thắt lưng; tóc thưa thớt khó che, đến nỗi vành mũ cũng xiêu vẹo. Hình ảnh ấy chính là dấu vết thời gian in hằn trên cơ thể con người, làm phai mờ đi vẻ rạng rỡ của một thời.
Có lẽ sẽ có người nói rằng, nuôi con chính là để lúc về già có nơi nương tựa. Thế nhưng, thời đại đã khác xưa. Nhịp sống xã hội ngày nay hối hả, con cái thường khó lòng làm chủ được thời gian của mình. Chúng có thể sống ở xa, cả năm khó về được vài lần; hoặc là sau khi lập gia đình, con cái bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, ngay cả việc lo toan cho gia đình nhỏ của mình đã không dễ dàng, nói gì đến việc luôn túc trực bên cạnh cha mẹ già.
Điều mà những người già có thể mong đợi chỉ là những buổi đoàn tụ ngắn ngủi vào dịp lễ tết. Nhưng những cơ hội như vậy vốn đã ít ỏi, nếu con cái có việc bận thì cũng chỉ đành thở dài ngao ngán.
Vì vậy, việc đặt toàn bộ hy vọng an dưỡng tuổi già vào con cái khó tránh khỏi thất vọng. Thực tế thường cho thấy: tự lực cánh sinh mới là lựa chọn đáng tin cậy nhất. Khi về già, đừng quá trông cậy vào con cái để an dưỡng mà thực ra, 3 thứ dưới đây mới là những điều bạn có thể thực sự dựa vào.

1. Ít bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh là phúc lớn nhất của người già
Bên bờ biển nọ, một cụ già ngồi trên xe lăn, dõi mắt nhìn dòng người nô đùa trên bãi cát, ánh mắt đầy vẻ ngưỡng mộ và buồn bã. Chắc hẳn ông cũng khát khao được dạo chơi trên sóng biển, nhưng bị cơ thể ốm yếu giam cầm, đành chỉ có thể nhìn từ xa.
Đến tuổi già mới hiểu, sức khỏe tốt quý giá hơn vạn lượng vàng. Khi cơ thể cường tráng, bạn có thể làm những điều mình yêu thích, sống an nhàn tự tại. Một khi đổ bệnh, cuộc sống là bao nỗi giày vò.
Một cụ bà có 3 con trai và 1 con gái, vốn nghĩ rằng sẽ không phải lo lắng chuyện dưỡng lão nhưng một trận bệnh đã khiến bà hoàn toàn tỉnh ngộ. Bình thường bà không chú trọng việc giữ gìn sức khỏe, bệnh cao huyết áp đã gây ra nhiều biến chứng.
Sau khi nhập viện, người con trai cả chăm sóc một thời gian, sau đó lại lấy lý do "anh em chia đều" để thoái thác. Những người con khác lại cho rằng "nhà cũ đã cho anh cả thì anh phải gánh vác nhiều hơn". Bốn anh chị em vì chuyện này mà nảy sinh mâu thuẫn. Cụ bà nằm trên giường bệnh rơi nước mắt: "Nếu cơ thể khỏe mạnh, đâu đến nỗi làm phiền các con nhiều như vậy".
Đến khi già mới hiểu, dưỡng lão rốt cuộc vẫn phải tự mình lo. Có sức khỏe tốt, tự lo được cho bản thân, không làm phiền con cái chính là phúc lớn nhất.

2. Có tiền tiết kiệm, không hoảng loạn khi gặp khó khăn
Có tiền tiết kiệm trong tay chính là sự tự tin khi về già. Thế nhưng, một số người già luôn nghĩ "cho hết con cái", không giữ lại một xu, cho rằng con cái rồi sẽ "đáp lễ". Nhưng đừng quên, con cái bạn đã có gia đình riêng của mình, việc chi tiêu không còn do một người quyết định. Đến khi thực sự cần tiền gấp, nếu con cái không có hoặc việc đưa tiền gây ra mâu thuẫn gia đình, người già chỉ có thể sốt ruột. Sự bất lực này, những người từng trải ắt hiểu rất rõ.
Những người già thông minh, sẽ giúp đỡ con cái, nhưng càng biết lo cho bản thân. Để lại một ít tiền tiết kiệm không phải ích kỷ mà là để dự phòng cho những khó khăn có thể xảy ra. Dù sao, khi ốm đau không phải ngửa tay xin con cái vốn đã không dư dả, cũng là cách giúp chúng giảm bớt gánh nặng.

3. Có chỗ ở riêng, sống đàng hoàng
Một số người già nghĩ "ở nhà con cái là điều đương nhiên", thậm chí vì muốn giúp con mua nhà mà bán đi căn nhà cũ của mình. Thế nhưng, khi thực sự đến nhà con cái mới phát hiện: Có lẽ con cái hoan nghênh, nhưng con dâu, con rể chưa chắc đã thật lòng chấp nhận. Đối với con cái có thể thẳng thắn nói ra, nhưng đối với con cháu lại phải dè dặt từng li từng tí, sợ gây ra mâu thuẫn gia đình. Cái gọi là "sống nhờ", cảm giác chưa bao giờ dễ chịu.
Có chỗ ở riêng thì khác. Bạn sống thoải mái, muốn gặp con cái thì đến thăm, không vui thì về nhà, không cần nhìn sắc mặt ai. Ngôi nhà không chỉ là tài sản, mà còn là "lối thoát" khi về già.k Không làm phiền con cái cũng là sự thấu hiểu dành cho chúng.
Ai rồi cũng sẽ già, ai cũng mong muốn tuổi già có nơi nương tựa, sống an nhàn. Nhưng xã hội ngày nay đã khác, dân số già hóa ngày càng trầm trọng, con cái cũng chịu nhiều áp lực, thay vì trông cậy vào người khác, chi bằng sớm lên kế hoạch: Giữ gìn sức khỏe, tích góp tiền bạc, giữ vững chỗ ở.
Khi về già, sống thấu đáo là quan trọng nhất, tự chăm sóc tốt cho bản thân chính là sự sắp xếp tốt nhất cho tuổi xế chiều của mình.