Ở huyện Hiếu Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, chàng trai 9x Tang Genggen với thân hình gầy gò, dáng đi xiêu vẹo vì khuyết tật bẩm sinh đã tự mình viết lại số phận. Từ một sinh viên đại học gặp vô vàn khó khăn khi tìm việc, anh đã vươn lên trở thành "Tư lệnh Dê" với thu nhập hàng triệu tệ (tương đương hàng tỷ đồng) mỗi năm. Không những vậy, anh còn giúp hơn 200 bà con lối xóm thoát nghèo, làm giàu.
Khởi nghiệp gian nan và ý chí không khuất phục
Sinh năm 1992, Tang Genggen mắc nhiều chứng khuyết tật bẩm sinh. Anh cao chưa đầy mét rưỡi, tứ chi yếu mềm, ngay cả việc cầm đũa ăn cơm cũng khó khăn, đi lại thường xuyên bị ngã. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp đại học ở Vũ Hán, anh liên tục gặp trở ngại trong hành trình tìm việc vì lý do sức khỏe. Đối mặt với người cha ốm yếu và một gia đình chỉ sống dựa vào vài chục con dê, anh quyết định trở về quê.
"Lúc đó gia đình tôi rất nghèo. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng không tìm được việc làm. Ở nhà không có gì làm, nhìn bố mẹ rất vất vả, rơi nước mắt nhìn mình, tôi nghĩ liệu bản thân có thể giúp gia đình san sẻ gánh nặng một chút, tạo dựng được sự nghiệp gì đó không", Tang Genggen chia sẻ về quyết định trở về.

Thời kỳ đầu khởi nghiệp, khó khăn chồng chất khi dê gầy yếu, điều kiện vệ sinh kém, tỷ lệ dê con tử vong cao, việc tiêu thụ không quy mô, thu nhập ít ỏi. Anh đã trằn trọc cả đêm để tìm lối thoát, tin rằng "chỉ cần không từ bỏ, sẽ có cơ hội". Để cải thiện tình hình chăn nuôi, Tang Genggen tìm hiểu khắp nơi, học hỏi kỹ thuật phòng chống dịch bệnh.
Chàng trai 9x dồn hết tâm huyết, dùng sữa tươi nguyên chất cho dê con uống đến khi đủ tháng. Mùa đông, anh chuẩn bị cỏ xanh tươi; trước và sau khi dê mẹ sinh, anh còn cẩn thận pha chế thức ăn dinh dưỡng đặc biệt. Sự kiên trì và tận tâm này cuối cùng đã gặt hái được quả ngọt khi tỷ lệ dê con tử vong giảm đáng kể, chu kỳ sinh trưởng được rút ngắn, mỗi con dê tăng trọng thêm 6-7kg, hiệu quả chăn nuôi nâng lên rõ rệt.

"Mỗi con dê đều do tôi tận tâm chăm sóc, là tâm huyết của tôi, tôi coi chúng như con cái mà nuôi dưỡng. Chỉ có đối xử chân thành với chúng, chúng mới đền đáp lại bạn. Tôi kiên quyết không dùng những loại thức ăn hỗn tạp để nuôi dê, tôi dùng đều là cỏ tự nhiên và ngô tự trồng", Tang Genggen khẳng định.
Giúp bà con thoát nghèo và những hoài bão lớn hơn
Cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, Tang Genggen không quên những bà con trong làng đang gặp khó khăn. Anh liên kết các hộ chăn nuôi dê thành lập hợp tác xã chăn nuôi chuyên nghiệp và chủ động liên hệ 21 hộ nghèo khuyết tật, ký hợp đồng nuôi dê núi với họ. Không chỉ miễn phí truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi, tặng dê mẹ giống, anh còn giúp họ tiêu thụ dê thịt.
"Thằng bé Tang Genggen này thật sự rất tốt. Nếu không có nó dẫn dắt, chúng tôi làm sao có được cuộc sống tốt đẹp như bây giờ. Trước đây nghèo khó lắm, giờ nhờ nuôi dê, cuộc sống ngày càng có hy vọng", một người dân địa phương chia sẻ.
Hiện nay, tại hợp tác xã của Tang Genggen, số lượng dê núi lên tới hơn 1000 con, xuất chuồng 600 con mỗi năm, tổng thu nhập hàng năm đạt 900.000 nhân dân tệ, trong đó doanh thu bán hàng giúp các xã viên đạt 450.000 nhân dân tệ. Ngoài ra, anh còn tích cực học hỏi kiến thức thương mại điện tử, giúp các hộ khó khăn không phù hợp với việc chăn nuôi dê bán nông sản, mở rộng thêm kênh tăng thu nhập cho mọi người.

"Khuyết tật về thể chất không thể giới hạn ước mơ của tôi, chỉ cần nỗ lực phấn đấu, nông thôn cũng có thể tạo dựng được một thế giới riêng", Tang Genggen khẳng định.
Anh tiếp tục ấp ủ những hoài bão lớn hơn: "Tiếp theo, tôi đang nghĩ cách làm sao để tỷ lệ dê mẹ sinh sản cao hơn nữa, làm sao để dẫn dắt bà con đưa thịt dê tiêu thụ trên toàn quốc và cùng bà con làm cho cuộc sống ngày càng sung túc hơn".