Thụt tháo đại tràng, sán dài hơn 3m chui ra ngoài

Sán dây xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, thông qua việc ăn phải ấu trùng hoặc trứng sán trong thực phẩm nhiễm bẩn.

Phát hiện phân có sán mới đi khám

Ngày 1/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 1 ca bệnh rất hy hữu: Thụt tháo nội soi đại tràng phát hiện sán dây dài hơn 3m.

Theo đó, gần một năm nay, anh A.T. (30 tuổi, quê Phú Thọ) thường xuyên bị đau bụng khi đi ngoài, kèm theo táo bón và són phân ít một. Do nghĩ chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường, anh chủ quan không đi khám.

Mới đây, khi phát hiện trong phân có những đoạn ký sinh trùng màu trắng, ngọ nguậy như đốt sán, anh mới đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thăm khám.

san-day-2-2682.jpg
Đốt sán dây - Ảnh BVCC

Tại Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế, sau khi được làm các xét nghiệm ký sinh trùng, anh T. được chỉ định thụt tháo để chuẩn bị nội soi đại tràng. Sau thụt, các bác sĩ ghi nhận một con sán dây dài hơn 3m được thải ra theo phân, còn sống, đang ký sinh trong ruột và đại tràng.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết có thói quen ăn rau sống và đã lâu không tẩy giun. Anh nghi ngờ mình bị nhiễm sán do ăn phải rau sống không đảm bảo vệ sinh, có thể chứa trứng sán dây.

san-day-3.jpg
Sán dây dài hơn 3 m chui ra - Ảnh BVCC

TS.BS Lê Nguyễn Minh Hoa, Kỹ thuật viên trưởng Khoa Vi sinh và Sinh học phân tử phân tích: Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, qua quan sát ban đầu, chúng tôi nghi ngờ đây là sán dây bò (Taenia saginata), tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt với sán dây lợn (Taenia solium).

Để xác định chính xác loài sán, bắt buộc phải thu được phần đầu sán – bộ phận mang đặc điểm định danh. Do đó, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc xổ để thải ra toàn bộ con sán, bao gồm cả phần đầu để tránh tái phát.

BS Nguyễn Thị Thu Huyền, Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế cho biết, sau khi có kết quả định danh, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị đặc hiệu.

Tùy theo loại sán và mức độ nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc đặc hiệu, kết hợp với thuốc xổ để đẩy sán ra ngoài.

Sau điều trị, người bệnh cần được theo dõi bằng xét nghiệm phân định kỳ trong vài tuần đến vài tháng, nhằm đảm bảo sán đã được loại bỏ hoàn toàn, không còn trứng hoặc đốt sán sót lại trong đường ruột.

san-day-1.jpg
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ăn phải ấu trùng hoặc trứng sán trong thực phẩm nhiễm bẩn

Theo BS Huyền, sán dây là loại ký sinh trùng có thể tồn tại âm thầm nhiều năm trong cơ thể mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

Một số bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, sụt cân dù ăn uống bình thường. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu đầu tiên chính là việc phát hiện đốt sán bò ra theo phân.

Về cơ chế lây nhiễm, bác sĩ Huyền phân tích: Sán dây xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, thông qua việc ăn phải ấu trùng hoặc trứng sán trong thực phẩm nhiễm bẩn. Với sán dây bò, nguồn lây chủ yếu là thịt bò tái hoặc chưa nấu chín kỹ.

Nguy hiểm hơn, sán dây lợn không chỉ lây qua thịt nhiễm ấu trùng mà trứng của chúng còn có thể truyền từ người sang người qua đường phân – tay – miệng nếu vệ sinh kém.

Khi vào cơ thể, trứng nở thành ấu trùng, xuyên qua thành ruột và có thể di chuyển đến não, mắt, cơ…– một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.

Đồng thời, bác sĩ Huyền cảnh báo, trứng và ấu trùng sán dây có thể lan truyền qua thực phẩm, nước hoặc đất bị ô nhiễm.

Những thói quen ăn uống thiếu an toàn như ăn thịt tái, tiết canh, rau sống không rửa kỹ, uống nước lã hoặc không tẩy giun định kỳ đều làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Mỗi đốt sán dây có thể chứa hàng nghìn trứng. Nếu không điều trị dứt điểm, trứng sẽ tiếp tục phát tán, làm tăng nguy cơ tái nhiễm cho chính người bệnh và cộng đồng.

Xem video: Thụt tháo nội soi đại tràng phát hiện sán dây dài hơn 3m.

“Để phòng bệnh, mỗi người cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi, hạn chế ăn thịt tái hoặc rau sống chưa được xử lý kỹ.

Đồng thời, nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần, đặc biệt với trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu”, BS Huyền khuyến cáo.

Nhiễm sán dây sau khi ăn thịt bò sống

Sau khi ký sinh trong cơ thể người, sán dây bò sẽ chiếm nguồn dinh dưỡng thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa.

Chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo khẩn cấp sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm sán dây bò dài cả mét do ăn Soi Ju (thịt bò bằm sống), một món ăn phổ biến của Thái Lan.
Vụ việc trên đã làm dấy lên những mối lo ngại mà người dân Thái Lan gặp phải khi ăn các món thịt sống. Tiến sĩ, bác sĩ Natkaphat Rattanapithun, cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh ký sinh trùng, xác nhận rằng trường hợp này có liên quan đến nhiễm sán dây bò. Loại bệnh giun sán thường được phát hiện nhiều trên những người ăn các món thịt bò sống, đặc biệt là món Soi Ju.

Người phụ nữ nhiễm sán dây chuột, triệu chứng nào thường bị bỏ qua?

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm và mắc bệnh sán dây chuột khi vô tình nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm sán, trong vòng 10 ngày sẽ phát triển thành sán.

Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Đan Phượng (Hà Nội) đến thăm khám trong tình trạng ngứa kéo dài, không thuyên giảm, sắc tố da thay đổi, rối loạn tiêu hóa, gầy, sụt nhẹ cân và đã chữa nhiều nơi không tìm được căn nguyên...

Bệnh nhân là bà N.T.H, ở Đan Phượng, Hà Nội làm nghề phụ hồ. Cách đây hơn 1 năm, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện triệu chứng ngứa, sắc tố da thay đổi, bệnh nhân đi chữa trị bằng nhiều phương pháp nhưng chỉ giảm ngứa, sau một thời gian bệnh nhân tái phát lại.

Ho nhiều, chảy nước mũi... bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán dây lợn

Vừa qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân V. (51 tuổi, Nam Định) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, chảy nước mũi và đau ngực gáy.

Hai tuần trước khi đến khám, bệnh nhân V. xuất hiện các triệu chứng bệnh và tự ý dùng thuốc ho dài ngày nhưng không thuyên giảm. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở cơ.

Đây là một trong nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã mắc bệnh trong thời gian dài có nguy cơ gây nhiễm ấu trùng ở não, gây những biến chứng nguy hiểm như động kinh, viêm não, não úng thuỷ, thậm chí gây tử vong.