Cuộc đua với bóng tối, kịp thời giành lại ánh sáng
Ngày 1/7, Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cho biết, các bác sĩ đã tiếp nhận và xử trí cấp cứu một trường hợp người bệnh nam bị chấn thương phức tạp vùng mắt do dị vật kim loại đâm xuyên qua vùng hốc mắt trên.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều vùng mắt trái, có dị vật kim loại lớn đâm xuyên qua vùng mắt trái, sưng nề, nguy cơ tổn thương sâu đến cấu trúc nhãn cầu.

Đối mặt với vết thương phức tạp và nguy cơ mất thị lực hoàn toàn, đội ngũ kíp trực Khoa Mắt đã phối hợp khẩn trương với đa chuyên khoa để tiến hành đánh giá lâm sàng, chụp chiếu hình ảnh tổn thương và đưa người bệnh vào phòng phẫu thuật trong thời gian ngắn nhất.
Với sự phối hợp nhịp nhàng, tinh thần khẩn trương và tay nghề vững vàng, các bác sĩ đã thành công loại bỏ dị vật sắc nhọn, đồng thời xử trí triệt để tổn thương phần mềm quanh hốc mắt, bảo tồn tối đa cấu trúc và chức năng nhãn cầu.
Sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo, không ghi nhận tổn thương xuyên nhãn cầu, thị giác bước đầu được bảo toàn – một kết quả mang lại hy vọng lớn cho quá trình hồi phục tiếp theo.
Các bác sĩ khuyến cáo, trong các trường hợp dị vật đâm xuyên vùng mắt hoặc mặt – tuyệt đối không rút dị vật ra tại chỗ. Việc này có thể gây xuất huyết nặng hoặc làm tổn thương nghiêm trọng cấu trúc bên trong.
Hãy giữ cố định dị vật, che chắn nhẹ và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt gần nhất.
Cách sơ cấp cứu chấn thương mắt
Hằng ngày tại phòng khám cấp cứu nhãn khoa Bệnh viện Mắt Trung ương thường hay gặp những ca chấn thương trong sinh hoạt do tai nạn giao thông, tai nạn lao động ở những cơ sở sản xuất về cơ khí, công nghiệp, chấn thương trong nông nghiệp (chủ yếu vào các vụ gặt)…

Tùy theo mức độ bệnh chấn thương mắt mà có cách xử trí khác nhau:
Các vết thương về lệ quản, mi, nhãn cầu
Chấn thương đứt lệ quản rất hay gặp khi bị chấn thương vào trong góc của mi mắt. Khi bị chấn thương đứt lệ quản, bệnh nhân cần được mổ nối thông lệ quản, có thể làm phẫu thuật cấp cứu hay cũng có thể được bố trí mổ phiên.
Chấn thương mi thường liên quan đến yếu tố thẩm mỹ.
Một số chấn thương mi và nhãn cầu có thể kèm theo dị vật ở kết mạc hoặc giác mạc, hoặc dị vật vào sâu hơn nữa (trong nhãn cầu, trong hốc mắt). Bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Vết thương xuyên nhãn cầu: mọi vết thương nhãn cầu đều phải được cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.
Chấn thương đụng dập nhãn cầu
Do tác động trực tiếp hay gián tiếp của các tác nhân đầu tù, các vật có kích thước to như đá, bóng, gạch, quả cầu lông đập vào mắt gây ra tổn thương cho mắt như đụng dập mi gây phù nề, xuất huyết, đụng dập dập nhãn cầu, xuất huyết tiền phòng, vỡ củng mạc, đục vỡ thể thủy tinh, lệch thể thủy tinh, đụng dập xuất huyết võng mạc, bong võng mạc…
Sau khi bị chấn thương, bệnh nhân có dấu hiệu mờ mắt cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất, nếu là phòng khám chuyên khoa mắt thì tốt nhất.
Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa
Nguyên nhân gây bỏng có nhiều: bỏng do nhiệt, do ánh sáng (bỏng hàn), bỏng do hóa chất (axit hoặc bazơ). Trong bỏng do hóa chất, nguyên nhân do bỏng vốn thường gây triệu chứng và di chứng nặng nề.
Ngay cả các trường hợp nặng, dù đã được cấp cứu và điều trị tích cực cũng vẫn có thể dẫn đến biến chứng và di chứng mù lòa sau này.
Khi bệnh nhân bị bỏng, việc sơ cứu ở những giây phút đầu tiên rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến phục hồi chức năng người bệnh.
Sơ cứu được thực hiện tại chỗ gây ra bỏng: rửa mắt bằng nước sạch, rửa mắt thật nhanh và thật nhiều để loại trừ hóa chất gây bỏng. Nếu có cục vôi trong mắt cần phải gắp ra rồi mới được rửa mắt.
Cho bệnh nhân dùng kháng sinh toàn thân và tra thuốc mỡ kháng sinh vào mắt đề phòng biến chứng dính kết mạc mi với kết mạc nhãn cầu.
Ngoài những cấp cứu về chấn thương còn có một số bệnh khác cũng cần được xử trí cấp cứu như viêm màng bồ đào, glôcôm, viêm mủ nội nhãn, viêm loét giác mạc…