Các loại đồ uống sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer:
Đồ uống có đường
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường (ví dụ nước ngọt hoặc nước ép trái cây) có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe như béo phì, tiểu đường loại 2 hoặc bệnh tim mạch, tất cả đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer.
Trong một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Journal of Prevention of Alzheimer's Disease, các tác giả phát hiện những người nạp nhiều đồ uống có đường có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp 3 lần so với những người không uống. Ngoài ra, nguy cơ đột quỵ cũng tăng gấp đôi.
Nghiên cứu từ Harvard School of Public Health cũng chỉ ra những người uống đồ uống có đường mỗi ngày thường có trí nhớ kém hơn cũng như thể tích não tổng thể và vùng hồi hải mã nhỏ hơn đáng kể. Hồi hải mã là cấu trúc quan trọng của não bộ, có tác dụng cải thiện khả năng ghi nhớ. Các tác giả cũng cho rằng đồ uống có đường có liên quan đến các triệu chứng của bệnh Alzheimer tiền lâm sàng.
Cắt giảm lượng nước ngọt nạp vào cơ thể là cách giúp giữ tâm trí khỏe mạnh và minh mẫn khi có tuổi. Một lon nước ngọt 350 ml chứa khoảng 150 calo và 37 g đường, nhiều hơn mức bạn nên nạp trong ngày.

Nước uống phục hồi thể lực
Tương tự đồ uống thể thao, đồ uống phục hồi thể lực được thiết kế cho các vận động viên. Đây là đồ uống được pha từ carbs, protein với tỷ lệ 4:1 và được dùng để bổ sung chất lỏng, carbohydrate, protein.
Đồ uống này không tốt cho não bộ vì nó chứa nhiều calo và được làm từ carbs đơn giản. Bạn không nên bổ sung nó vào chế độ ăn uống trừ khi bạn là một vận động viên đang gặp khó khăn trong việc duy trì cân nặng.

Soda ăn kiêng
Soda ăn kiêng, hay nước ngọt có gas ăn kiêng, thường được coi là thức uống "vô tội" dành cho người muốn tránh đường. Nó được quảng cáo như một lựa chọn lành mạnh hơn cho việc kiểm soát đường huyết và cân nặng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu phát hiện rằng những người uống ít nhất một lon đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ và mất trí nhớ (bao gồm Alzheimer) cao gần gấp 3 lần.
Robert Love nhấn mạnh rằng các chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame và sucralose trong soda ăn kiêng có thể gây nhiễu loạn hoạt động của não và làm thay đổi độ nhạy insulin. Về lâu dài, điều này dẫn đến tình trạng viêm trong não - một yếu tố có liên hệ mạnh mẽ với sự phát triển bệnh Alzheimer.
Sữa tách béo
Sữa tách béo từ lâu được cho là lựa chọn ít chất béo, tốt cho tim mạch. Nó được coi là lý tưởng cho người quan tâm đến cholesterol hay lượng calo.
Tuy nhiên trên thực tế, việc loại bỏ chất béo khỏi sữa cũng đồng thời làm mất đi các vitamin tan trong chất béo như A, D, E và K - những chất rất cần thiết để bảo vệ não. Robert Love cảnh báo rằng thiếu hụt vitamin D - một tình trạng hiện phổ biến ở người trưởng thành - có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức.
Thêm vào đó, một số nghiên cứu cho thấy việc xử lý sữa tách béo có thể làm tăng mức IGF-1 (insulin-like growth factor 1) - một yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi của tế bào não.
Tốt nhất, bạn hãy tiêu thụ sữa nguyên kem điều độ, đặc biệt là loại hữu cơ, từ bò ăn cỏ, cung cấp chất béo tự nhiên và vitamin thiết yếu cho não. Nếu chọn sữa thực vật, hãy ưu tiên sữa hạnh nhân hoặc yến mạch không đường, được bổ sung vitamin D.