Dịch tả lợn châu phi, chọn thịt lợn thế nào cho an toàn?

Liên tiếp các vụ lợn nhiễm dịch tả châu Phi bị bắt giữ trên đường vận chuyển, tuồn ra chợ, nhà hàng và quán ăn... khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Ổ dịch tại nhiều tỉnh thành

Hiện tại dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tính từ đầu năm đến ngày 13/7, tại các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc xảy ra 386 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 15 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập).

Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 22.026 con (so với cùng kỳ năm trước số ổ dịch giảm 44%, số lợn chết và tiêu hủy giảm 60%).

Tuy nhiên, hiện nay khu vực phía Bắc có 212 ổ dịch tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 17.438 con.

So với từ đầu năm đến nay, số ổ dịch mới chiếm khoảng 55% (212/386 ổ dịch) và số lợn bệnh, chết và tiêu hủy chiếm tới 80% (17.438/22.026 con).

Hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là một số tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đặc biệt gần đây, liên tiếp các vụ lợn nhiễm dịch tả châu Phi bị bắt giữ trên đường vận chuyển, tuồn ra chợ, nhà hàng và quán ăn... khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

a2-5817-1304.jpg
Kiểm tra lợn được bắt giữ tại Hòa Bình - Ảnh nguồn Internet

Các bác sĩ Trung tâm Y tế khu vực Cẩm Khê - Phú Thọ cho biết, bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.

Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.

Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Cách chọn mua thịt lợn

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, dịch tả lợn châu Phi khác với bệnh lở mồm, long móng hay cúm gia cầm, chúng chỉ lây lan trong đàn lợn, chứ không lây qua người.

Về cơ bản thịt lợn nhiễm tả khi được nấu chín thì không nguy hiểm và truyền bệnh cho người. Tuy nhiên, theo quy định lợn nhiễm dịch tả là phải tiêu hủy, không được sử dụng làm thực phẩm cho người.

thit-heo-1303-1.jpg
Các đối tượng mua lợn bệnh giá rẻ rồi về giết mổ, bán ra thị trường. Ảnh: Công an Hà Nội

"Lợn nhiễm tả điều nguy hiểm nhất là sức đề kháng của lợn suy yếu hoặc bị chết, sau đó rất nhanh bị các loại vi khuẩn tấn công gây thối rữa. Ngoài ra, khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, đa số người chăn nuôi tìm cách cứu chữa và tiêm thuốc cho lợn. Vì thế, nếu ăn phải thịt lợn bệnh, ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, thì nguy cơ nhiễm hóa chất, kháng sinh là rất lớn", PGS.TS Thịnh thông tin.

Người dân khi đi mua thịt khó phân biệt lợn nhiễm dịch tả châu Phi. Vì vậy, để tránh mua phải thịt lợn nhiễm dịch tả phụ thuộc nhiều vào ý thức của người chăn nuôi.

“Người chăn nuôi nếu phát hiện lợn bệnh cần báo cơ quan chức năng tiêu hủy ngay thì mới ngăn chặn được từ gốc. Còn vì ham lợi, bán rẻ để thu hồi gốc thì nguy cơ người tiêu dùng ăn phải lợn bệnh là rất lớn”, ông Thịnh cho hay. Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện và ngăn chặn kịp thời lợn ốm, lợn bệnh tuồn ra thị trường.

Để mua thịt lợn an toàn, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng, khi lựa chọn thịt lợn cũng cần phải lưu ý, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ mua phải lợn bệnh, lợn ốm. Theo đó, khi mua lợn có những đặc điểm dưới đây không nên mua:

Có mùi lạ: Nếu lợn có mùi hôi, hoi thì không nên mua. Khi mua có thể ngửi trực tiếp hoặc để ra trước quạt sẽ cảm nhận được mùi khác lạ.

Có màu khác lạ: Nếu thịt có màu xám đen, đỏ đậm, đỏ đen thì đó thường là thịt lợn bẩn và kém tươi. Còn những miếng thịt có vết máu, mỡ hồng, mạch máu sẫm màu là thịt lợn chết, bị bệnh.

Không có độ đàn hồi: Thịt lợn tươi thường có độ đàn hồi lớn, khi ấn ngón tay xuống rồi thả ra, vết lõm trên miếng thịt do ngón tay tạo thành sẽ nhanh chóng đầy lên và biến mất.

Miếng thịt nhìn sũng nước: Miếng thịt trông có nhiều nước hoặc ướt sũng rất có khả năng đã bị người bán bơm nước, ngâm nước để tăng trọng lượng. Nếu thấy nước chảy ra từ miếng thịt lợn và người bán thường xuyên lấy khăn thấm thì nên tránh xa vì thịt đó đã bị bơm nước.

Thịt lợn có hạch bạch huyết: Hạch bạch huyết thường chứa mầm bệnh, vi khuẩn, mùi hôi, khó diệt được vi khuẩn dù nấu kỹ. Cổ lợn là phần thịt có nhiều hạch bạch huyết nhất. Người tiêu dùng nên tránh mua những miếng thịt nổi hạch.

thit-lon-1.jpg
Cần biết cách lựa chọn miếng thịt tươi ngon - Ảnh minh họa nguồn Internet

Phân biệt thịt lợn chết: Nếu ăn phải thịt lợn chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân sẽ bị trúng độc hoặc bị lây nhiễm bệnh từ lợn bị bệnh. Cách phân biệt là xem máu trong thịt đã tiết ra hết chưa. Nếu thịt màu đỏ tối, mao mạch trong thịt màu tím ứ huyết là thịt lợn chết.

Phân biệt thịt lợn gạo. Loại thịt này có lẫn ấu trùng. Đặc trưng rõ rệt nhất của thịt lợn gạo là trong thịt nạc có những hạt hình bầu dục màu trắng sữa hơi trong, từ ngoài nhìn vào giống như các hạt gạo xen vào thịt.

Phân biệt thịt lợn tươi ngon với thịt không tươi ngon

Thịt lợn tươi ngon có thớ thịt nạc chặt chẽ, thịt dẻo nhưng không dính, phần thịt mỡ màu trắng toát óng ánh, phần nạc màu hồng nhạt cũng óng ánh.

Thịt lợn không tươi ngon, ta sẽ thấy nó không óng ánh, phần thịt đỏ tối, mặt cắt có màu lục, tím, thịt nhẽo, không dẻo, nhưng dính tay, mùi ngửi khó chịu.

Lợn nhiễm dịch tả châu Phi ra thị trường... nguy hại sao?

Khi ăn lợn bệnh có thể nhiễm một số vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn tả lợn, có thể sản sinh độc tố gây ngộ độc cấp tính, sốc nhiễm độc đe dọa tính mạng.

Nhiều vụ dịch tả lợn châu Phi bị bắt giữ

Liên tiếp các vụ lợn nhiễm dịch tả châu Phi bị bắt giữ trên đường vận chuyển, tuồn ra chợ, nhà hàng và quán ăn khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng.

Phú Thọ tiêu hủy gần 200 con lợn bị bệnh

Lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ phát hiện và buộc tiêu hủy gần 200 con lợn không rõ nguồn gốc, trong đó phần lớn nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường phụ trách khu vực các phường Hòa Bình – Kỳ Sơn (Phú Thọ) phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Quản lý thị trường Phú Thọ, Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Phú Thọ và Chi cục Chăn nuôi & Thú y – Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ tiến hành kiểm tra một phương tiện vận chuyển động vật qua địa bàn.

Phương tiện bị kiểm tra là xe ô tô mang biển kiểm soát 37H-014.36, đang lưu thông theo hướng Sơn La – Phú Thọ – Hà Nội, bị phát hiện và chặn lại khi đi qua phường Kỳ Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Phát hiện cơ sở giết mổ gần 3 tấn thịt lợn nhiễm dịch tả

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam vừa phát hiện cơ sở giết mổ thu mua lợn bệnh, giết mổ trái phép gần 3 tấn thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 28/5, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, rạng sáng 27/5, Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phát hiện gần 3 tấn thịt lợn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở giết mổ của hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh, Tổ dân phố Ninh Lão, phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên (Hà Nam).

capture-2089.png
Cơ sở giết mổ lợn của hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh.