UBND TP HCM vừa ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dinh dưỡng Dược Loha (địa chỉ tại 363/38/26D Đất Mới, khu phố 5, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân (cũ) buộc thu hồi và tiêu hủy nhiều sản phẩm sữa do vi phạm.
Theo quyết định xử phạt, sản phẩm sữa UC2 Premium Colos 24h Optimum 1+ được phát hiện có các chỉ tiêu lysine, taurine, DHA cao gấp nhiều lần so với bản công bố được cơ quan chức năng phê duyệt. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn tự công bố hai sản phẩm dinh dưỡng khác thuộc nhóm bắt buộc phải đăng ký công bố, đồng thời vi phạm quy định ghi nhãn khi không ghi đúng nơi sản xuất thực tế.

Sai lệch nhỏ về công thức, hậu quả lớn với sức khỏe
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, bác sĩ Trần Minh Tú, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết: “Khi nói về sữa công thức, chúng ta đang nói đến sản phẩm gần như thay thế hoàn toàn nguồn dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những tháng, năm đầu đời. Đây là giai đoạn não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan chức năng đang phát triển rất mạnh nhưng vẫn còn non nớt, dễ bị tổn thương bởi bất cứ yếu tố nào không phù hợp”.
Theo bác sĩ Tú, các vi chất như lysine, taurine, DHA đều cần thiết, nhưng nếu hàm lượng không được kiểm soát chặt chẽ, nó không còn là chất bổ mà có thể trở thành “gánh nặng” cho cơ thể trẻ.
Lysine, một acid amin thiết yếu, có vai trò hỗ trợ tăng trưởng, hình thành protein. Nhưng khi vượt quá nhu cầu, lysine dư thừa sẽ buộc gan, thận của trẻ vốn còn yếu phải làm việc quá tải để chuyển hóa và thải trừ. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa đạm, ảnh hưởng đến chức năng lọc thải của gan, thận.
Taurine hỗ trợ phát triển não bộ, võng mạc, nhưng liều cao kéo dài có thể khiến hệ thần kinh trung ương của trẻ rơi vào trạng thái kích thích quá mức. Trẻ dễ mất ngủ, quấy khóc, khó chịu, rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí não và hành vi.
DHA vốn là thành phần vàng cho trí não và thị lực, nhưng nếu bổ sung liều cao bất thường, có thể gây tiêu chảy, đầy bụng, khó hấp thu các chất béo khác, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng hấp thu vitamin tan trong dầu.
“Điều đáng sợ là phụ huynh hoàn toàn không thể tự phát hiện ra các chỉ số vi chất đang vượt chuẩn. Tất cả đều tin tưởng vào nhãn mác, tin vào những con số công bố trên lon sữa. Nhưng khi doanh nghiệp làm gian dối hoặc không kiểm soát chất lượng, người gánh hậu quả đầu tiên chính là trẻ nhỏ”, bác sĩ Tú bày tỏ lo ngại.
Ngoài vấn đề công thức dinh dưỡng, sai phạm ghi nhãn mác và tự ý công bố cũng được bác sĩ Trần Minh Tú đánh giá là vấn đề nghiêm trọng, không thể coi thường.
“Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi thuộc nhóm quản lý đặc biệt. Mỗi chỉ tiêu công bố đều phải được thẩm định khoa học, kiểm nghiệm thực tế, đăng ký và giám sát chặt chẽ. Doanh nghiệp tự ý bỏ qua quy trình này là hành vi đánh cắp niềm tin của phụ huynh. Mọi hậu quả xảy ra thì cha mẹ và trẻ là người chịu trước, chứ không phải ai khác”, ông nói.
Bác sĩ Tú nhấn mạnh: “Một lon sữa sai nơi sản xuất nghĩa là khi có vấn đề, truy xuất nguồn gốc sẽ mù mờ. Cha mẹ biết kêu ai khi con gặp biến chứng? Thu hồi kiểu gì khi thông tin trên nhãn không đúng? Đây là lý do mà Luật An toàn thực phẩm quy định rất rõ, nhưng đáng tiếc vẫn có những doanh nghiệp sẵn sàng lách luật vì lợi nhuận”.
Từ góc độ y tế, bác sĩ Tú cho rằng, không phải mọi loại sữa công thức đều tốt như quảng cáo. Sự đa dạng về thương hiệu, chủng loại càng đòi hỏi cha mẹ phải tỉnh táo, hiểu biết và cẩn trọng hơn.
Bác sĩ Trần Minh Tú cũng đưa ra những tư vấn để cha mẹ mua đúng sữa an toàn cho con: Chỉ mua sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, nguồn gốc minh bạch, được phân phối qua đại lý uy tín; Đọc kỹ thành phần, chứng chỉ công bố, hạn sử dụng, nơi sản xuất.
Khi thấy con có dấu hiệu tiêu hóa bất thường, dị ứng, nôn trớ, chậm tăng cân… sau khi đổi sữa, nên nghĩ ngay đến khả năng sữa không phù hợp, cần dừng ngay và đưa trẻ đi khám. Tuyệt đối không nên nghe theo lời rỉ tai, mua sữa xách tay trôi nổi, không rõ giấy tờ, dù giá rẻ hay được quảng cáo là xách tay chính hãng.
“Mỗi lon sữa công thức là cả một hệ sinh thái dinh dưỡng mà các bậc phụ huynh đang gửi gắm niềm tin. Gian dối trong lĩnh vực này đồng nghĩa với đánh cược tương lai và sức khỏe của một thế hệ”, bác sĩ Tú chia sẻ.
Vụ việc buộc tiêu hủy sản phẩm sai phạm của Công ty Loha là tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan chức năng đang siết chặt kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi gian lận trong lĩnh vực sữa công thức. Tuy nhiên, bác sĩ Tú cho rằng, vẫn cần siết chặt hơn nữa khâu hậu kiểm, kiểm tra định kỳ, công khai kết quả để phụ huynh kịp thời nắm bắt.
Về lâu dài, chính phụ huynh cũng phải là người tiêu dùng thông thái, không dễ bị dẫn dắt bởi quảng cáo phóng đại. Mỗi lựa chọn sáng suốt hôm nay là hàng rào bảo vệ sức khỏe cho con trẻ ngày mai.
Vi phạm chất lượng sản phẩm là gian lận thương mại?
Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Minh Trí, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích ba nhóm hành vi vi phạm và những hệ lụy pháp lý mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt, không chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính.
Theo quyết định xử phạt, sản phẩm UC2 Premium Colos 24h Optimum 1+ bị phát hiện các chỉ tiêu lysine, taurine và DHA đều vượt ngưỡng tiêu chuẩn đã công bố rất xa, cá biệt lysine cao gấp hơn 3 lần so với giới hạn.
Điểm c Khoản 2 Điều 19 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định rất rõ: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Khi chỉ tiêu dinh dưỡng bị vượt chuẩn, bản chất là doanh nghiệp đã cung cấp thông tin sai lệch cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng, làm phát sinh hành vi gian dối về chất lượng.
Theo luật sư, hành vi này nếu chỉ bị phát hiện khi sản phẩm đã tiêu thụ ra thị trường thì doanh nghiệp có thể bị xem xét thêm về tội gian lận thương mại theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nếu thỏa mãn dấu hiệu “cung cấp hàng hóa không đúng chất lượng nhằm thu lợi bất chính”.
Theo hồ sơ vụ việc, ngoài sản phẩm UC2 Premium Colos 24h Optimum 1+, Công ty Loha còn tự công bố hai sản phẩm dinh dưỡng pha sẵn cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, nhóm sản phẩm mà theo Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, bắt buộc phải đăng ký bản công bố tại Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền.
“Việc tự công bố sản phẩm thuộc diện bắt buộc đăng ký là hành vi vi phạm thủ tục pháp lý về an toàn thực phẩm. Đây là hành vi gian dối trong thủ tục quản lý nhà nước. Nếu gây ra thiệt hại thực tế về sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, hành vi này có thể cấu thành Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)”, luật sư Trí nêu quan điểm.
Ngoài ra, đây còn là hành vi vi phạm nghĩa vụ minh bạch, công khai thông tin của doanh nghiệp. Pháp luật quy định rõ, nhóm sản phẩm dinh dưỡng trẻ em thuộc diện “có yếu tố nguy cơ cao” và phải được quản lý đặc biệt. Nếu doanh nghiệp lách luật, tự công bố thì đồng nghĩa né tránh sự thẩm định về chất lượng và an toàn, hành vi đặc biệt nguy hiểm.
Kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm UC2 Premium Colos 24h Optimum 1+ ghi nơi sản xuất là “CN2 Công ty CP XNK Dinh dưỡng Dược Loha”, nhưng thực tế lại do Công ty TNHH Một thành viên Loha Pharma sản xuất. Đây là hành vi vi phạm Khoản 2, Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, cụ thể nhãn phải ghi đúng nơi sản xuất, cơ sở chịu trách nhiệm.
“Hành vi này nếu được chứng minh có mục đích gian dối để tạo niềm tin sai lệch cho người tiêu dùng, đánh tráo thương hiệu hoặc trốn tránh trách nhiệm về nguồn gốc thì hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Bởi bản chất giả không chỉ là làm giả sản phẩm mà còn có thể là làm giả nhãn, thông tin để qua mặt khách hàng và cơ quan quản lý”, luật sư Trí phân tích.
Hiện UBND TP HCM đã xử phạt tổng cộng 93,9 triệu đồng, yêu cầu tiêu hủy, thu hồi sản phẩm vi phạm và khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, mức xử phạt này được xem là rất nhỏ so với thiệt hại tiềm ẩn nếu sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trẻ nhỏ.
“Tôi cho rằng mức phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe. Nếu có căn cứ cho thấy doanh nghiệp cố tình gian dối, lặp lại hành vi vi phạm nhiều lần, hoặc nếu có phản ánh từ người tiêu dùng về thiệt hại thực tế, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể xem xét xử lý hình sự để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, luật sư Trí nói.
Theo luật sư Trí, trong các vụ việc tương tự, doanh nghiệp thường đổ lỗi cho khâu sản xuất, gia công, kiểm nghiệm hoặc sơ suất hành chính. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, doanh nghiệp kinh doanh phải chịu trách nhiệm liên đới toàn bộ về chất lượng, nhãn mác, công bố sản phẩm. Dù gia công ở đâu, nhập nguyên liệu từ ai, thì nhãn hàng mang tên doanh nghiệp vẫn là cam kết pháp lý với người tiêu dùng.
Từ vụ việc của Công ty Loha, luật sư Trí khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, thành phần, giấy công bố sản phẩm, tra cứu các công bố chính thức trên website của Cục An toàn thực phẩm. Với sản phẩm sữa công thức và dinh dưỡng trẻ nhỏ, càng phải tuyệt đối thận trọng. Nếu phát hiện bất thường, cần khiếu nại, báo cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của chính mình”.
Theo quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dinh dưỡng Dược Loha có 3 hành vi vi phạm:
Hành vi thứ nhất, buôn bán sản phẩm không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố. Mặc dù giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 244/2024/ĐKSP ngày 20/11/2024 và bản công bố sản phẩm số 014/LOHA/2024 ngày 12/11/2024 quy định chỉ tiêu lysine: 562±20% (mg/100g); taurine: 50,1±20% (mg/100g); DHA: 28,6±20% (mg/100g) nhưng kết quả kiểm nghiệm số 013402/VYTCC ngày 10/6/2025 của Viện Y tế Công cộng TP HCM lại cho thấy các chỉ số vượt xa mức cho phép: Lysine: 1840,23 (mg/100g); Taurin: 197,32 (mg/100g) và DHA: 58,47 (mg/100g). Tổng giá trị lô hàng nhập là 3,54 triệu đồng, trong đó 12 lon trị giá 2,124 triệu đồng đã được tiêu thụ.
Hành vi vi phạm thứ 2 là tự công bố sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm.
Hành vi thứ 3 là vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Cụ thể, sản phẩm UC2 Premium Colos 24h Optimum 1+ ghi nơi sản xuất là "CN2 Công ty CP XNK Dinh dưỡng Dược Loha" trong khi thực tế sản phẩm này do Công ty TNHH Một thành viên Loha Pharma sản xuất. Điều này vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa bắt buộc.
Với các vi phạm trên, UBND TP HCM đã xử phạt công ty với tổng số tiền 93,936 triệu. Ngoài ra, công ty bị buộc thu hồi 12 lon sản phẩm "UC2 Premium Colos 24h Optimum 1+" đã tiêu thụ và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm; Buộc thu hồi 2 sản phẩm dinh dưỡng pha sẵn "UC2 Platinum Grow Plus" và "UC2 Platinum Colos Grow Plus+", đồng thời thu hồi bản tự công bố sản phẩm không hợp lệ; Buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, đồng thời nộp lại số tiền bằng trị giá số hàng đã tiêu thụ không đúng quy định. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày công ty nhận được quyết định.