Quảng Ninh phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu

Lực lượng chức năng Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài.

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc cho thấy dấu hiệu buôn lậu xuyên biên giới tinh vi qua thương mại điện tử.

Cụ thể, sáng 8/7/2025, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra một kho hàng nằm trong khuôn viên Công ty Cổ phần Thương mại Đồng Tâm, phường Móng Cái 3, tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa điểm từng được ông Đỗ Văn Quang (trú tại phường Móng Cái 2) thuê trước khi qua đời ngày 26/6/2025. Theo xác minh từ giấy trích lục khai tử do UBND xã Vạn Ninh cấp, ông Quang đã tử vong trước thời điểm kiểm tra gần hai tuần.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện kho chứa tổng cộng 47.127 sản phẩm vi phạm, bao gồm: 16.166 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu với tổng giá trị khoảng 1,1 tỷ đồng; 15.511 sản phẩm hàng hóa nhập lậu trị giá khoảng 80 triệu đồng và 15.450 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá khoảng 65 triệu đồng. Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính lên đến 1,245 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo ông Phạm Văn Công (em rể của ông Quang), kho này được ông Quang thuê để cho một người Trung Quốc tên A PIN sử dụng làm nơi chứa hàng hóa. Hợp đồng thuê kho được ký ngày 1/6/2025, chỉ vài tuần trước khi ông Quang mất. Ông Công khẳng định số hàng hóa hiện có tại kho không thuộc sở hữu của ông Quang cũng như của bản thân mình.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tại hiện trường kiểm tra - Ảnh DMS

Qua kiểm tra hệ thống quản lý kho, Đoàn kiểm tra xác định đây là điểm trung chuyển cho hàng loạt đơn hàng được đặt qua nhiều tài khoản TikTok khác nhau, với nguồn hàng nhập từ trang thương mại điện tử 1688.com (Trung Quốc). Phần mềm điều hành kho được lập trình bằng tiếng Trung, do người Trung Quốc phát triển và quản lý, không tích hợp với hệ thống quản lý trong nước.

Nhân viên tại kho chỉ có nhiệm vụ in vận đơn có sẵn để chuyển cho đơn vị giao hàng. Hệ thống phần mềm ghi nhận giao dịch từ ngày 15/2/2025 với tổng số tiền khoảng 12 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, do dữ liệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài và không có cơ chế liên kết với hệ thống thương mại điện tử trong nước, nên chưa thể truy xuất được danh tính các tài khoản TikTok liên quan, cũng như tổng số hàng hóa đã bán ra hay khoản lợi nhuận thu về.

Đây là một vụ việc điển hình cho thấy thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, núp bóng các nền tảng mạng xã hội và hệ thống phần mềm xuyên biên giới nhằm tránh bị truy vết. Phương thức vận hành kho “ẩn danh”, kết nối đa tài khoản và kiểm soát từ xa đang đặt ra thách thức lớn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại điện tử.

Hiện, Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục điều tra, làm rõ chủ thể vi phạm. Vụ việc cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về việc kiểm soát công nghệ quản lý kho, nâng cao năng lực giám sát nền tảng số và phối hợp liên ngành giữa quản lý thị trường, an ninh mạng và hải quan trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển phức tạp.

Quảng Ninh bắt giữ gần 17 tấn ngao, hàu không xuất xứ

Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh vừa kiểm tra, xử lý tiêu hủy 9.100 kg ngao và 7.660 kg hàu sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước thông tin hàu Trung Quốc tiêu thụ với giá rẻ tại địa bàn Quảng Ninh gây khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản; Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng vận chuyển, kinh doanh thủy hải sản trái phép ngay từ khu vực biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cụ thể, ngày 29/6, Đội QLTT số 1 tiến hành khám ô tô BKS 34C-076.44 do ông N.V.M, sinh năm 1991, địa chỉ Pò Mã, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn điều khiển; vận chuyển 7.660 kg hàu sữa (loại từ 10-12 con/kg) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hà Nội phát hiện một lượng lớn sữa, mỹ phẩm nhập lậu

Hà Nội phát hiện hàng nghìn sản phẩm là sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm dành cho trẻ em và mỹ phẩm nghi nhập lậu.

Chiều ngày 13/6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra điểm cất giữ hàng hóa tại 62 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), phát hiện một lượng lớn hàng hóa nhập lậu.

Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội phát hiện hàng nghìn sản phẩm là sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm dành cho trẻ em và mỹ phẩm mang nhãn hiệu Altapharma, Hipp, Aptamil, Alete, Nivea… do Cộng hòa liên bang Đức sản xuất.

Tạm giữ 383 mỹ phẩm nhập lậu của Công ty Tinna Lê Make Up

383 sản phẩm mỹ phẩm các loại nhập lậu vừa bị cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện, thu giữ tại Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Tinna Lê Make Up.

Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội) vừa phát hiện và tạm giữ gần 400 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu tại một cửa hàng làm đẹp nằm ở phố Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm.

Cụ thể, vào ngày 9/6, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Tina Lê Make Up, địa chỉ 17 phố Hàng Cá, phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm. Ban đầu, Giám đốc công ty - bà Lê Anh Thăng vắng mặt, đại diện là bà Trần Thị Thanh Mai, quản lý cửa hàng, chủ trì quá trình làm việc với đoàn kiểm tra.