Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã ban hành Quyết định 238/QĐ-XPHC xử phạt Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế Helio (305 đường 3/2 phường 10, quận 10, TP HCM - nay là phường Vườn Lài, TP HCM) do vi phạm trong lĩnh vực y tế. Với bốn hành vi sai phạm, công ty bị xử phạt số tiền 84 triệu đồng.

Sai phạm nghiêm trọng
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, bác sĩ Trần Minh Tú, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM nhấn mạnh, việc không lập sổ khám bệnh thường bị coi nhẹ, nhưng thực chất lại vô cùng nguy hiểm.
“Hồ sơ bệnh án là công cụ kiểm soát toàn bộ quy trình y tế. Nó ghi lại tiền sử bệnh, dị ứng thuốc, tình trạng sức khỏe trước và sau can thiệp. Khi xảy ra biến chứng hay sốc thuốc, bác sĩ dựa vào hồ sơ để xử trí kịp thời. Bỏ qua hồ sơ đồng nghĩa với bỏ qua cơ hội cứu sống bệnh nhân trong nhiều tình huống”, bác sĩ Tú phân tích.
Theo bác sĩ Trần Minh Tú, không ít cơ sở y tế tư nhân hiện nay vì muốn tối đa hóa lợi nhuận đã tìm cách rút gọn quy trình khám chữa bệnh, thậm chí sẵn sàng bỏ qua khâu lưu trữ hồ sơ bệnh án, chỉ để “làm nhanh, thu tiền gọn” và xoay vòng khách hàng liên tục. Tuy nhiên, chính sự cắt xén này đã đẩy toàn bộ rủi ro về phía khách hàng, bởi khi xảy ra biến chứng hay tranh chấp y khoa, người bệnh không có bất kỳ bằng chứng nào để bảo vệ quyền lợi của mình.
“Một ca điều trị dù nhỏ đến đâu cũng phải được ghi chép, lưu giữ hồ sơ y tế đầy đủ, đó là nguyên tắc tối thiểu để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và trách nhiệm pháp lý cho cơ sở y tế”, bác sĩ Tú nhấn mạnh.
Trong bốn hành vi vi phạm của Phòng khám Quốc tế Helio, bác sĩ Tú cho rằng nguy hiểm nhất là thực hiện các thủ thuật xâm lấn thẩm mỹ khi chưa đủ điều kiện chuyên môn.
“Một mũi tiêm tê nghe thì đơn giản, nhưng nếu tiêm nhầm mạch hay sai liều, bệnh nhân có thể sốc phản vệ, ngưng tim, tụt huyết áp đột ngột. Bệnh viện lớn luôn có ê-kíp gây mê hồi sức và thiết bị hỗ trợ. Còn các cơ sở nhỏ không có chuyên khoa thì chỉ biết chờ xe cấp cứu, mà chờ vài phút thôi cũng có thể quá muộn”, bác sĩ Trần Minh Tú cảnh báo.
Bác sĩ Tú cho biết, ông từng chứng kiến nhiều ca biến chứng do tiêm filler, phun xăm gây tê sai cách, khi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì đã quá trễ, để lại di chứng tàn tật hoặc thậm chí tử vong.
Một sai phạm nghiêm trọng khác của Helio là quảng cáo các dịch vụ y tế, thẩm mỹ đặc biệt khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt nội dung. Bác sĩ Trần Minh Tú cảnh báo, đây là “chiêu trò” rất phổ biến, nhưng lại âm thầm đánh lừa niềm tin của người dân.
“Những quảng cáo không qua kiểm duyệt thường được viết rất hấp dẫn, tô vẽ quá mức. Người dân, nhất là những người không có hiểu biết chuyên sâu về y tế hay phẫu thuật thẩm mỹ, dễ tin vào những lời hứa này. Tin rồi thì sẵn sàng chi tiền, tự đặt mình vào vòng nguy hiểm mà không lường trước được biến chứng có thể xảy ra. Đáng lo hơn, khi có sự cố, không ít cơ sở sẵn sàng phủi bỏ trách nhiệm, đổi tên công ty, chuyển địa điểm để tránh bị xử phạt hay truy cứu”, bác sĩ Tú phân tích.
Tiêm filler, botox, phẫu thuật mũi, hút mỡ… đều tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ, hoại tử, nhiễm trùng lan rộng. Các biến chứng này chỉ có thể xử lý an toàn khi cơ sở có ê-kíp gây mê, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật và quy trình hồi sức cấp cứu đầy đủ. “Một phòng khám không chuyên khoa, không thiết bị cấp cứu thì rủi ro rất lớn”, bác sĩ Tú khẳng định.
Nói về mức phạt 84 triệu đồng với Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế Helio, bác sĩ Tú cho rằng, mức phạt này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
“Một ca nâng mũi, cắt mí đã thu hàng chục triệu đồng. Vài khách mỗi tháng là thu về gấp nhiều lần số tiền phạt. Nếu không có biện pháp mạnh hơn, nhiều cơ sở sẵn sàng ‘nộp phạt để tồn tại’ như một chi phí vận hành”, ông nhận định.
Theo bác sĩ Tú, vụ việc sai phạm của Phòng khám Quốc tế Helio phản ánh lỗ hổng trong quản lý dịch vụ y tế thẩm mỹ tuyến cơ sở. Nếu cơ quan chức năng chỉ dừng ở xử phạt hành chính mà không có biện pháp đình chỉ, rút giấy phép hay khởi tố khi tái phạm thì những vi phạm tương tự còn lặp lại.
“Tôi cho rằng cần mạnh tay hơn, rút giấy phép ngay lập tức với cơ sở tái phạm, tăng cường kiểm tra bất ngờ, xử lý hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời phải đẩy mạnh truyền thông để người dân biết cách phân biệt cơ sở uy tín với những ‘bẫy’ trá hình”, bác sĩ Tú đề xuất.
“Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng đừng coi nhẹ rủi ro. Hãy tìm hiểu kỹ về cơ sở, giấy phép hành nghề, bác sĩ thực hiện, quy trình vô trùng, khả năng xử trí tai biến. Một thủ thuật thẩm mỹ không an toàn có thể đánh đổi bằng sức khỏe, nhan sắc, thậm chí tính mạng. Đừng vì vài triệu đồng rẻ hơn mà biến mình thành nạn nhân”, bác sĩ Trần Minh Tú nhắn nhủ.

Nên đình chỉ hoạt động nếu tái phạm
Từ góc độ pháp lý, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Minh Trí, Đoàn luật sư Hà Nội đã có những phân tích cụ thể về bản chất, mức độ nguy hiểm và những lỗ hổng trong cơ chế xử lý hiện hành từ trường hợp sai phạm của Phòng khám Quốc tế Helio.
Theo Quyết định số 238/QĐ-XPHC, một trong những sai phạm đầu tiên và nghiêm trọng của cơ sở này là không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh.
Luật sư Nguyễn Minh Trí phân tích: “Điều 34 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và được tiếp tục quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi 2023 yêu cầu mọi cơ sở y tế phải lập hồ sơ bệnh án cho từng bệnh nhân, ghi chép đầy đủ, trung thực và lưu trữ theo thời hạn nhất định. Đây không chỉ là căn cứ quản lý chuyên môn mà còn là chứng cứ quan trọng nếu xảy ra tranh chấp, tai biến y khoa”.
Theo luật sư Trí, việc không lập sổ khám bệnh, thường bị coi nhẹ, nhưng thực chất là hành vi tiềm ẩn rủi ro rất lớn: “Khi xảy ra biến chứng, tai nạn y khoa, nếu không có hồ sơ bệnh án thì quyền lợi của người bệnh sẽ bị xâm hại nghiêm trọng. Họ không có căn cứ chứng minh được mình đã thực hiện dịch vụ gì, ai là người chịu trách nhiệm, quy trình ra sao”.
Sai phạm tiếp theo của Phòng khám Quốc tế Helio là thực hiện các can thiệp xâm lấn, cụ thể là sử dụng thuốc, thiết bị can thiệp vào cơ thể để làm thay đổi hình dạng, màu sắc da, các bộ phận cơ thể… nhưng không đủ điều kiện pháp lý. Theo Khoản 6 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, chỉ những cơ sở là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ mới được thực hiện các dịch vụ xâm lấn như phẫu thuật, thủ thuật có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, đốt.
“Việc một phòng khám đa khoa hoặc phòng khám không đủ chuyên khoa thẩm mỹ mà vẫn thực hiện thủ thuật xâm lấn là cực kỳ nguy hiểm, vi phạm nguyên tắc phân tuyến chuyên môn, vượt quá giấy phép hoạt động được cấp. Đây chính là lý do đã xảy ra nhiều ca biến chứng, tử vong khi phẫu thuật tại những cơ sở thẩm mỹ trá hình”, luật sư Trí nhấn mạnh.
Một vi phạm khác cũng không kém phần nghiêm trọng là cơ sở này đã quảng cáo dịch vụ đặc biệt nhưng chưa được cơ quan nhà nước xác nhận nội dung trước khi phát hành, vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 và Điều 27 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Luật sư Trí phân tích: “Dịch vụ y tế, thuốc, thực phẩm chức năng đều thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Luật yêu cầu phải được cơ quan chuyên ngành kiểm duyệt nội dung quảng cáo để bảo đảm tính chính xác, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nếu quảng cáo vượt quá phạm vi, phóng đại công dụng, khách hàng sẽ bị đánh lừa và dễ dàng chấp nhận rủi ro”.
Ngoài các sai phạm nêu trên, phòng khám còn hoạt động với biển hiệu không đủ thông tin cơ bản, vi phạm quy định tại Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Biển hiệu phải thể hiện rõ tên cơ sở, phạm vi hoạt động chuyên môn, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật… Việc không niêm yết đầy đủ có thể che giấu những hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép.
Với tổng số tiền phạt 84 triệu đồng, luật sư Trí cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Nếu chỉ phạt hành chính rồi cho tồn tại, không tái kiểm tra thì nhiều cơ sở sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm.
Luật sư Nguyễn Minh Trí kiến nghị cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm tái diễn trong lĩnh vực y tế và thẩm mỹ. Ông cho rằng ngoài việc xử phạt hành chính, cơ quan chức năng nên kiên quyết đình chỉ hoạt động ngay lập tức đối với những cơ sở tái phạm nhiều lần. Đồng thời tiến hành rút giấy phép hành nghề nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu cố tình lách luật.
Bên cạnh đó, theo luật sư Trí, việc công khai tên, địa chỉ và hình thức xử phạt của các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết để người dân biết, chủ động phòng tránh, đồng thời tạo sức ép dư luận buộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ y tế phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, đặt an toàn và quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu.
Theo luật sư Trí, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, người dân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình: “Trước khi sử dụng dịch vụ, cần yêu cầu cơ sở cung cấp giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề của bác sĩ, kiểm tra biển hiệu và thông tin quảng cáo. Nếu phát hiện quảng cáo sai sự thật, có dấu hiệu làm dịch vụ vượt phạm vi chuyên môn, cần kịp thời báo cho Sở Y tế, Thanh tra để xử lý dứt điểm”.
Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế Helio có bốn hành vi sai phạm gồm: Không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Hoạt động có biển hiệu không đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật;
Sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mặt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người); xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ;
Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Với các hành vi vi phạm trên, Công ty TNHH Phòng khám Quốc tế Helio bị xử phạt hành chính số tiền 84 triệu đồng; Buộc tháo gỡ, xoá quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.