Nguy cơ đột quỵ trước tuổi 50 có thể xảy ra nếu thường xuyên xuất hiện dấu hiệu này, phụ nữ càng phải cẩn trọng

Một nghiên cứu mới đây đã khiến giới y khoa không khỏi bất ngờ khi phát hiện mối liên hệ sâu sắc giữa tình trạng đau nửa đầu kèm aura thường gặp và nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi. 

Cảnh báo từ nghiên cứu lớn

Trong khi nhiều người vẫn cho rằng đột quỵ là căn bệnh của tuổi già, thì các dữ liệu mới nhất đang đặt dấu hỏi lớn về mức độ an toàn của người dưới 50 tuổi, đặc biệt là phụ nữ, nếu họ mắc chứng đau nửa đầu. 

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại một bệnh viện lớn ở Phần Lan thực hiện đã phân tích dữ liệu của hàng nghìn bệnh nhân, nhằm xác định các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. 

Ngoài 12 yếu tố truyền thống như: tiểu đường, hút thuốc, béo phì, cao huyết áp,… nhóm nghiên cứu còn đưa vào 10 yếu tố "phi truyền thống" bao gồm: bệnh tự miễn, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh thận mạn tính và đặc biệt là chứng đau nửa đầu có aura.

Kết quả cho thấy, chỉ cần mắc một yếu tố nguy cơ không truyền thống cũng đủ để làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 70%. Trong số đó, đau nửa đầu có aura được đánh giá là yếu tố nghiêm trọng nhất. “Chúng tôi đã biết từ trước về mối liên hệ giữa đau nửa đầu và đột quỵ, nhưng không ngờ nó lại có sức ảnh hưởng lớn đến vậy, nhất là khi so với các yếu tố truyền thống”, Tiến sĩ Jukka Putaala - Trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Chứng đau nửa đầu kèm aura có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. (Ảnh minh hoạ).

Ước tính, có khoảng 39 triệu người Mỹ đang sống chung với chứng đau nửa đầu. Trong đó, khoảng 20% trải qua hiện tượng "aura" – những triệu chứng thần kinh đi kèm như ánh sáng lóe lên, điểm mù trong thị giác, cảm giác tê bì ở tay chân hoặc rối loạn ngôn ngữ. Tức là khoảng 8 triệu người Mỹ đang âm thầm đối mặt với nguy cơ đột quỵ chỉ vì một tình trạng họ tưởng là "vô hại".

Đáng lo hơn, đau nửa đầu lại là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ, với số ca cao gấp ba lần nam giới. Điều này khiến phụ nữ trẻ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản, trở thành nhóm nguy cơ cao mà y tế cộng đồng cần đặc biệt lưu tâm.

“Vì sao đau nửa đầu kèm aura lại liên quan đến nguy cơ đột quỵ vô căn ở người trẻ là câu hỏi phức tạp, nhưng không thể xem nhẹ”, bác sĩ Putaala nói thêm. Ông cũng khuyến nghị, các bác sĩ nên hỏi kỹ bệnh sử đau đầu của bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ trẻ, trong các lần khám sức khỏe định kỳ.

Phụ nữ có nguy cơ đột quỵ do chứng đau nửa đầu kèm aura cao hơn nam giới. (Ảnh minh hoạ).

Điểm đáng chú ý khác trong nghiên cứu là những người mắc dị tật tim bẩm sinh thường gặp lỗ bầu dục (PFO), chiếm khoảng 1 trong 4 người, sẽ có nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi nếu đồng thời có các yếu tố nguy cơ không truyền thống như đau nửa đầu có aura.

Đây là cảnh báo nghiêm túc đối với những người trẻ từng trải qua cảm giác hoa mắt, loá sáng, đường ziczac trong tầm nhìn hay cảm giác tê ở mặt, tay, chân trước khi cơn đau đầu xuất hiện. Những triệu chứng tưởng chừng nhỏ nhặt này có thể là lời cảnh báo sớm về rủi ro đột quỵ trong tương lai.

Phòng ngừa càng sớm càng tốt

Tiến sĩ Putaala nhấn mạnh rằng: “Để phòng ngừa hiệu quả, cần phải đánh giá đầy đủ cả yếu tố truyền thống lẫn không truyền thống ở người trẻ. Đừng chờ đến khi có vấn đề mới hành động”.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những yếu tố đặc thù ở phụ nữ như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật hay biến chứng thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ tới 70%, bất kể yếu tố đó là truyền thống hay không truyền thống. Đây là một cảnh báo lớn với phụ nữ trong và sau thai kỳ.

Không nên chủ quan khi gặp chứng đau nửa đầu kèm aura. (Ảnh minh hoạ).

Dù kết quả nghiên cứu gây lo ngại, nhưng cũng cần lưu ý: đây là một nghiên cứu quan sát, nghĩa là chỉ xác định mối tương quan chứ chưa chứng minh được nguyên nhân - hệ quả. Thêm vào đó, phần lớn dữ liệu trong nghiên cứu được người bệnh tự báo cáo, nên có thể thiếu chính xác, và mẫu nghiên cứu chủ yếu là người da trắng - điều này hạn chế khả năng áp dụng rộng rãi cho các dân tộc khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận thức: đau nửa đầu, đặc biệt kèm aura, không còn là bệnh “vặt” như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp tình trạng này, hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ. Đôi khi, một cuộc khám định kỳ và một vài câu hỏi đúng trọng tâm có thể cứu bạn khỏi nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

Bạn có thể quan tâm