Chuyện của Trinh: Ba năm chiến đấu với ung thư máu, "không có đau đớn nào vượt qua được khát khao sống"

Căn bệnh ung thư từng nhấn chìm chị Trinh trong những tháng ngày đau đớn, kiệt quệ tưởng như không có lối ra, nhưng chưa bao giờ đánh gục được khát khao sống mãnh liệt trong chị. Vượt qua bản án tử, chị Đinh Thị Tuyết Trinh (34 tuổi, Đồng Nai) đã viết lại số phận của chính mình bằng sự kiên cường và niềm tin bền bỉ vào ánh sáng ở cuối con đường.

Ngồi trong căn phòng nhỏ một ngày đầu tháng 7, tay nâng ly trà nhài còn ấm, chị Trinh đưa đôi mắt lặng nhìn mọi vật xung quanh, ngắm con mèo nhỏ đang uể oải vươn vai dưới nắng. Đi qua những ngày nằm điều trị ung thư trong phòng bệnh trắng toát của khoa ghép tế bào gốc - nơi mọi thứ đều vô trùng, đóng kín, lạnh lẽo, chị Trinh học được cách yêu cả những điều bình thường nhất trên đời.

Những ngày không có nắng

Chị Trinh kể, năm 2019, chị thường xuyên thấy chảy máu chân răng. Mỗi lần đánh răng, máu liên tục trào ra mà không thể cầm lại được, khiến chị nghĩ bản thân mắc các bệnh về răng miệng.

Sau khi thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị chỉ mắc bệnh răng miệng thông thường và cho đi cạo vôi. Thế nhưng, vôi răng cạo xong, tình hình không những không thuyên giảm mà toàn bộ hàm trên cũng đột ngột chảy máu dữ dội. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định chị thực hiện các xét nghiệm máu. Kết quả chẩn đoán khiến chị sững sờ.

Năm 28 tuổi, chị Trinh mắc phải căn bệnh ung thư. (Ảnh: NVCC).

Chị còn nhớ như in buổi chiều bác sĩ thông báo kết quả sinh thiết. Cầm tờ giấy xác nhận bản thân mắc bệnh ung thư máu (bạch cầu lympho cấp tính) trên tay, chị chết lặng.

“Mọi thứ đến nhanh đến nỗi tôi không kịp thở. Bác sĩ bảo nếu chậm trễ một tháng thôi, tôi có thể không còn đường sống. Mọi thứ mù mịt như thể có một làn sương dày đặc vừa phủ xuống đời tôi. Cảm giác đầu tiên là sợ. Sợ chết, sợ rời xa chồng, gia đình, bạn bè”, chị Trinh nói.

Không để nỗi sợ gặm nhấm quá lâu, tháng 9 năm đó, chị bắt đầu điều trị. Tuần đầu nhập viện, chị như người bước lạc vào giấc mơ lạ. Mọi thứ xung quanh trắng đến choáng váng: tường trắng, trần trắng, ga giường trắng, ánh đèn cũng trắng lạnh như sương.

Không biết bao lần chị tự thôi miên bản thân rằng: có lẽ sáng mai thức dậy, chị sẽ lại nghe tiếng xe máy lướt qua dưới phố, tiếng rao bánh mì quen quen vọng vào từ đầu hẻm, hay ánh nắng xuyên qua ô cửa sổ nhỏ, đổ vàng lên sàn gạch. 

Nhưng rồi, mỗi sáng mở mắt ra, vẫn chỉ là trần nhà lạnh lẽo, mùi thuốc sát trùng đặc sánh trong không khí, dây truyền dịch níu lấy tay, và cảm giác nặng trĩu tràn từ lồng ngực xuống tận bàn chân. Tất cả lặp đi lặp lại như một bản nhạc buồn không đoạn kết, khiến chị dần hiểu: đây không phải cơn mộng, đây là hiện thực. 

Tám tháng hóa trị sau đó là chuỗi ngày cách ly tuyệt đối trong phòng vô trùng của khoa ghép tế bào gốc. Căn phòng kín như hộp thủy tinh, còn chị như sống giữa khoảng lặng không màu. Có vài lần hiếm hoi được về nhà vài ngày, chị cũng chỉ được ở trong phòng kín, tránh tiếp xúc người lạ, mọi sinh hoạt đều gói gọn trong căn phòng nhỏ như một thế giới riêng. 

Kim tiêm, thuốc truyền chưa bao giờ đánh gục khát khao sống của chị Trinh. (Ảnh: NVCC).

Thân xác liên tục bị vắt kiệt sau những lần hoá trị, cơ thể gầy đi nhanh chóng, tay chân chằng chịt vết kim tiêm, tóc rụng từng mảng một, rụng đầy gối, đầy sàn. Cuối cùng, chị quyết định cạo đầu. Không phải để chứng minh bản thân mạnh mẽ hơn ai, mà là vì chị không muốn phải chứng kiến từng sợi tóc lìa khỏi da đầu mỗi ngày như thể nhìn thấy sự sống của mình đang mỏng dần đi. Cũng là cách để chị gói ghém lại những tổn thương, lo lắng, sợ hãi nhường chỗ cho sự can đảm, sự chấp nhận và lòng kiên cường. 

“Khi cạo đầu xong, tôi nhìn vào gương, thấy đầu trọc lóc, mắt trũng sâu, da vàng tái nhưng tôi không khóc. Vì tôi hiểu, nếu tôi còn được nhìn thấy mình trong gương, nghĩa là tôi vẫn còn sống. Đó là lý do tôi không buồn, không oán, không sợ nữa. Tôi chấp nhận bệnh, chấp nhận cả những thay đổi mà nó mang lại. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ: còn thở là còn hy vọng, không đau đớn nào có thể vượt qua được khát khao khỏi bệnh và sống tiếp”, chị Trinh nói.

Ngày ra khỏi phòng vô trùng, tủy xương đã bắt đầu phục hồi, các chỉ số máu cho thấy cơ thể đã bước qua giai đoạn nguy hiểm nhất, chị Trinh bước vào khoảng thời gian xạ trị, cuối cùng là 2 năm điều trị duy trì bằng hóa chất khô để giữ bệnh không tái phát.

Những ngày rực rỡ sau giông bão

Trải qua 3 năm điều trị, chị Trinh không nhớ rõ hết những lần phải truyền thuốc, thay thuốc, tiêm thuốc hay bao nhiêu lần cơ thể đau đến mức tưởng chừng không chịu nổi nữa. Chị chỉ nhớ, bản thân từng bị sốc phản vệ ở cấp độ nặng nhất, huyết áp tụt xuống mức nguy hiểm. Có lần, khi đang trong giai đoạn điều trị duy trì tại nhà, chị bị băng huyết giữa đêm. Máu chảy không ngừng, quần áo thấm đỏ, phải gọi người thân đưa đi cấp cứu ngay trong tình trạng hoảng loạn.

Có những đêm, cơn đau dữ dội đến mức bác sĩ phải tiêm liền ba mũi morphine để cắt cơn đau và giữ chị tỉnh táo. Mỗi lần như vậy, chị có cảm giác sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở, mong manh, chênh vênh như một sợi chỉ bị kéo căng. Mọi thứ xung quanh như mờ đi, chỉ còn lại tiếng tim đập và tiếng máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn nhấp nháy không ngừng.

Trải qua những ngày bệnh tật giày vò, chị Trinh quý trọng sức khoẻ hơn. (Ảnh NVCC).

Dẫu có lúc yếu lòng, có lúc bật khóc, nhưng chưa một lần chị cho mình quyền buông xuôi. Chính khát khao được sống, được trở về, được làm vợ, làm con, làm người bình thường như bao người khác đã giữ chị lại, vực chị dậy sau từng đợt hóa trị tưởng chừng muốn gục ngã.

Chị Trinh tâm sự: "Phía sau tôi là gia đình, là chồng tiếp sức mỗi ngày. Chiếc điện thoại lúc nào cũng có tin nhắn hỏi han. Tin nhắn tôi vừa gửi, chưa kịp đặt máy xuống đã có người trả lời. Tình yêu thương giúp tôi tin vào những ngày tốt lành đang tới. Tôi chọn sống tích cực hơn, nhẹ nhàng hơn, tận hưởng những gì mình đang có. Cũng không còn nhìn bệnh tật như bản án, mà như một chặng đường cần vượt qua".

Và rồi, chị đã vượt qua thật! Cuối năm 2022, bác sĩ thông báo tình trạng bệnh của chị đã ổn định. Các chỉ số máu trở về ngưỡng an toàn, tế bào ác tính không còn. Trở về với cuộc sống thường ngày, chị bắt đầu hành trình làm quen lại với chính mình. Không còn là người bệnh, chị tập làm người khỏe mạnh: tập ăn uống điều độ, ngủ đúng giờ, dành thời gian thiền, tắm nắng và luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để hồi phục thể trạng. Những việc tưởng chừng bình thường, trước đây là xa xỉ, giờ đây trở thành nền tảng để chị lắng nghe cơ thể nhiều hơn và trân trọng từng khoảnh khắc bình yên.

“Sức khỏe với tôi bây giờ là tất cả. Ngày trước, tôi hay lo nghĩ đủ chuyện, hay ép bản thân chạy theo những thứ không cần thiết. Bây giờ, tôi chọn sống chậm lại, giữ cho cơ thể nhẹ nhàng, đầu óc thư thả. Vì chỉ khi khỏe mạnh, tôi mới có thể làm tròn vai một người vợ, người con, người mẹ; một người bình thường mà trước đây bản thân từng ao ước”, chị Trinh bày tỏ.

Với chị Trinh, những điều bình thường là những điều hạnh phúc nhất. (Ảnh NVCC).

Ba năm sau ngày rời xa bệnh viện, chị cũng rời Sài Gòn, trở về với khoảng trời bình yên nơi quê nhà. Ở đó, chị có một người chồng vẫn nắm tay chị như ngày đầu và một em bé kháu khỉnh, là món quà dịu dàng mà cuộc đời gửi tặng sau những tháng ngày thử thách tưởng chừng không có lối ra.

Trang cá nhân từng là nơi chị livestream để bố mẹ yên tâm giữa những lần truyền hóa chất nay trở thành không gian nhỏ để chị lan toả năng lượng tích cực tới cộng đồng bệnh nhân ung thư. Những câu chuyện không kịch bản, những nụ cười không gắng gượng, nhưng đủ khiến ai đó đang mỏi mệt giữa hành trình chữa bệnh cảm thấy mình không đơn độc.

Sau tất cả, chị Trinh cho rằng, những điều bình thường là những điều hạnh phúc nhất. Sáng mở mắt nghe tiếng con khóc, chiều tắm nắng bên hiên nhà, tối pha một ấm trà, đọc vài trang sách rồi ngủ thật sâu. Không cần chạy theo những điều lớn lao nữa, vì chị biết, chỉ cần còn được sống, còn được yêu thì mỗi ngày đã là phép màu.

Bệnh ung thư máu bạch cầu lympho cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukemia - ALL) là một dạng ung thư máu và tủy xương, đặc trưng bởi sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào bạch cầu lympho chưa trưởng thành (nguyên bào lympho). Khi các tế bào này tích tụ trong tủy xương, chúng sẽ lấn át sự sản xuất các tế bào máu bình thường khác (hồng cầu, bạch cầu khỏe mạnh, tiểu cầu), gây ra các triệu chứng như thiếu máu, nhiễm trùng và chảy máu.

Bản chất của "biến đổi gen" trong ALL:

Bản chất của ung thư nói chung, và ALL nói riêng, là sự thay đổi (đột biến) trong cấu trúc di truyền (gen) của tế bào. Các gen đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phát triển, phân chia và chết của tế bào. Khi các gen này bị đột biến, chúng có thể trở thành gen sinh ung (oncogene, thúc đẩy tế bào phát triển không kiểm soát) hoặc mất chức năng gen ức chế khối u (tumor suppressor gene, không còn khả năng kiểm soát sự phát triển tế bào).

Trong bệnh ALL, các biến đổi gen thường xảy ra trong các tế bào tiền thân lympho (lymphoid progenitor cells) ở tủy xương. Những biến đổi này tích lũy qua nhiều bước, dẫn đến sự tăng sinh ác tính của các tế bào bạch cầu lympho chưa trưởng thành.

Bạn có thể quan tâm