Thời gian trôi nhanh như một cái chớp mắt, nhớ ngày nào cậu bé nhỏ nhắn của gia đình tôi chỉ vừa bập bẹ “ơ”, “a” mà nay đã lớn khôn, bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia - kỳ thi quan trọng nhất đánh giá cả quá trình học tập và quyết định trực tiếp đến tương lai sau này.
Trên con đường học vấn, con trai tôi cũng trải qua nhiều thăng trầm. Là năm đầu tiên thi theo chương trình mới, vào đầu năm học THPT thì chủ yếu phải học trên nền tảng trực tuyến. Do đó, quá trình ôn luyện của con, miệt mài sách vở của con cũng cố gắng hơn rất nhiều để vừa không thua thiệt bạn bè mà còn thể hiện sự nghiêm túc, nỗ lực của bản thân mình trong mắt bố mẹ.
Ngày con đi thi, trong lòng tôi rối như mớ bòng bong. Cũng bao nhiêu người mẹ khác, tôi đứng bên ngoài điểm thi để chờ con. Dù chẳng phải người trực tiếp cầm bút làm bài, nhưng trái tim tôi như lửa đốt và mình đang trải qua chính kỳ thi ấy.
Bữa cơm tối sau ngày kết thúc kỳ thi, con trai tôi có nhiều biểu hiện lạ thường. Con ít nói chuyện hơn, đặc biệt là những lần tránh ánh mắt trực diện của mẹ. Lúc đó, tôi vô tình hỏi về kỳ thi: "Khi nào mới biết kết quả thi vậy con? Mẹ hồi hộp quá...". Tôi thấy cậu bé sững người, cố tình đánh lái sang chuyện khác.
Với tâm lý của một người mẹ, và một sợi dây liên kết vô hình nào đó về mặt tình cảm, trong lòng tôi cứ bất an, lo lắng. Đêm hôm đó, tôi trằn trọc mãi mới vào giấc ngủ.
Tối hôm sau, khi đang dọn dẹp phòng khách - nơi con thường xuyên ôn bài đến tối muộn, một tiếng “ting” vang lên trên điện thoại. Là tin nhắn từ con, chỉ một dòng ngắn ngủi: "Con xin lỗi mẹ rất nhiều vì bài thi của con hoàn toàn không được như kỳ vọng, con nghĩ mình đã rớt nguyện vọng 1…”.

Tôi bỗng thấy nghẹn ở cổ họng không phải vì tức giận, mà vì xót cho công sức của con. "Hai môn con kỳ vọng nhất là Toán và Tiếng Anh, con làm không tốt… Con học nhiều, giải đề nhiều, theo thầy cô, tự tìm tài liệu… nhưng vô phòng thi vẫn thấy lạc lõng như chưa từng chuẩn bị gì” - hỏi mãi con mới chịu nói trong giọng điệu nghẹn ngào.
Con vừa dứt lời, tôi ôm con vào lòng. Trong khoảnh khắc ấy, mọi kỳ vọng, mọi so sánh, mọi mộng tưởng về một ngôi trường danh tiếng trong tôi bỗng chùng lại. Chỉ còn một nỗi đau rất thật - nỗi đau của một đứa trẻ mới chỉ 17, 18 tuổi, lần đầu tiên trong đời vấp phải thất bại mà chính con cũng không thể hiểu vì sao lại xảy ra.
Tôi cố trấn an con nhưng trong lòng vẫn ngổn ngang cảm xúc. Ở cương vị là một người mẹ, ai mà chẳng muốn con mình giỏi giang, được bước vào cánh cổng đại học bằng những nấc thang danh giá hay số điểm đủ để khiến phụ huynh “nở mặt, nở mày”.
Tôi ngồi lướt báo đài, mạng xã hội để đọc từng dòng chia sẻ, từng bản tin phân tích đề thi, để hiểu hơn chuyện gì đã thực sự diễn ra. Một số gia đình cũng gặp trường hợp tương tự dù đã cố gắng nỗ lực hết mình nhưng phần làm bài thi không được như kỳ vọng. Lúc đó, tôi nhận ra thì ra chẳng phải riêng con mình “vấp ngã”, mà nhiều gia đình khác cũng đang trăn trở về kết quả kỳ thi.

Hóa ra, đề Toán năm nay có mức phân hóa thí sinh cao, một số câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh không chỉ học chắc mà còn phải biết xoay chuyển linh hoạt kiến thức. Còn đề thi Tiếng Anh lại chứa nhiều từ vựng khó, yêu cầu tốc độ xử lý nhanh. Nhiều thầy cô còn phải thừa nhận: đề năm nay không dễ để có điểm cao, ngay cả với học sinh khá giỏi.
Tối hôm qua (6/7), sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố đáp án của các môn thi, tôi đã cùng con trai dò đáp án ghi vội trong tờ giấy nháp của ngày thi hôm ấy. Quả thật, số điểm ấy không cao như kỳ vọng, khó để đậu vào trường danh giá như con và kể cả tôi mong muốn.
Lúc đó, con khóc nức nở vì thất vọng, con liên tục nói: "Con xin lỗi mẹ nhiều"; "Con đã cố lắm rồi...". Thế nhưng, điều khiến tôi đau lòng nhất có lẽ không phải là điểm số, mà là câu xin lỗi từ con - như thể con thấy mình có lỗi khi không đạt được điều mẹ mong.
Trước đây, tôi từng nghĩ điểm số là một thước đo toàn diện nhất về quá trình học tập của con. Vậy mà, trong một lần tham dự cuộc họp phụ huynh vào cuối năm, tôi đã có góc nhìn khác.
Một chị ngồi cạnh tôi lúc ấy - mẹ của một cậu bé có học lực chỉ ở mức trung bình khá, nói với tôi: "Đôi khi con của mình cũng chỉ có giới hạn nhất định. Giống như con trai nhà tôi, cũng học rất nhiều, ngoài giờ còn học hỏi thêm những tài liệu trên mạng xã hội. Ấy vậy khi làm bài kiểm tra cũng chỉ ở mức 6-8 điểm.
Tôi nghĩ thay vì ép con vào những khuôn khổ chỉ để đạt điểm cao, tôi học cách quan sát và lắng nghe: con thích gì, con giỏi gì? Có thể con không phải là học sinh giỏi toán hay văn, nhưng con có thể sáng tạo, tháo vát, hay có năng khiếu ở một lĩnh vực ít ai ngờ tới. Điều quan trọng không phải là ép con trở thành bản sao của ai đó, mà là giúp con phát huy hết tiềm năng của mình.
Cánh cổng đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường. Nó có thể là lựa chọn an toàn, nhưng không phải lựa chọn duy nhất. Với tôi, điều đáng quý nhất ở con không nằm ở thành tích học tập, mà là ý chí theo đuổi một mục tiêu riêng".
Tôi từng bất giác bật cười lúc ấy nhưng giờ tôi đã hiểu, không phải ai cũng chọn con đường đại học để thành công là không phải điểm cao mới là “giỏi”...

Song, một bình luận khiến tôi phải dừng lại để ngẫm và cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong suy nghĩ: “Phổ điểm các môn thấp, thì điểm chuẩn của các trường cũng sẽ có sự thay đổi và sẽ có những phương thức, chính sách tuyển sinh phù hợp nên các bố mẹ hãy xem xét năng lực của con và đặt nguyện vọng tương xứng với sở thích ngành, nghề của con…”.
Gần như các môn trắc nghiệm con đều có thể biết điểm khi dò với đáp án vừa được công bố. Con chỉ chờ đợi môn Ngữ Văn và điểm số tổng ở các tổ môn theo tổ hợp xét tuyển. Khi ấy, có thể con sẽ khóc và gặp một cú sốc về tâm lý. Thế nhưng, ở cương vị của người mẹ, tôi nghĩ điểm số không còn quan trọng bằng sức khỏe tinh thần của con và kết quả cuối cùng trong kỳ thi này, dù cao hay thấp cũng không thể đánh giá được quá trình nỗ lực và tài năng của con. Một bài kiểm tra, một bài thi, một bài đánh giá năng lực… đều chỉ là những điểm dừng nhỏ trong một hành trình dài mà con sẽ phải bước tiếp suốt cả cuộc đời.
Việc chọn trường, chọn ngành... ai cũng nói đó là quyết định quan trọng. Nhưng với tôi lúc này, điều quan trọng hơn là tâm thế của con khi bước vào tương lai: “Liệu con có còn dũng cảm, có còn tin vào bản thân, có còn muốn tiếp tục học hỏi, trưởng thành, và sống một cuộc đời trọn vẹn với sở thích của chính mình?”.
Tôi từng nghĩ làm mẹ, phải là người soi đèn cho con đi một cách cẩn thận, chỉ đường từng bước để con không vấp ngã. Nhưng bây giờ tôi hiểu, có những đoạn đường con phải tự bước trong bóng tối và đôi khi chỉ có sự thất bại mới giúp con có kinh nghiệm, trải nghiệm và rút ra nhiều bài học quý giá.
Không ai chọn nơi mình sinh ra, nhưng ai cũng xứng đáng có một nơi để trở về. Nơi cho ta được khóc, được thất bại và được yêu thương mà không cần thành tích. Khi con vấp ngã, không phải là ánh mắt trách móc hay lời so sánh, thứ con thật sự cần là một vòng tay rộng mở và sự dịu dàng trong từng lời động viên, từng cái ôm tình cảm...

“Hãy cho con trải nghiệm nỗi đau, rút kinh nghiệm từ thất bại”
Chia sẻ về cách bố mẹ đồng hành cùng với con khi sắp tới đây, điểm thi THPT Quốc gia được công bố, Thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân cho biết: “Ở bên cạnh con, lắng nghe hơn là nói, trấn an con là những điều tốt nhất mà các bậc phụ huynh nên thực hiện. Có thể là những lời động viên ngọt ngào: “Không sao cả! Con đã cố gắng nhiều rồi!”; “Con đừng buồn, con đã làm tốt lắm, có thể mình thiếu một chút may mắn thôi…”.

Ngoài ra, bố mẹ hãy cho phép con được “trải nghiệm” cảm xúc của mình dẫu buồn đau, thất vọng và không phải bắt con kìm nén cảm xúc khó chịu. Bởi lẽ, từ cảm xúc ấy, con sẽ học được nhiều bài học khác nhau. Ngoài ra, không được chồng chất thêm tiêu cực bằng những trách móc, la rầy từ người lớn.
Và phụ huynh hãy cho con biết rằng, dù kết quả thế nào con vẫn luôn là con trai/con gái ngoan của cha mẹ. Nếu vấp ngã, thì phải đứng dậy, đừng kể cảm xúc tiêu cực nhấn chìm ý chí, nghị lực của chúng… Trong cuộc sống, luôn có nhiều cách để đến thành công, và sẽ có cơ hội để làm lại, chỉ cần con có đủ sức khỏe, còn ý chí và nghị lực tiến về phía trước”.
Đồng thời, Thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân còn cho biết nếu kết quả thi không được như kỳ vọng, mục tiêu ban đầu, các con sẽ có tâm lý: “Mình thật thất bại!”; “Mình tệ quá!”; “Chắc cha mẹ sẽ thất vọng về mình lắm!”... Bên cạnh những bạn mô tả được tâm trạng của mình, có bạn chọn đối diện với gia đình bằng trạng thái u uất, lo lắng, bất cần hoặc thả trôi cảm xúc dù phụ huynh có cảm thông hay không một câu trách mắng nào, nội tâm của các em cũng “tự thân giằng xé” như thể “chưa bao giờ buồn như bây giờ”.
Do đó, bố mẹ phải thật sự quan tâm, thấu hiểu và thông cảm cho cảm xúc của con. Và chỉ nên động viên, lắng nghe và không nên đặt con lên bàn cân so sánh với một tiêu chuẩn hay bất kỳ người nào khác. Ngoài ra, hãy cùng ngồi xuống thảo luận và tư vấn để con chọn môi trường học tập, định hướng ngành nghề phù hợp. Nếu vẫn còn lăn tăn, mông lung về suy nghĩ chọn ngành, chọn nghề, phụ huynh có thể “gõ cửa” hỏi thêm ý kiến từ chuyên gia hoặc các trường để nhận được sự tư vấn.