Ngành học dẫn đầu xu hướng trong thời đại 4.0, luôn "hot" trong các mùa tuyển sinh
Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, Khoa học máy tính nổi lên như một trong những ngành học mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên các sản phẩm công nghệ hiện đại. Đây là ngành học chuyên nghiên cứu về cơ sở lý thuyết của thông tin, tính toán và các ứng dụng trong hệ thống máy tính. Thông qua việc xây dựng và vận dụng các thuật toán, sinh viên ngành Khoa học máy tính được đào tạo để giải quyết những bài toán thực tế, sáng tạo các phương thức truyền đạt và điều hành thông tin một cách hiệu quả và tối ưu.

Khoa học máy tính không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất và tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần thay đổi cách con người giao tiếp, học tập và làm việc. Những hệ thống phần mềm, ứng dụng thông minh hay nền tảng trực tuyến mà chúng ta sử dụng hàng ngày đều là thành quả từ lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngành còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh thông tin, những yếu tố sống còn trong kỷ nguyên số.
Đối với một quốc gia, sự phát triển của ngành Khoa học máy tính chính là chỉ dấu cho năng lực công nghệ và sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực cho ngành học này là chiến lược cần thiết để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế tri thức và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, trên thế giới, các quốc gia lớn cũng đặc biệt tập trung đầu tư hệ thống giáo dục đa dạng và phong phú cho ngành nghề này. Trong đó, Phần Lan, Anh, Mỹ và Úc là những quốc gia phát triển mạnh về ngành Khoa học máy tính. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, nhu cầu nhân lực về Khoa học máy tính, công nghệ thông tin tăng gấp 4 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mức lương cao chót vót, ra trường được nhiều doanh nghiệp “trải thảm đỏ”
Khi theo học ngành Khoa học máy tính, sinh viên sẽ được trang bị một nền tảng kiến thức vững chắc về cả lý thuyết lẫn thực hành liên quan đến máy tính, dữ liệu và các hệ thống tính toán. Đây là ngành học đào sâu vào bản chất của việc xử lý thông tin, từ cách xây dựng phần mềm cho đến phát triển các thuật toán giải quyết vấn đề thực tế.

Cụ thể, sinh viên ngành này sẽ học các môn cơ sở như: Toán rời rạc, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Kiến trúc máy tính, Hệ điều hành, Ngôn ngữ lập trình, Lập trình hướng đối tượng, Cơ sở dữ liệu, Mạng máy tính, An toàn thông tin,… Đồng thời, các môn chuyên sâu như Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning), Khoa học dữ liệu (Data Science), Thị giác máy tính, Blockchain, Lập trình Web và di động, Điện toán đám mây (Cloud Computing) cũng được đưa vào chương trình để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo, những yếu tố cốt lõi để có thể phát triển trong môi trường công nghệ cao luôn biến động. Nhiều trường đại học còn tích hợp thực tập doanh nghiệp, dự án phần mềm thực tế, các cuộc thi lập trình,… giúp sinh viên cọ xát sớm với công việc thực tế.
Kỹ sư Khoa học máy tính sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau như: kỹ thuật viên, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; lập trình viên, kiểm thử sản phẩm phần mềm, quản lý quy trình phát triển phần mềm; chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng; thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và bảo trì mạng máy tính nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học; quản trị dự án hệ thống mạng thông tin, và nhiều vị trí khác.
98% kỹ sư khoa học máy tính có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp với mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu/tháng. Những chuyên gia giàu kinh nghiệm có thể nhận mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13.500 USD (khoảng 312 triệu đồng) mỗi tháng.

Ngành Khoa học máy tính liên tục giữ vị trí top đầu về điểm chuẩn tại nhiều trường đại học trong những năm gần đây.
Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất cho ngành này: 83,82 điểm (TSA) và 28,53 điểm (THPT). Năm 2023, điểm chuẩn lên tới 29,42, khiến hai thủ khoa khối A toàn quốc trượt nguyện vọng 1.
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn năm 2024 là 35,55 điểm (Toán nhân hệ số 2), nhỉnh hơn mức 35,35 điểm của năm 2023.
Một số trường đại học lớn khác:
Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: 27,3 điểm (2024), 26,9 điểm (2023)
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 26,31 điểm (2024), 26,55 điểm (2023)
Trường Đại học Giao thông Vận tải: 25,41 điểm (2024), đánh giá tư duy: 58,34 điểm
Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội): 27,58 điểm (2024), 27,25 điểm (2023)
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: 25,32 điểm (2024), 25,05 điểm (2023)
Những con số này cho thấy sức hút mạnh mẽ và mức độ cạnh tranh rất cao của ngành Khoa học máy tính hiện nay.