Ngày 28/7, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, các bác sĩ bệnh viện đã kịp thời can thiệp, thực hiện kỹ thuật nút mạch cầm máu cứu sống nam bệnh nhân có bệnh lý nền u gan, viêm gan B trong tình trạng sốc mất máu nguy kịch do vỡ u gan. Đây một biến chứng có tỷ lệ tử vong rất cao.
U gan vỡ xuất huyết nặng, máu tràn ổ bụng
Bệnh nhân B.HQ (56 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, chóng mặt, da xanh, mạch nhanh, huyết áp tụt 70/40mmHg.
Kết quả siêu âm tại giường và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng phát hiện hình ảnh u gan trái kích thước 44x43mm tại phân thùy IV đã vỡ gây xuất huyết nặng, nhiều dịch máu trong ổ bụng, u gan trái và phải nghi ngờ ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ đã khẩn trương phối hợp hội chẩn đa chuyên khoa gồm cấp cứu – tim mạch – hồi sức tích cực – truyền máu – chẩn đoán hình và điện quang can thiệp chẩn đoán tình trạng sốc mất máu do u gan vỡ trên nền bệnh nhân u gan, viêm gan B.
Bệnh nhân được xử trí cấp cứu, hồi sức tích cực với truyền máu, sử dụng thuốc vận mạch , ổn định huyết động và chuyển ngay xuống phòng can thiệp để nhanh chóng tiến hành nút mạch cầm máu.

Ê - kíp can thiệp của BSCKI Lê Tiến Hưng, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp đã tiến hành chụp mạch bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA để xác định chính xác vị trí động mạch gan bị tổn thương gây chảy máu và bơm chất tắc mạch để cầm máu.
Kết quả kiểm tra ngay sau nút mạch đã không còn tình trạng chảy máu vùng gan tổn thương. Sau can thiệp 24h, người bệnh thoát nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, được điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt.

Vỡ u gan nặng tỷ lệ tử vong 70 – 80%
BSCKI Lê Tiến Hưng, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp cho biết: “Quá trình thực hiện can thiệp chụp mạch thăm dò vị trí tổn thương chúng tôi phát hiện toàn bộ mạch máu của gan co thắt nghiêm trọng – một phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi mất máu nhiều khiến việc tiếp cận nhánh mạch gan bị tổn thương gặp nhiều khó khăn.
Chúng tôi đã phải sử dụng nhiều dụng cụ chuyên biệt mới có thể tiếp cận, xác định chính xác mạch máu bị tổn thương để nút mạch, đảm bảo cầm máu tức thì và bảo tồn các nhánh mạch lành khác.
Trước đây, phương pháp điều trị truyền thống đối với các trường hợp vỡ u gan gây xuất huyết là phẫu thuật mở ổ bụng cầm máu, bệnh nhân phải trải qua đại phẫu nặng nề, mất máu, vết mổ hở gây đau đớn, thời gian hồi phục và nằm viện kéo dài. Tỷ lệ tử vong sau mổ cấp cứu trong các trường hợp vỡ u gan nặng có thể lên đến 70-80%.
Đặc biệt, bệnh nhân sốc mất máu do vỡ u gan trên nền u gan đa ổ, viêm gan B như trường hợp của bệnh nhân trên thì nguy cơ đe dọa tính mạng trong và sau mổ rất lớn.
Do đó, nút mạch cầm máu trong điều trị u gan vỡ là giải pháp tối ưu cứu sống người bệnh bởi ưu điểm ít xâm lấn, bảo tồn gan, phù hợp với bệnh nhân có bệnh lý nền nặng kèm theo, cầm máu nhanh, thời gian thực hiện ngắn, ít biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong trong cấp cứu xuất huyết do vỡ u gan”.
“Người có tiền sử viêm gan B, xơ gan, uống rượu nhiều năm cần được thăm khám và tầm soát định kỳ tại cơ sở y tế uy tín, trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.
Việc phát hiện sớm u gan có thể giúp điều trị hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm”, các bác sĩ khuyến cáo.