Đặc trưng của bệnh đau nửa đầu Migraine
Các bác sĩ khoa thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, đau nửa đầu Migraine với những cơn đau kéo dài, thường xuyên tái phát có thể khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Đặc trưng của bệnh đau nửa đầu Migraine (gọi tắt là đau nửa đầu) là cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên đầu. Cơn đau có tần suất và mức độ khác nhau tùy từng lần tái phát, diễn tiến có thể từ đau vừa chuyển sang đau nhói, đau nặng nề một bên đầu.
Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt. Khi cơn đau tái phát, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng như buồn nôn, nhạy cảm với tiếng ồn, rối loạn thị giác,…

Hiện nay, y học chia bệnh đau nửa đầu Migraine thành 2 loại phổ biến:
Đau nửa đầu có dấu báo thoáng qua: Trước khi cơn đau đầu xảy ra, người bệnh sẽ gặp một vài dấu hiệu cảnh bảo như nhìn thấy tia sáng lóe ra, hoa mắt, chóng mặt, giảm thị lực, ù tai, nói khó…
Đau nửa đầu không có dấu báo thoáng qua: Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột không có dấu hiệu cảnh báo. Đây là loại đau nửa đầu rất hay gặp. Cơn đau thường có xu hướng nặng lên khi chúng ta di chuyển, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi…
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự gây bệnh đau nửa đầu Migraine. Một số yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, lối sống góp phần gây ra căn bệnh này.
Nhận biết sớm để tránh biến chứng
Bốn giai đoạn tiến triển triệu chứng của chứng đau nửa đầu migraine bao gồm: Giai đoạn tiền triệu, giai đoạn Aura, giai đoạn tấn công và giai đoạn sau cơn đau nửa đầu.
Giai đoạn tiền triệu chứng Prodrome: thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày trong khoảng thời gian từ 24-48 giờ trước khi cơn đau xuất hiện. 77% bệnh nhân trải qua giai đoạn này có các triệu chứng của thần kinh thực vật như: Khát dữ dội, thèm ăn một số nhất định hoặc chán ăn; Thay đổi tâm trạng, dễ nổi nóng và cáu kỉnh; Mệt mỏi và ngáp nhiều hơn. Cảm thấy cứng cơ, đặc biệt là cơ ở vùng cổ; Bị táo bón hoặc tiêu chảy, cần đi tiểu thường xuyên hơn; Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi.
Giai đoạn Aura: Ở giai đoạn Aura, các triệu chứng Aura thường kéo dài từ 5 phút đến 60 phút và được đặc trưng bởi các triệu chứng thần kinh khu trú. Chỉ có từ 10-25% bệnh nhân mắc hội chứng đau nửa đầu migraine trải qua giai đoạn Aura này.
Ba loại triệu chứng của giai đoạn Aura bao gồm: Triệu chứng Aura thị giác (xuất hiện điểm mù; Mất thị lực tạm thời ở một hoặc cả hai mắt; Nhìn thấy những đốm sáng màu giống đèn nhấp nháy); Aura giác quan-vận động (Ảo giác: Nhìn, nghe hoặc ngửi những thứ không thực sự có; Dị cảm; Rối loạn tiêu hóa...); Ngôn ngữ (các rối loạn về ngôn ngữ như nói lầm bầm, nói lắp, khó tìm từ để nói)
Giai đoạn tấn công (Attack): Kéo dài từ 4 đến 72 giờ với các triệu chứng điển hình: Tình trạng đau nhói chỉ xảy ra ở một nửa đầu và trở nên trầm trọng hơn khi di chuyển; Nhạy cảm với ánh sáng, mùi, âm thanh, chuyển động và xúc giác; Thị lực sa sút, xuất hiện ảo giác, hoa mắt, chóng mặt; Đau bụng và nôn nao; Căng cứng ở vai và cổ của bạn; Hay ngáp, dễ cáu kỉnh;
Giai đoạn sau cơn đau nửa đầu (postdrome): Có thể kéo dài trong 24–48 giờ sau khi cơn đau nửa đầu chấm dứt: Cơ thể đau nhức, cảm thấy kiệt sức, yếu đuối; Gây hoang mang, khó tập trung; Chóng mặt, trầm cảm. Một số người nhận thấy rằng cử động đầu đột ngột hoặc di chuyển nhanh có thể khiến cơn đau nửa đầu quay trở lại, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.

Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
Bệnh đau đầu migraine tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể đem lại các biến chứng nghiêm trọng khiến bạn cần được cấp cứu ngay lập tức, chẳng hạn như:
Động kinh: Là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp khiến một phần cơ thể bị co giật, mất kiểm soát. Cơn co giật thường đến trong hoặc ngay sau một cơn đau đầu migraine tiền triệu.
Đột quỵ do nhồi máu tĩnh mạch: Đây là một biến chứng hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, khi các mạch máu não bị thu hẹp khiến não thiếu oxy. Trước khi cơn đột quỵ ập đến, có thể thấy chớp sáng, điểm mù và cảm giác ngứa ran ở tay hoặc mặt.
Đau đầu migraine trạng thái: Chiếm 3% với cơn đau và cơn buồn nôn có thể dữ dội đến mức n cần được cấp cứu ngay lập tức để bù nước.
Hội chứng Serotonin: Khi điều trị thuốc giảm đau Triptan có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm, làm tăng mức serotonin và gây ra các biến chứng như kích động, lú lẫn, tiêu chảy, cơ co giật và tim đập nhanh.
Đau dạ dày: Các loại thuốc giảm đau đầu migraine như aspirin, ibuprofen và các loại thuốc chống viêm không steroid khác có thể gây loét, xuất huyết và đau dạ dày nếu bạn dùng quá nhiều hoặc dùng trong thời gian dài.
Đau nửa đầu Migraine hoàn toàn có thể điều trị. Mỗi người sẽ có phác đồ điều trị riêng tùy thuộc cường độ, tần suất đau mà bệnh nhân gặp phải. Vì vậy, việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định chuyên môn từ bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc khi có những cơn đau nửa đầu xuất hiện.
Cách chủ động phòng tránh bệnh
Việc thay đổi lối sống có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng tránh mắc bệnh đau nửa đầu Migraine.
Ngủ đúng giờ, đủ giấc, ít nhất 7-8 tiếng/ngày để não bộ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
Làm việc khoa học, hợp lý, tránh mệt mỏi, stress do công việc kéo dài gây bệnh phức tạp về thần kinh.
Thường xuyên vận động, ra ngoài hít thở không khí để khí huyết lưu thông.
Duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn các loại thực phẩm tốt cho thần kinh và não bộ.
Nên uống trà thảo dược dễ ngủ, chống oxy hóa như trà atiso, trà sen, trà nhài, trà gừng, trà hoa cúc…
Hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá, nên ăn ít đồ ngọt, phô mai, socola, thực phẩm chế biến sẵn.
Hạn chế nơi ở ồn ào, nhiều ánh sáng chói, nhiều gió, khí lạnh.
Nếu bị đau đầu, nên sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Như vậy bệnh đau nửa đầu Migraine có thể sẽ dẫn đến biến chứng khôn lường cho sức khỏe nếu chúng ta chủ quan, coi thường bệnh.