"Lộc trời" mỗi năm chỉ có một lần, xưa không ai ngó ngàng nay thành đặc sản có hương vị đặc biệt được ưa chuộng, 100.000 đồng/kg

Thứ cây dại này mọc bên cồn cát, xưa người dân nhổ bỏ đi nhưng mấy năm gần đây đã trở thành đặc sản trong nhà hàng, quán ăn, được người thành phố tìm kiếm để thưởng thức mỗi khi đến mùa.

Dọc theo những vùng ven biển của miền Trung và miền Tây Nam Bộ có một loại rau mọc hoang dại trên những bãi cát nóng bỏng, từng bị người dân xem như cỏ dại, ít ai để ý. Thế nhưng trong vài năm gần đây, thứ rau ấy lại trở thành món hàng đắt giá được người thành thị săn lùng vì hương vị lạ, sạch tự nhiên và đặc biệt tốt cho sức khỏe. Đó chính là rau sâm biển, hay còn được nhiều người gọi là xà lách biển, diếp biển, sa sâm nam, nam sa sâm, hải cúc trườn…

Rau sâm biển có tên khoa học là Launaea sarmentosa (Willd.) Alston, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Đây là loài cây thảo sống dai, thường bò lan trên bề mặt cát. Thân cây dài khoảng 20–30cm, mảnh mai nhưng rất dẻo dai, có khả năng đâm rễ ở các đốt, tạo thành từng cụm nhỏ bám chặt vào nền đất khô cằn, mặn mòi. Lá cây mọc thành cụm hoa thị ở gốc, chia thuỳ hình lông chim, các thuỳ càng về gốc càng hẹp. Dù sống giữa môi trường khắc nghiệt đầy nắng và gió biển, loài rau này vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, gần như không cần bất kỳ sự chăm sóc nào từ con người.

Ở nhiều làng chài ven biển, người dân vốn đã quen với sự hiện diện của rau sâm biển. Họ hái rau đem về nấu canh chua, ăn sống, ăn kèm hải sản nướng hoặc phơi khô nấu nước uống. Đặc biệt, rau ăn sống có vị hơi mặn, thanh và giòn, khi nấu lại có vị ngọt hậu rất đặc trưng. Thế nhưng, trong một thời gian dài, rau sâm biển vẫn bị coi là loại cây dại không có giá trị kinh tế, thậm chí có nơi còn nhổ bỏ để làm sạch đất.

Chỉ đến khi một số người dân địa phương nhận ra nhu cầu tìm mua rau sạch, tự nhiên của người tiêu dùng ngày càng cao, rau sâm biển mới thực sự được chú ý. Tiêu biểu như trường hợp của chị Lê Thị Kim Hên (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), người đã mạnh dạn thử rao bán rau sâm biển trên mạng xã hội. Ban đầu chỉ là vài rổ rau hái quanh vuông tôm để bán thử, nhưng nhờ khách hàng ưa chuộng và phản hồi tích cực, chị Hên đã mở rộng diện tích đất để tận dụng trồng rau sâm.

“Gọi là trồng vậy thôi chứ chẳng chăm sóc được gì. Nắng quá hay mưa nhiều đều làm rau bị rục, bón phân thì càng hỏng. Chúng cứ mọc tự nhiên theo mùa, đến mùa mưa thì xanh um lên, mình chỉ việc hái bán”, chị Hên chia sẻ.

Loại rau này phát triển mạnh vào mùa mưa. Có thời điểm, thương lái đổ xô về tận nơi thu mua với giá từ 70.000–100.000 đồng/kg, cả rau tươi lẫn rau khô, thậm chí mua luôn cả thân, lá và rễ. Với lợi thế không dùng phân bón, không tưới nước, lại mọc tự nhiên hoàn toàn, rau sâm biển trở thành sản phẩm "sạch" đúng nghĩa, đáp ứng xu hướng ăn uống lành mạnh. Nhiều món ăn chế biến từ sâm biển đã trở thành đặc sản địa phương, thu hút thực khách bốn phương.

Không chỉ ngon miệng và lạ miệng, rau sâm biển còn được ghi nhận nhiều công dụng quý về y học. Theo Đông y, rau có tính mát, vị hơi mặn, tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, giải độc, hỗ trợ tiêu hóa. Ở Ấn Độ, người ta thậm chí dùng rau sâm biển để thay thế bồ công anh trong các bài thuốc lợi sữa.

Từ một loại rau mọc hoang bị bỏ quên, rau sâm biển giờ đây đang cho thấy tiềm năng lớn về kinh tế, nhất là đối với các vùng đất cát ven biển vốn khó canh tác. Với điều kiện sinh trưởng tự nhiên, không tốn công chăm sóc, lại phù hợp với xu hướng “ăn xanh – sống sạch”, rau sâm biển đang dần được xem như một mặt hàng đặc sản tiềm năng.

Bạn có thể quan tâm