Gái xinh 18 tuổi mãn kinh sớm vì 2 thói quen nhiều người trẻ gặp phải, bác sĩ nói: "Buồng trứng như phụ nữ 50"

Sau khi cô chia sẻ, nhiều chị em khác ở độ tuổi rất trẻ cho biết cũng đang mắc tình trạng tương tự.

Mới đây, một cô gái 18 tuổi khiến cộng đồng mạng xôn xao khi chia sẻ câu chuyện bị mãn kinh sớm và được chẩn đoán suy buồng trứng. Ở độ tuổi được xem là tươi đẹp nhất của tuổi trẻ, cô gái này đã phải đối mặt với một tình trạng y học thường chỉ xuất hiện ở phụ nữ ngoài 50.

Không chỉ làm mất khả năng sinh sản, suy buồng trứng sớm còn là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bước vào giai đoạn lão hóa sớm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Cô gái 18 tuổi được chẩn đoán mãn kinh sớm.

Theo chia sẻ của nhân vật, cô từng duy trì 2 thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại âm thầm bào mòn sức khỏe suốt một thời gian dài. Đầu tiên, cô thường xuyên thức khuya đến 2 - 3 giờ sáng và duy trì lối sống đảo lộn giữa ngày và đêm trong nhiều năm liền. Nghĩ rằng mình còn trẻ và có thể chịu đựng được, cô đã phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo sớm từ cơ thể cho đến khi sức khỏe suy kiệt.

Bên cạnh đó, cô cũng từng áp dụng chế độ ăn kiêng cực đoan để giảm cân. Mỗi ngày, cô hạn chế tối đa lượng calo nạp vào, luôn cảm thấy tội lỗi nếu ăn vượt mức. Khi không kiểm soát được nữa, cô lại ăn uống thả phanh với những món cay, nhiều dầu mỡ. Cơ thể liên tục bị đẩy vào trạng thái khắc nghiệt, lúc thì thiếu dinh dưỡng, lúc lại quá tải khiến nội tiết rối loạn, dẫn đến tổn thương buồng trứng nghiêm trọng.

2 thói quen không lành mạnh của cô là thức khuya và ăn uống không đều độ.

Chỉ đến khi đi khám sức khỏe tổng quát, cô mới thực sự hoảng loạn khi bác sĩ kết luận đã mắc suy buồng trứng sớm. Không chỉ riêng cô, sau khi câu chuyện được chia sẻ, nhiều cô gái trẻ khác cũng lên tiếng cho biết họ đang gặp phải tình trạng tương tự. Một số mới chỉ ngoài 20 nhưng đã có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt, nội tiết suy giảm và sức khỏe sinh sản bị đe dọa nghiêm trọng.

Tại Hà Nam (Trung Quốc), một cô gái 29 tuổi bị chẩn đoán suy buồng trứng khi đang chuẩn bị mang thai. Cô từng là “cú đêm” chính hiệu, thường xuyên dùng điện thoại đến kiệt sức mới ngủ. Khi đi khám, bác sĩ cho biết buồng trứng của cô đã như phụ nữ 45 tuổi, kèm theo hàng loạt vấn đề: tóc bạc sớm, kinh nguyệt gần như biến mất, u tuyến phát triển trong cơ thể.

Tại Hàng Châu, một sinh viên tên Tiểu Mỹ sau khi vào đại học đã bắt đầu thức khuya liên tục, ăn đồ nướng, đồ chiên cay vào ban đêm. Sau vài tháng, cô cảm thấy cơ thể mệt mỏi bất thường. Kết quả kiểm tra cho thấy cô bị gan nhiễm mỡ, axit uric cao, chức năng thận chỉ còn chưa đến 60% so với người bình thường.

Tại Phúc Kiến, một cô gái 28 tuổi vì muốn giảm cân đã cắt hoàn toàn tinh bột trong khẩu phần ăn. Có những ngày chỉ ăn vài miếng rau để cầm cự. Hệ quả là 3 tháng không có kinh nguyệt. Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán buồng trứng của cô đã thoái hóa tương đương với phụ nữ 50 tuổi.

Một cô gái trẻ duy trì thói quen ngủ sớm trước 10h tối trong 286 ngày, kết quả da dẻ cải thiện thấy rõ.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh cảnh báo rằng, trong 10 năm qua, tỷ lệ bệnh nhân bị vô sinh do suy giảm chức năng buồng trứng ngày càng tăng. Một số bệnh viện thậm chí ghi nhận tới 30% người mắc căn bệnh này là phụ nữ dưới 30 tuổi. Những con số này không chỉ là lời cảnh báo, mà còn là thực tế đang xảy ra với rất nhiều người trẻ. Đừng đợi đến lúc cơ thể buộc phải lên tiếng thì mới bắt đầu quan tâm đến sức khỏe. Thói quen sống hủy hoại không đến trong một đêm, nhưng hậu quả để lại có thể kéo dài cả đời.

Suy buồng trứng sớm: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Suy buồng trứng sớm là tình trạng buồng trứng mất chức năng trước tuổi 40, gây rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ lão hóa sớm.

a. Nguyên nhân phổ biến

- Yếu tố di truyền: Có tiền sử gia đình mắc suy buồng trứng sớm.

- Rối loạn miễn dịch: Cơ thể tự sinh kháng thể tấn công các tế bào buồng trứng.

- Ảnh hưởng từ điều trị bệnh lý: Hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư có thể làm tổn thương buồng trứng.

- Can thiệp ngoại khoa: Phẫu thuật u nang hoặc cắt buồng trứng.

- Lối sống không lành mạnh: Thức khuya, ăn uống thất thường, giảm cân sai cách, căng thẳng kéo dài.

b. Cách điều trị

- Liệu pháp hormone thay thế: Bổ sung estrogen và progesterone nhằm ổn định nội tiết tố và giảm triệu chứng mãn kinh.

- Điều trị hỗ trợ sinh sản: Áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nếu có nhu cầu mang thai.

- Tư vấn tâm lý: Hỗ trợ người bệnh trong việc thích nghi với thay đổi nội tiết và sức khỏe sinh sản.

- Theo dõi định kỳ: Kiểm tra mật độ xương, sức khỏe tim mạch, các chỉ số chuyển hóa.

c. Biện pháp phòng ngừa

- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất.

- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya.

- Tránh các chế độ ăn kiêng cực đoan hoặc giảm cân quá nhanh.

- Giảm thiểu căng thẳng, xây dựng lối sống tích cực.

- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề nội tiết.

Bạn có thể quan tâm