1. Mua sắm bốc đồng

Trong thời đại thương mại điện tử phát triển, các chương trình khuyến mãi ngập tràn như hiện nay, mua sắm bốc đồng đã trở thành căn bệnh chung của nhiều người. Chỉ cần thấy người bán hàng trên livestream giới thiệu sản phẩm đầy nhiệt huyết, hay nhìn thấy những tấm biển giảm giá trong trung tâm thương mại là họ lại không kiềm được lòng mà "chốt đơn".
Giải pháp: Trước khi mua sắm, hãy thêm sản phẩm vào giỏ hàng và đặt cho mình một khoảng thời gian để "hạ nhiệt". Đó có thể là 24 giờ hoặc 48 giờ, tùy thuộc vào lựa chọn của bạn.
Sau khoảng thời gian đó, nếu vẫn cảm thấy nhất định phải mua thì bạn đặt hàng cũng chưa muộn. Đồng thời, hãy lập danh sách mua sắm và chỉ mua những món đồ có trong danh sách, tránh bị các chương trình khuyến mãi làm cho "mê hoặc".
2. "Người tốt bụng" với các cuộc xã giao quá mức
Giao tiếp xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng xã giao quá mức lại có thể khiến ví tiền của chúng ta "chịu không nổi". Một số người luôn ngại từ chối lời mời tụ tập của bạn bè. Dù là đi ăn, đi hát karaoke hay đi du lịch, họ đều nhiệt tình tham gia. Mỗi lần tụ tập, ít thì vài trăm nghìn, nhiều thì cả tiền triệu. Tính ra mỗi tháng, chi phí xã giao trở thành một khoản không hề nhỏ.
Có chàng nhân viên văn phòng nọ, để duy trì cái gọi là "quan hệ", mỗi tuần đều tham gia đủ các hoạt động xã giao. Anh nghĩ rằng từ chối lời mời của người khác sẽ khiến mình trở nên "lạc loài" nên dù kinh tế có chút eo hẹp, anh vẫn cố gắng đi. Kết quả là tiền lương mỗi tháng vừa về tay được vài ngày đã chi hết cho các cuộc xã giao.
Giải pháp: Học cách từ chối hợp lý những hoạt động xã giao không cần thiết. Bạn có thể lựa chọn tham gia có chọn lọc tùy theo thời gian và tình hình tài chính của mình. Đồng thời, khi tụ tập với bạn bè, bạn có thể chọn những hoạt động có chi phí hợp lý hơn, ví dụ như các môn thể thao ngoài trời, dã ngoại... Các hoạt động này vừa có thể gắn kết tình cảm, vừa tiết kiệm được chi phí.
3. Xem nhẹ khoản tiền nhỏ

Nhiều người nghĩ rằng những khoản tiền nhỏ chẳng đáng là bao, tiêu chỗ này một ít, chỗ kia một ít mà không cần nghĩ ngợi gì. Tuy nhiên, những khoản tiền nhỏ tưởng chừng không đáng kể này, tích tiểu thành đại cũng sẽ là một con số không hề nhỏ. Mỗi ngày một ly trà sữa, cà phê, một món ăn vặt, tổng cộng lại một tháng có thể lên tới vài triệu đồng.
Ví dụ: Mỗi ngày bạn có thói quen uống một cốc cà phê hoặc trà sữa, giá trung bình khoảng 40 nghìn đồng thì mỗi tháng riêng tiền chi cho khoản này đã khoảng 1,2 triệu đồng. Đây mới chỉ là tiền cà phê, nếu cộng thêm các loại đồ ăn vặt, đồ uống khác, con số một tháng có thể cao hơn thế nhiều.
Giải pháp: Coi trọng từng khoản chi nhỏ. Bạn có thể chuẩn bị một sổ tay ghi chép, ghi lại mọi khoản chi tiêu của mình, dù chỉ là một nghìn cũng phải ghi lại.
Điều này sẽ giúp bạn thấy rõ tiền của mình đã đi đâu, từ đó có ý thức kiểm soát các khoản chi tiêu không cần thiết. Đồng thời, hãy hình thành thói quen tiết kiệm tốt, ví dụ như mang theo bình nước riêng, tự làm bữa sáng...
4. Mơ hồ, thiếu kế hoạch tài chính
Không có kế hoạch tài chính giống như đi thuyền trên biển mà không có la bàn. Nhiều người mỗi tháng nhận lương về, ngoài việc trả nợ nhà, nợ xe, số tiền còn lại cứ thế tiêu tùy ý, hoàn toàn không nghĩ đến việc phân bổ và đầu tư hợp lý. Kết quả là tiền càng tiêu càng ít, cũng không tích lũy được tài sản gì đáng kể.
Có cô gái nọ sau gần 10 năm đi làm, lương cũng không thấp nhưng lại chẳng có chút tiền tiết kiệm nào. Cô chưa bao giờ lập kế hoạch tài chính, tháng nào cũng lặp lại điệp khúc "làm đồng nào, xào đồng đó”. Mãi đến khi thấy người khác tăng trưởng tài sản nhờ đầu tư, bạn bè có của ăn của để, cô ấy mới nhận ra vấn đề của mình.
Giải pháp: Lập kế hoạch tài chính hợp lý.
Bạn có thể bắt đầu từ việc ghi chép chi tiêu đơn giản, hiểu rõ tình hình thu nhập và chi tiêu của mình. Sau đó, tùy theo tình hình thực tế, lập một kế hoạch tiết kiệm, ví dụ như mỗi tháng trích 20% tiền lương để tiết kiệm.
Đồng thời, hãy tìm hiểu một số kiến thức tài chính cơ bản, chọn các sản phẩm tài chính phù hợp với mình để có thể khiến “tiền đẻ ra tiền”. Tóm lại, tích lũy của cải là một quá trình lâu dài, chúng ta cần tránh những thói quen "thủng túi tiền" này, bắt đầu từ những việc nhỏ trong cuộc sống và lập kế hoạch thu chi hợp lý.
Mong rằng mọi người đều có thể thay đổi những thói quen này, để ví tiền của mình ngày càng rủng rỉnh hơn. Hãy nhớ rằng, mỗi đồng tiền đều không dễ kiếm. Trân trọng mọi cơ hội kiếm tiền và tiết kiệm tiền, bạn mới có thể thực hiện được giấc mơ tự do tài chính.