Người mẹ 5 con ở Đắk Lắk "biến" căn bếp thành nơi khởi nghiệp, cuộc đời sang trang nhờ nghề trang trí mâm cúng

Trải qua thời gian kinh doanh không mấy thuận lợi và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, mẹ bỉm ở Đắk Lắk tìm mọi cách để học nghề, tìm kiếm định hướng riêng. Tận dụng sở thích vào bếp, người mẹ 5 con đã “hái ra tiền” nhờ việc nấu chè, xôi, trang trí mâm cúng thôi nôi.

Từng vay mượn khắp nơi để khởi nghiệp, "biến" căn bếp nhỏ thành nơi sáng tạo

Trong căn nhà nhỏ ở vùng đất đỏ, vừa bước đến cổng đã ngửi thấy hương thơm thoang thoảng của nồi chè trôi nước, của những mẻ xôi nếp vừa chín tới. Đó là căn nhà của chị Kiều Thị Nga (SN 1990, ngụ Đắk Lắk) - mẹ bỉm 5 con từng ngày tỉ mỉ trong căn bếp nhỏ để chuẩn bị mâm cúng lễ thôi nôi đầy màu sắc, chỉn chu từ hình thức lẫn nội dung.

Chị Nga tâm sự, sau khi bé thứ 2 được 9 tháng tuổi thì bất ngờ biến cố ập đến gia đình, loạt thử thách hiện ra trước mặt người mẹ trẻ khi bé có những dấu hiệu của căn bệnh bại não. “Lúc đó, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu trước hụt sau rất nhiều. Gia đình phải tìm nhiều cách, chi tiêu hợp lý hơn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó…” - chị Nga nhớ lại. Sau đó, khi có ít vốn liếng, chị quyết định kinh doanh online nhưng cũng chẳng ổn định do thị trường nhiều biến động.

Trong thời điểm gặp khó khăn, loay hoay định hướng, chị thầm nghĩ hay thử tận dụng khả năng bếp núc để khởi nghiệp. Sau thời gian dài tìm hiểu, chị Nga quyết định tham gia khóa học nấu chè, xôi với hy vọng kiếm thêm thu nhập vào những ngày rằm hay lễ lớn.

“Lúc đó, tôi gom góp hết tiền trong nhà để vào TP.HCM học nấu xôi và làm chè trôi nước. Ngày trở về lại quê, trong túi chỉ còn vỏn vẹn 200.000 đồng. Những ngày hôm sau đó, tôi phải nhờ chồng đi vay mượn khắp nơi, bắt đầu với số vốn 5 triệu đồng để mua dụng cụ, nguyên liệu và bắt đầu bén duyên với nghề cho đến hiện tại” - chị Nga nhớ lại khoảnh khắc khó quên trong quá trình lập nghiệp của mình.

Chị Nga tìm tòi, vừa tự học, vừa tham gia các hội nhóm nấu ăn trên mạng để nâng cao kỹ năng nấu nướng.

Ban đầu, chị Nga chỉ dám làm vài mẻ chè, xôi để thử nghiệm. “Lúc mới bắt đầu, tôi không có vốn, cũng chưa từng học bài bản cách bày trí hay phối màu cho mâm lễ, nên mọi thứ đều làm theo bản năng và sở thích cá nhân. Ngoài ra, tôi nghĩ nếu muốn trở nên chuyên nghiệp thì phải tạo những sản phẩm mang vẻ đẹp có dấu ấn cá nhân. Tôi lên mạng tìm hiểu, xem các mẫu đẹp để học hỏi.

Tôi bắt tay vào thực hiện nhiều kiểu trang trí khác nhau, phối hợp màu sắc chè, xôi sao cho bắt mắt. Đêm nào cũng mày mò, có hôm thức trắng để chỉnh sửa từng chi tiết cho đến khi thấy thật ưng ý mới yên tâm” - chị Nga chia sẻ thêm.

Càng cọ xát, càng có thêm kinh nghiệm, “tiếng lành đồn xa” tay nghề của chị Nga dần được nhiều người biết đến và số lượng mâm lễ thôi nôi được đặt trước ngày càng tăng. Căn bếp nhỏ ngày nào giờ trở nên nhộn nhịp, người mẹ trẻ cũng không kịp trở tay phải nhờ các thành viên trong gia đình phụ giúp để kịp hoàn thành đơn hàng.

Một mâm lễ do chị Nga chuẩn bị không chỉ dừng lại ở xôi chè truyền thống. Xen giữa những dĩa chè trôi nước, là những chiếc bánh su kem nhỏ xinh, tháp donut bắt mắt và cả những chiếc bánh quy được vẽ tay tỉ mẩn như món quà gửi gắm riêng cho từng đứa trẻ. Tất cả được chị sắp xếp hài hòa như một bức tranh trên bàn tiệc, lúc nào cũng đủ đầy, rực rỡ màu sắc theo yêu cầu từ khách hàng.

Mỗi mâm lễ hoàn chỉnh có thể mất hàng giờ, thậm chí cả ngày để hoàn thiện. “Làm mâm lễ không chỉ cần tay khéo mà còn cần lòng kiên trì và đặt tâm của mình để trang trí mới có thể làm hài lòng khách hàng”, chị Nga bộc bạch. Đối với chị, nếu không thực sự yêu nghề, không tìm được niềm vui trong từng chi tiết nhỏ, thì rất khó để theo đuổi lâu dài công việc lặng thầm mà cầu kỳ này.

Với chị, mỗi mâm cúng không chỉ đánh dấu cột mốc của đứa trẻ mà còn gửi gắm ước nguyện về một tương lai đủ đầy, bình an và ngập tràn yêu thương.

Từng suy nghĩ đến chuyện dừng lại, lấy con làm động lực để cố gắng

Những ngày đầu chập chững bước vào nghề, điều khiến chị Nga lo lắng nhất không phải là việc bày biện ra sao, nấu nướng thế nào, mà là liệu có ai tin tưởng mà đặt hàng hay không. Gánh nặng cơm áo, con nhỏ và nỗi sợ thất bại khiến chị nhiều đêm chị mất ngủ, trằn trọc mãi mới có thể vô giấc. “Đôi khi tôi chỉ biết thầm mong người ta nhìn thấy được tâm huyết của mình và cho mình một cơ hội để thể hiện khả năng” - chị Nga bồi hồi nhớ lại.

Đến nay, sau hơn 2 năm kinh nghiệm bắt đầu công việc này, chị đã có mức thu nhập ổn định, đủ chăm lo cho gia đình và các con nhỏ. Hiện tại, mỗi mâm chè xôi được trang trí bắt mắt của chị Nga sẽ có mức giá khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, có khách hàng sẵn sàng chi chục triệu để đặt mâm lễ thôi nôi với quy mô lớn, và cần độ tỉ mỉ nên đôi khi chuẩn bị trước rất lâu mới có thể bày biện một cách vừa đẹp, vừa tinh tế.

Những mâm lễ thôi nôi được chị Nga chia sẻ lên mạng xã hội nhận về nhiều bình luận tích cực. Được nhiều chị em đam mê nấu nướng dành lời khen ngợi, chị Nga càng có thêm niềm tin vào sự lựa chọn của mình.

Ít ai biết, hình ảnh người mẹ luôn vui vẻ trên mạng xã hội cùng những tác phẩm mâm chè xôi cúng thôi nôi nghìn lượt thích là người mẹ trẻ đôi lúc cũng có giây phút yếu lòng khi vừa phải kịp tiến độ đơn hàng, phải dạy và chăm các con nhỏ. Hiện tại, con lớn của chị Nga đã tròn 15 tuổi. Bé thứ 2 được 13 tuổi và bé thứ 3 đã lên 6 tuổi cùng mắc bệnh bại não. Và bé thứ 4 hiện 4 tuổi và bé thứ 5 được 1,5 tuổi.

Tuy nhiên, đối với chị Nga may mắn lớn nhất của chị là có sự hỗ trợ từ gia đình. Bà ngoại phụ chăm các bé, còn chồng chị luôn đồng hành trong công việc - từ nấu xôi chè đến sắp xếp mâm lễ. Buổi chiều, chị thuê thêm một người đến phụ dọn rửa để kịp tiến độ các đơn hàng.

Theo chị Nga, công việc tuy không quá nặng nhọc nhưng lại lắt nhắt, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ. Vào những dịp cao điểm như cận Tết, có ngày chị nhận đến 4-5 mâm lễ, phải làm liên tục từ sáng đến tối nhưng vẫn phải đảm bảo mọi thứ thật chỉnh tề, đẹp mắt đúng như khách hàng mong đợi.

Mỗi lúc khó khăn, chị lại nhớ đến gia đình, nhớ đến con cái vẫn chống chọi với bệnh tật thì chị lại có thêm động lực để phấn đấu.

“Có những lúc mới vào nghề, áp lực khiến tôi gần như muốn buông xuôi. Mệt mỏi, lo lắng, rồi cả nỗi hoang mang khi mọi thứ không suôn sẻ như kỳ vọng. Thế nhưng, càng nghĩ, tôi càng hiểu: Nếu không cố gắng thì sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Cuộc sống chẳng dành sẵn điều hoàn hảo cho ai, chỉ khi trải qua nghịch cảnh, người ta mới biết mình mạnh mẽ và kiên cường đến mức nào” - chị Nga xúc động nói.

Không chỉ tập trung làm nghề, chị Nga còn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn lại cho nhiều người có chung đam mê. Sau hơn hai năm gắn bó với công việc, chị cho rằng niềm yêu thích của mình đã phần nào được lan tỏa, khi ngày càng có nhiều người tìm đến học hỏi, xem đó là một nghề nghiêm túc để theo đuổi…

Bạn có thể quan tâm