Tính đến sáng 21/7, đã có 64 trường hợp bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, trong đó có 38 trường hợp khai liên quan ăn bánh mì tại cơ sở bán bánh mì của cô T.
Trước đó tối ngày 18/7, Trung tâm Y tế M’Đrắk tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân rối loạn tiêu hóa nhập viện. 3/6 trường hợp này 3 cho biết có ăn bánh mì cô T. (địa chỉ tại TDP 7, xã M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk).
Đến ngày 19/7, Trung tâm tiếp tục ghi nhận 39 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng tương tự, trong đó có 35 người khai liên quan đến ăn bánh mì cô T.

Bác sĩ Võ Trọng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế M’Đrắk cho biết, tính từ tối ngày 18/7 đến sáng ngày 21/7, đã có 64 trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, trong đó có 38 trường hợp liên quan đến việc ăn bánh mì cô T.
Độ tuổi bệnh nhân dao động từ 3 đến 59 tuổi. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định, 5 người đã được xuất viện, số còn lại sẽ tiếp tục theo dõi trong 1-2 ngày tới. Vì có tới 64 trường hợp bệnh nhân cùng có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nên chúng tôi nghi ngờ trên địa bàn đang xảy ra một ổ dịch tiêu chảy theo mùa.
Hiện Trung tâm đang tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe các bệnh nhân và công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh đang được triển khai nhanh chóng nhằm ngăn ngừa tình trạng lây lan rộng hơn trên địa bàn”, bác sĩ Phúc thông tin.
Ngay sau khi ghi nhận các ca nhập viện, Trung tâm Y tế tham mưu UBND xã M’Đrắk thành lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố bánh mì Cô T.

Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận quầy bánh có tủ kính, khu chế biến đảm bảo vệ sinh và chủ cơ sở đã tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cơ sở không xuất trình được hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu, thiếu giấy khám sức khỏe của người bán hàng, và đặc biệt người chế biến không đeo găng tay khi phục vụ.
Trước các vi phạm của cơ sở này, đoàn đã tiến hành lập biên bản lấy mẫu thực phẩm đóng gói vận chuyển đi kiểm nghiệm và đề nghị cơ sở tạm dừng kinh doanh đến khi có thông báo lại của UBND xã M’Đrắk.
Bánh mì kẹp các loại nhân là món phổ biến hằng ngày của người Việt Nam. Trước đây, món ăn thường chỉ bán ở các quán nhỏ lẻ ven đường với thành phần nguyên liệu đơn giản. Theo thời gian, bánh mì Việt được ưa chuộng hơn, thậm chí nổi tiếng khắp thế giới. Bởi vậy, các tiệm chuyên món này ngày càng có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng ở nhiều nơi chưa đảm bảo dẫn tới ngộ độc hàng loạt.
Nếu ăn bánh mì không, người dân rất ít có nguy cơ ngộ độc do bánh đã nướng, chỉ có thể gây hại nếu để lâu, có nấm mốc, kết cấu tách rã, dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.
Trong khi đó, phần nhân bánh hiện nay đa dạng, được cho lẫn vào nhau. Nhiều chủ hộ tự sản xuất nguyên liệu để tạo vị thơm ngon riêng. Nếu không làm cẩn thận, nghiêm ngặt, thực phẩm dễ nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến hoặc sinh chất độc hại do không được bảo quản tốt, nhất là trong thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam.
Với các hộ kinh doanh mua nhân bánh từ chợ, các xưởng sản xuất ngoài, họ cũng khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến, bảo quản, vận chuyển.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi.
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh.
- Gây nôn:
Đối với những người có triệu chứng nôn mửa ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc, hoặc người còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc, cần lập tức dùng mọi biện pháp kích thích để nôn hết những thức ăn ra khỏi dạ dày.
Có thể dùng ngón trỏ (đã được rửa sạch) để ép vào góc lưỡi người bệnh.
Hoặc pha nước muối hòa tan trong nước ấm để kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt, hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể người.
Trong quá trình gây nôn cần chú ý:
Khi kích thích người bệnh nôn, nên để người bệnh nằm nghiêng, kê cao phần đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ tử vong do sặc hoặc ngạt thở.
Đối với trẻ em, cần khéo léo tránh gây xước cổ họng trẻ.
Có thể giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, thậm chí giữ cả những mẫu thức ăn người bệnh vừa nôn để có thể xác định chính xác nguyên nhân.
- Bù nước:
Người bị ngộ độc thực phẩm có thể nôn và tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước, do đó cần cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi.
Có thể bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol được pha theo chỉ dẫn.
Nếu sử dụng dung dịch oresol phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, dùng đúng liều lượng chỉ định như không pha quá ít hoặc quá nhiều nước, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch...
Nếu nhiều người ngộ độc thức ăn cùng một lúc cần chia dung dịch oresol riêng biệt, không cho uống chung vì có thể khiến tình trạng của những người ngộ độc nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Trường hợp người bệnh có những triệu chứng bất thường như co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp không được gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Kể cả khi đã thực hiện các bước sơ cứu kể trên, người bệnh vẫn có nguy cơ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Do đó, cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.