Khi trẻ bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè, đó cũng là lúc phụ huynh lo lắng về hàng loạt dịch bệnh có thể bủa vây, vì hè trẻ tham gia nhiều hoạt động ở nơi công cộng. Theo đó, các dịch bệnh mùa hè có thể gặp và bùng phát thành bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, cúm mùa hay sởi… đều gây nguy hiểm cho trẻ. Đó là chưa kể, trẻ còn đối mặt với hàng loạt các nguy cơ khác như các bệnh về đường hô hấp, bệnh da liễu do tắm ở bể bơi không đảm bảo hoặc tắm ở ao hồ.
Trẻ ốm vặt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến trẻ mất đi khoảng thời gian nghỉ hè (đối với trẻ đã đi học mầm non, tiểu học...), bỏ qua các hoạt động vui chơi, du lịch cùng gia đình. Vì thế, việc chủ động phòng bệnh để tăng đề kháng, giảm nguy cơ ốm vặt cho trẻ là rất quan trọng. Dưới đây là 4 lưu ý bố mẹ cần ghi nhớ để giúp con khỏe mạnh.
Vệ sinh cá nhân cho trẻ và xây dựng môi trường xanh-sạch
Vệ sinh cá nhân đúng cách và giữ môi trường xanh, sạch là biện pháp phòng bệnh đầu tiên cần thực hiện cho trẻ. Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, thích khám phá và vui chơi nhất là với những trò hay đồ chơi mới. Sau khi vui chơi, trẻ rất dễ nhiễm khuẩn ở bàn tay và sẵn sàng cầm đồ ăn, thức uống để sử dụng. Vì thế, việc vệ sinh cá nhân nói chung và vệ sinh tay cho trẻ là rất quan trọng.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau khi trẻ vui chơi cần tắm rửa cho trẻ bằng sữa tắm (xà bông) phù hợp. Ngoài ra, khi đi vệ sinh xong hoặc trước khi ăn, bố mẹ hãy cho trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để loại bỏ vi khuẩn, virus. Kể cả người lớn cũng nên thực hiện việc làm này, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả.

Rửa tay và vệ sinh cá nhân giúp phòng nhiều tác nhân gây bệnh ở trẻ. Ảnh minh hoạ.
Việc vệ sinh cá nhân và vệ sinh tay sẽ giảm mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy hoặc các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm phổi. Ngoài ra, việc rửa tay còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh và lan truyền dịch bệnh cũng như giảm tỷ lệ kháng kháng sinh. Việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm, dịch tay chân miệng, sởi...
6 bước rửa tay đúng cách theo khuyến cáo của ngành Y tế như sau:
- Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
* Chú ý mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.
Ngoài vệ sinh cá nhân, cần vệ sinh môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thân thiện với môi trường như dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp nơi ở; rác thải thu gom và được xử lý; có nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý phân đúng cách; dọn sạch các khu vực tối ẩm thấp; dọn sạch các vật dụng chứa nước xung quanh nhà; nên cho trẻ bơi ở bể đủ tiêu chuẩn; cho trẻ vui chơi ở nơi có nhiều cây xanh.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ tăng đề kháng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sức đề kháng hay hệ miễn dịch của trẻ chính là “bức tường thép” để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn non yếu và đang trong giai đoạn phát triển, do đó trẻ dễ bị ốm vặt, cảm cúm, hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng. Vì vậy, việc tăng cường sức đề kháng cho bé không chỉ giúp bé ít ốm vặt mà còn giúp bé phát triển khỏe mạnh và toàn diện.
Việc tăng sức đề kháng cho trẻ sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn, độ tuổi và thể trạng của mỗi trẻ. Riêng trong giai đoạn 6 tháng đầu đời, trẻ cần phải được chăm sóc dinh dưỡng bằng sữa mẹ. Đây là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và là “liều thuốc miễn dịch” tự nhiên tốt nhất dành cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ chứa hàm lượng lớn kháng thể, giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bú mẹ kết hợp với ăn dặm đến 2 tuổi hoặc lâu hơn.

Cần phải cung cấp cho trẻ đủ 4 nhóm chất và bổ sung thêm sữa để trẻ tăng đề kháng, miễn dịch được tốt hơn. Ảnh minh họa.
Khi qua giai đoạn 6 tháng đầu đời, sữa mẹ không còn cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ, vì thế cần phải bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm và sữa. Dù ở giai đoạn hay độ tuổi nào, từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm trở đi các bậc phụ huynh cần phải xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ.
Theo đó, cha mẹ nên bổ sung vào thực đơn của con những thực phẩm tốt cho miễn dịch, đặc biệt là các loại rau xanh hay trái cây tươi như khoai tây, cà chua, bông cải xanh, ổi, bưởi, dâu tây.... Cùng với đó là không quên bổ sung các thực phẩm giàu đạm, chất béo và chứa nhiều sắt, kẽm để tăng đề kháng, miễn dịch cho trẻ. Luôn đảm bảo khẩu phần ăn trong ngày của con đa dạng các loại thực phẩm, tránh trùng lặp để trẻ hấp thu được tốt nhất.
Đặc biệt, hãy bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa cho trẻ như phô mai, váng sữa, sữa chua để tăng miễn dịch giúp trẻ phòng bệnh được tốt nhất. Các chuyên gia lưu ý, cần lựa chọn loại sữa phù hợp với con theo thể trạng và lứa tuổi. Ở giai đoạn mùa hè, phụ huynh nên lựa chọn các loại sữa giúp trẻ tăng đề kháng tốt nhất cho trẻ. Trong đó, cần lưu ý chọn sản phẩm bộ 3 dưỡng chất là lactoferrin, sữa non 24 và công thức FDI với sự kết hợp giữa HMO và FOS để giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Vận động và giấc ngủ của con
Tăng cường hoạt động thể chất sẽ giúp trẻ đốt cháy năng lượng nhanh, từ đó giúp trẻ khoẻ mạnh và phát triển toàn diện. Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc sử dụng các sản phẩm tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cha mẹ nên khuyến khích con vận động thể chất thường xuyên hơn như cho con chạy nhảy thoải mái, tập bơi lội hoặc các động tác thể dục phù hợp lứa tuổi.

Trẻ hoạt động thể chất sẽ phát triển toàn diện, phòng bệnh được tốt hơn. Ảnh minh họa.
Song song với vận động, trẻ cần phải ngủ đúng giờ, đủ giấc và nhất là một giấc ngủ sâu là điều rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ, đồng thời còn hỗ trợ tăng cường đề kháng cho trẻ, phát triển trí tuệ, chiều cao, cân nặng, giúp trẻ có tinh thần thoải mái hơn. Các chuyên gia khuyến cáo tổng thời gian ngủ trong ngày của bé như sau:
- Trẻ 4-12 tháng: 12-16 giờ (bao gồm cả ngủ trưa);
- Trẻ 1-2 tuổi: 11-14 giờ (bao gồm cả ngủ trưa);
- Trẻ 3-5 tuổi: 10-13 giờ (bao gồm cả ngủ trưa);
- Trẻ 6-12 tuổi: 9-12 giờ;
- Trẻ 13-18 tuổi: 8-10 giờ;
Tiêm phòng vắc-xin
Dù đã có nhiều biện pháp phòng bệnh chủ động từ giấc ngủ, chăm sóc dinh dưỡng, đến vệ sinh cá nhân, nhưng thực tế trẻ vẫn phải tiếp xúc với rất nhiều mầm bệnh mỗi ngày từ môi trường. Do vậy, việc phòng bệnh từ bên ngoài bằng cách tiêm các loại vắc xin phòng bệnh để tăng miễn dịch, kháng thể bảo vệ sức khỏe trẻ là rất quan trọng.

Vắc xin là biện pháp phòng bệnh rất tốt cho trẻ vì thế phụ huynh hãy tiêm đủ mũi, đúng lịch. Ảnh minh họa.
Vắc xin sẽ giúp xây dựng một bức tường bảo vệ xung quanh gia đình và cộng đồng. Các nghiên cứu cho thấy, dù vắc xin không thể phòng chống được 100% nguy cơ mắc bệnh, nhưng chúng giúp phòng bệnh được tới hơn 90%, điều quan trọng hơn cả là sẽ làm giảm triệu chứng nặng nếu không may mắc bệnh.
Hiện rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, viêm não, thủy đậu, cúm mùa, quai bị, viêm não mô cầu… Do vậy, phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm theo đúng lịch của ngành y tế khuyến cáo và cần phải tiêm đủ mũi.
|