Ngay sau khi trúng tuyển vào lớp 10, học sinh phải lựa chọn tổ hợp môn học để theo suốt ba năm THPT, một quyết định mang tính chiến lược, gắn liền với xét tuyển đại học và cả hướng nghiệp tương lai. Đây là điều khiến các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh có con vào lớp 10 trăn trở trong những ngày gần đây.
Theo Chương trình GDPT 2018, ở bậc THPT mỗi học sinh sẽ được học 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn.
8 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh sẽ phải chốt 4/9 môn lựa chọn trong số: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Việc chọn tổ hợp môn lớp 10 là quyết định chiến lược, mở đầu cho con đường nghề nghiệp dài hạn
Sau 3 năm THPT, học sinh sẽ thi Tốt nghiệp THPT với 4 môn, trong đó có Toán, Văn là môn bắt buộc và 2 môn tự chọn để tạo thành các tổ hợp lấy điểm xét tuyển vào đại học. Về lý thuyết, học sinh có 126 cách chọn, song thực tế mỗi trường THPT thường có khoảng 5-8 tổ hợp, chủ yếu chia thành hai nhóm tự nhiên và xã hội, tùy thuộc số giáo viên và cơ sở vật chất.
4 nguyên tắc vàng để lựa chọn tổ hợp môn lớp 10
Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc chia sẻ, việc lựa chọn môn học là quyết định chiến lược, mở đầu cho con đường nghề nghiệp dài hạn. Nếu lựa chọn không phù hợp, học sinh có thể mất động lực học tập, gặp khó khăn trong quá trình xét tuyển đại học và rơi vào trạng thái mơ hồ khi xác định tương lai nghề nghiệp. Việc lựa chọn tổ hợp theo theo các nguyên tắc sau:
Bắt đầu từ chính mình
Trước tiên, mỗi học sinh cần xác định đâu là những môn học khiến mình cảm thấy hứng thú, dễ tiếp thu và có kết quả học tập ổn định. Không nên hiểu đơn giản là "thích môn nào thì chọn môn đó", mà cần cân nhắc giữa ba yếu tố: đam mê cá nhân, năng lực thực tế và sự tương thích với các nhóm ngành nghề. Tự đánh giá dựa vào kết quả học tập, đặc biệt là kết quả trong năm học lớp 9, phản hồi từ giáo viên và trải nghiệm học tập thực tế là những cách thiết thực để hiểu mình rõ hơn.
Kết nối với định hướng nghề nghiệp
Ngay từ khi xác định được thế mạnh học tập, học sinh nên chủ động tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích. Dù ở giai đoạn đầu, việc này vẫn rất cần thiết vì giúp định hướng rõ mục tiêu lâu dài. Việc kết nối môn học với ngành nghề cụ thể sẽ giúp học sinh hiểu được môn nào thật sự quan trọng, môn nào là nền tảng cho tương lai.
Tra cứu trường học và tổ hợp xét tuyển
Một bước đi không thể thiếu là truy cập vào website của các trường đại học, đặc biệt ở mục “Tuyển sinh” để xem các tổ hợp môn được sử dụng và yêu cầu xét tuyển của từng ngành. Ngoài ra, học sinh cũng nên tham khảo các nền tảng tư vấn hướng nghiệp, các trang tuyển dụng để nắm bắt thông tin thực tế về ngành nghề, từ nội dung công việc đến xu hướng phát triển.

Nguyên tắc quan trọng là chọn tổ hợp có các môn học vừa là điểm mạnh cá nhân, vừa có mặt trong nhiều tổ hợp xét tuyển
Quyết định trên cơ sở giao thoa giữa năng lực và cơ hội
Sau khi đã có cái nhìn toàn diện về bản thân, ngành học và các trường đại học mục tiêu, học sinh mới nên đưa ra lựa chọn cuối cùng. Nguyên tắc quan trọng là chọn tổ hợp có các môn học vừa là điểm mạnh cá nhân, vừa có mặt trong nhiều tổ hợp xét tuyển, và nếu có thể, là những môn góp phần phát triển kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp sau này.
"Đừng chọn bừa để sai một ly, đi một dặm"
Theo Ths. Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn tại TP.HCM, một điều rất quan trọng mà học sinh cần lưu ý là không nên chọn tổ hợp môn lớp 10 một cách tùy tiện hay chọn cho có, "tránh sai một ly đi một dặm". Việc lựa chọn này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập trong suốt những năm học cấp ba, mà còn liên quan trực tiếp đến định hướng nghề nghiệp và khả năng xét tuyển đại học sau này.
Cụ thể, nếu chọn sai tổ hợp môn, học sinh có thể rơi vào tình trạng học lệch, không đủ điều kiện xét tuyển vào các ngành học mong muốn hoặc phải thay đổi toàn bộ kế hoạch học tập sau này.
Mặc dù theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh vẫn được phép thay đổi tổ hợp môn, nhưng thực tế việc này rất phức tạp và không dễ thực hiện. Để chuyển sang tổ hợp mới, học sinh cần có sự đồng ý từ phía nhà trường và phụ huynh. Quan trọng hơn cả, học sinh sẽ phải tự học bù lượng kiến thức đã bị bỏ lỡ của những môn mới – điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì.
Chính vì vậy, việc lựa chọn tổ hợp môn cần được suy nghĩ kỹ lưỡng, có định hướng rõ ràng ngay từ đầu để tránh rơi vào thế bị động hoặc phải điều chỉnh giữa chừng một cách vất vả.
Ths. Phan Thế Hoài vạch rõ 3 sai lầm khi học sinh chọn tổ hợp môn vào lớp 10:
Nhầm lẫn giữa các loại tổ hợp môn
Một trong những nhầm lẫn đáng tiếc nhất là cả học sinh và phụ huynh không phân biệt rõ giữa ba khái niệm về tổ hợp môn. Trước khi lựa chọn, học sinh và phụ huynh cần phân biệt rõ 3 khái niệm:
- Tổ hợp học: Gồm 4 trên 9 môn lựa chọn nói trên. Học sinh sẽ học tổ hợp này suốt bậc THPT. Việc đổi tổ hợp chỉ được phép vào cuối mỗi năm học, gần như đồng nghĩa với chuyển lớp.
- Tổ hợp thi tốt nghiệp THPT: Từ 4 môn lựa chọn đã học, thí sinh chọn hai môn để thi tốt nghiệp THPT, gọi là tổ hợp môn tự chọn, bên cạnh hai môn bắt buộc là Toán và Văn.
- Tổ hợp xét tuyển đại học: Tổ hợp này gồm ba môn, được các đại học dùng để xét đầu vào, như A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Tổ hợp xét tuyển đại học có thể được tạo thành từ 3 trên 4 môn thi tốt nghiệp, hoặc điểm học bạ THPT của các môn.
Việc nhầm lẫn giữa ba loại tổ hợp này dễ khiến học sinh chọn sai môn học từ đầu, dẫn đến không đủ điều kiện dự thi hoặc xét tuyển vào ngành nghề mong muốn.

Ths. Phan Thế Hoài cảnh báo việc chọn sai tổ hợp có thể khiến học sinh phải "làm lại từ đầu", vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng tới tâm lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chọn tổ hợp theo cảm tính, thiếu định hướng rõ ràng
Nhiều học sinh chọn tổ hợp môn một cách bừa bãi, không dựa trên năng lực, sở thích cá nhân hay định hướng nghề nghiệp cụ thể. Một số khác lại chọn theo xu hướng, theo bạn bè, chỉ vì muốn học chung lớp hoặc “nghe nói” môn nào đó dễ học, dễ lấy điểm. Hậu quả là học sinh có thể gặp khó khăn khi tiếp thu môn học, không có sự kết nối với ngành nghề tương lai và mất phương hướng trong những năm học tiếp theo.
Phụ huynh can thiệp quá sâu, áp đặt lựa chọn
Một sai lầm khác thường thấy là phụ huynh ép con chọn tổ hợp môn theo mong muốn của mình, thay vì lắng nghe nguyện vọng, sở trường và đam mê của con. Trong khi đó, học sinh là người trực tiếp học và phát triển nghề nghiệp sau này lại không hứng thú hoặc không phù hợp với các môn học bị ép buộc. Sự mâu thuẫn này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn gây căng thẳng trong mối quan hệ gia đình.
Tâm lý e ngại, thậm chí “né” các môn Khoa học tự nhiên
Học sinh có tâm lý e ngại, thậm chí “né” các môn Khoa học tự nhiên vì học khó, chọn Khoa học xã hội dễ học, dễ "ăn" điểm hơn. Thực tế, việc “né” môn tự nhiên có thể khiến học sinh bỏ lỡ nhiều cơ hội học ngành nghề tiềm năng trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tuyển sinh và đào tạo của các trường đại học đang thay đổi.
Việc nhiều trường đại học lớn bỏ xét tuyển tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cho thấy xu hướng đào tạo của trường đại học đang có sự dịch chuyển để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, tích hợp công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống xã hội. Từ năm học này, các tổ hợp tự chọn ban xã hội của trường sẽ xây dựng theo quy tắc luôn phải có ít nhất 1 trong 4 môn tự nhiên là Vật lý, Hóa, Sinh, Tin.
Trong trường hợp vẫn muốn theo đuổi các ngành xã hội, học sinh nên chọn môn Địa lí hoặc Lịch sử ngay từ lớp 10 để đảm bảo điều kiện xét tuyển sau này.