Dầu gội Hanayuki Shampoo nhiễm vi sinh… dễ gây viêm da

“Chỉ tiêu vi sinh trong sản phẩm dùng trực tiếp lên da đầu nếu vượt mức cho phép có nguy cơ gây nhiễm trùng, kích ứng”, bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết nói.

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn quốc đối với lô mỹ phẩm Hanayuki Shampoo do Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai sản xuất, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm phân phối.

Nguy hiểm cho người có cơ địa nhạy cảm

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chuyên gia da liễu cho biết, đối với những người có tổn thương trên da đầu như trầy xước, viêm, nấm hoặc viêm da tiết bã, việc tiếp xúc với các sản phẩm không đạt chuẩn vi sinh có thể mở đường cho vi khuẩn, nấm và các tác nhân gây bệnh xâm nhập sâu vào da.

Hậu quả không chỉ dừng lại ở các phản ứng như viêm nang lông hay nấm da lan rộng, mà trong một số trường hợp hiếm gặp, còn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, một biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Tuyết nhấn mạnh, người tiêu dùng có quyền biết chính xác những gì họ đang bôi lên cơ thể mình. Việc cố tình che giấu thành phần hoặc bổ sung các chất ngoài danh mục công bố không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người có cơ địa nhạy cảm, tiền sử dị ứng, hoặc phụ nữ đang mang thai, những đối tượng vốn có nguy cơ cao trước các tác nhân hóa học.

Bác sĩ Tuyết dẫn chứng, vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, một loại vi khuẩn ưa ẩm thường xuất hiện trong mỹ phẩm không đạt chuẩn có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở người có vết thương hở, người đang điều trị ung thư hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, nấm men và nấm mốc phát triển trong môi trường mỹ phẩm kém chất lượng có thể gây viêm da tiếp xúc, chàm bội nhiễm những bệnh lý dễ tái phát và khó điều trị, đặc biệt ở phụ nữ và trẻ em.

dau-goi.jpg
Thu hồi, tiêu hủy lô dầu gội Hanayuki Shampoo do không đạt chỉ tiêu chất lượng - Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Ngoài ra, việc lô dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g) của Công ty VB Group có chất 2-Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức sản phẩm đã công bố cũng đáng lo ngại.

2-Phenoxyethanol đã từng bị cảnh báo tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ do khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của trẻ nhỏ nếu dùng ở nồng độ cao. Chính vì thế, nhiều quốc gia đã siết chặt quy định về nồng độ cho phép, đồng thời hạn chế sử dụng chất này trong các sản phẩm chăm sóc da dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

Nếu người dùng có cơ địa dị ứng hoặc đang trong quá trình điều trị rụng tóc, việc tiếp xúc với 2-Phenoxyethanol có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc cấp tính, sưng viêm da đầu, thậm chí phải sử dụng kháng sinh kéo dài để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây tổn thương tâm lý, đặc biệt với phụ nữ, những người vốn rất nhạy cảm với hình ảnh cá nhân.

vb.jpg
Thông báo của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Hanayuki Shampoo (chai 300g) - Ảnh chụp màn hình

Theo bác sĩ Tuyết, vụ việc Hanayuki không nên chỉ được nhìn nhận là một sai phạm hành chính thông thường, mà là hồi chuông cảnh tỉnh trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều người vẫn tin rằng chỉ thực phẩm mới gây hại nếu nhiễm khuẩn, trong khi trên thực tế, mỹ phẩm vi phạm tiêu chuẩn vi sinh cũng có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Bác sĩ Tuyết cũng bày tỏ sự lo ngại trước xu hướng sử dụng mỹ phẩm “tự nhiên”, “thảo dược” theo lời quảng cáo tràn lan trên mạng, đặc biệt từ các KOLs hoặc người nổi tiếng không có chuyên môn y tế. Theo đó, không ít phụ huynh đến khám vì con họ bị viêm da dị ứng sau khi sử dụng sản phẩm được quảng bá là an toàn tuyệt đối. Đây không chỉ là hậu quả của việc thiếu kiểm định mà còn là hệ lụy từ niềm tin mù quáng vào hình ảnh, thay vì thông tin khoa học.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn, bác sĩ Tuyết khuyến cáo, chỉ nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công bố và kiểm định bởi cơ quan y tế có thẩm quyền. Không mua theo cảm tính hay niềm tin vào người nổi tiếng, mà cần đọc kỹ thành phần và kiểm tra giấy phép lưu hành. Người có tiền sử dị ứng, da nhạy cảm hoặc đang mang thai nên đặc biệt cẩn trọng, ưu tiên sản phẩm không chứa các chất dễ gây kích ứng.

“An toàn mỹ phẩm không chỉ là một vấn đề kỹ thuật, mà còn là bài toán đạo đức trong sản xuất và kinh doanh. Nếu doanh nghiệp không đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu, thì hậu quả không chỉ là vài lô hàng bị thu hồi, mà còn là niềm tin xã hội bị đánh mất một tổn thất khó có thể đo đếm được”, bác sĩ Tuyết nêu quan điểm.

bang.jpg
Đoàn Di Băng quảng cáo dầu gội Hanayuki Shampoo - Ảnh nguồn FB

Công ty VB Group đối diện mức phạt 80 triệu

Về vấn đề pháp lý, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, sản phẩm mỹ phẩm vi phạm quy định về thành phần, chất lượng và quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính nặng, buộc thu hồi, tiêu hủy và thậm chí bị xử lý hình sự. Doanh nghiệp sản xuất, đơn vị kinh doanh và người nổi tiếng tham gia quảng cáo đều có thể bị liên đới trách nhiệm. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu hoàn tiền, bồi thường hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Theo đó, quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều 71 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường có hành vi kinh doanh mỹ phẩm chứa thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật; kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm và buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cũng theo khoản 5 Điều 4 Nghị định này, mức phạt tiền theo quy định trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Với những vi phạm trên, Công ty VB Group đối diện với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn phải thực hiện việc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm vi phạm.

Tại Điều 45,46 Thông tư số 06/2011/TT-BYT có chỉ ra rõ trường hợp mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố sẽ thuộc trường hợp đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm, thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Như vậy, Công ty EBC Đồng Nai với tư cách là đơn vị sản xuất có thể phải chịu các hình thức xử lý dựa theo các quy định pháp luật trên.

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Trong trường hợp này, việc quảng cáo sản phẩm là “100% thiên nhiên” và “an toàn cho sức khỏe” khi sản phẩm chứa chất bảo quản hóa học không công bố rõ ràng có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về tính chất, chất lượng của sản phẩm. Do đó, ca sĩ Đoàn Di Băng, người quảng cáo cho dầu gội này có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trường hợp cá nhân quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng được quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Trường hợp là tổ chức vi phạm mức phạt sẽ áp dụng gấp đôi so với mức phạt của cá nhân.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân hoặc tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: Buộc gỡ bỏ, xóa các nội dung quảng cáo sai sự thật; Buộc cải chính thông tin; Hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người tiêu dùng đã mua và sử dụng sản phẩm mỹ phẩm hoặc dược mỹ phẩm bị thu hồi có quyền yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường thiệt hại nếu họ bị ảnh hưởng về sức khỏe hoặc tài sản do sản phẩm đó gây ra. Quyền này được quy định rõ trong các điều khoản của Bộ luật Dân sự 2015 và các luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, trong trường hợp người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe do sử dụng sản phẩm bị thu hồi, họ hoàn toàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản. Việc khởi kiện dựa trên căn cứ vào các quy định của Điều 584 và Điều 589 của Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các quy định liên quan về an toàn thực phẩm, mỹ phẩm. Tòa án sẽ xem xét các chứng cứ, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành quyết định số 1254/QLD-MP ngày 06/5/2025 về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn quốc đối với lô mỹ phẩm Hanayuki Shampoo (chai 300g), số tiếp nhận 780/24/CBMP-ĐN, số lô 0010125, sản xuất ngày 5/1/2025, hạn sử dụng đến 4/1/2027.

Sản phẩm do Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai (đường số 6, KCN Giang Điền, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) sản xuất, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group (tầng lửng cao ốc Đại Thanh Bình số 911-913-915-917 Nguyễn Trãi, Phường 14, Quận 5, TP HCM) chịu trách nhiệm phân phối.

Lý do thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh và chứa 2 Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu toàn bộ hệ thống phân phối trên cả nước ngừng ngay việc kinh doanh và sử dụng lô dầu gội trên. Công ty TNHH VB Group và Công ty TNHH EBC Đồng Nai buộc phải thông báo thu hồi tới tất cả các nhà phân phối, tiếp nhận sản phẩm bị trả lại, tổ chức thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm, báo cáo kết quả về Cục trước ngày 8/6/2025.

Cục Quản lý Dược giao Sở Y tế TP HCM và Sở Y tế Đồng Nai tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm. Đồng thời thu hồi số tiếp nhận PCB 780/24/CBMP-ĐN, kiểm tra toàn diện hoạt động sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm của hai công ty nêu trên. Nếu phát hiện vi phạm, các đơn vị liên quan sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý phải được gửi về Cục trước ngày 23/6/2025.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group do ông Nguyễn Quốc Vũ, chồng ca sĩ Đoàn Di Băng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Trước đó, ca sĩ này cũng từng quảng bá mạnh mẽ dầu gội Hanayuki Shampoo là “100% thiên nhiên” và “an toàn cho sức khỏe”.

"Nữ đại gia quận 7" Đoàn Di Băng và những lần quảng cáo lố

Từ kẹo hoa quả “thần thánh” đến dầu gội và dung dịch vệ sinh những phát ngôn của "nữ đại gia quận 7" Đoàn Di Băng không ít lần khiến netizen đặt câu hỏi về công dụng thật.

Một trong những lần quảng cáo khiến Đoàn Di Băng bị chỉ trích nặng nề nhất là clip giới thiệu kẹo rau củ, trong đó cô tự tin tuyên bố: “Chỉ cần ăn 1 viên kẹo này, bạn sẽ nhận được lượng dinh dưỡng tương đương 5 kg rau củ quả”. "Dùng 2-3 viên mỗi ngày là hết táo bón, nóng trong", thậm chí "phù hợp cho tất cả, từ trẻ nhỏ đến phụ nữ mang thai".
Một trong những lần quảng cáo khiến Đoàn Di Băng bị chỉ trích nặng nề nhất là clip giới thiệu kẹo rau củ, trong đó cô tự tin tuyên bố: “Chỉ cần ăn 1 viên kẹo này, bạn sẽ nhận được lượng dinh dưỡng tương đương 5 kg rau củ quả”. "Dùng 2-3 viên mỗi ngày là hết táo bón, nóng trong", thậm chí "phù hợp cho tất cả, từ trẻ nhỏ đến phụ nữ mang thai". 

Đoàn Di Băng lên tiếng về ồn ào dầu gội Hanayuki

Phía ca sĩ Đoàn Di Băng vừa phản hồi về việc dầu gội Hanayuki do cô quảng cáo bị thu hồi, tiêu hủy.

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành công văn yêu cầu thu hồi, tiêu hủy đối với một lô sản phẩm Hanayuki Shampoo do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sản phẩm này do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường, Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai sản xuất.