Có một nghề không cần học đại học, được chu du khắp thế giới, luôn khát nhân lực với thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng

Tuy không cần trải qua 4 năm đào tạo chính chuyên ở môi trường đại học nhưng người hoạt động trong lĩnh vực này vẫn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn, sự tiện nghi cho hành khách nhờ những khóa học ngắn hạn. Đặc biệt, ngành nghề này giúp người học chu du khắp nơi, có cơ hội đặt chân đến rất nhiều quốc gia và được trả lương hậu hĩnh.

Nghề “đi lại trên không”, không cần bằng đại học vẫn kiếm được việc

Ngày nay, máy bay là phương tiện di chuyển được ưu tiên hàng đầu cho những chuyến đi xa và là cách di chuyển nhanh nhất giữa các quốc gia. Bên cạnh phi công thì có một đội ngũ âm thầm hỗ trợ chuyến hành trình an toàn, thoải mái đó là các tiếp viên hàng không. Họ không chỉ là “gương mặt thương hiệu” của mỗi hãng bay, mà còn là những người giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, hướng dẫn và bảo đảm an toàn cho hành khách trong suốt hành trình.

Công việc chính của tiếp viên hàng không là hướng dẫn, theo dõi công tác an toàn và cung cấp các dịch vụ khác như ăn uống, hỗ trợ các hành khách đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người khiếm khuyết… trên chuyến bay

Ngoài ra, một số nhiệm vụ khác của tiếp viên hàng không có thể kể đến là: Kiểm tra các thiết bị an toàn trên máy bay được đặt đúng chỗ và hoạt động tốt; Kiểm tra vé và hướng dẫn khách hàng ngồi đúng vị trí đã đặt; Thông báo đến hành khách về các tiêu chuẩn an toàn trên chuyến bay; Đảm bảo các thiết bị điện tử được tắt trước khi máy bay cất cánh; Hỗ trợ khách hàng khi xuống máy bay và dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh trên máy bay…

Tưởng chừng chỉ là công việc “đi lại trên không”, nhưng thực chất tiếp viên hàng không phải làm việc theo ca/kíp không cố định, luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng biến và chịu trách nhiệm rất lớn liên quan đến sự an toàn của hành khách.

Nghề tiếp viên hàng không vì vậy không chỉ yêu cầu ngoại hình đẹp hay giao tiếp tốt, mà còn đòi hỏi bản lĩnh, kiến thức chuyên môn và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy trong môi trường áp lực cao.

Để trở thành một tiếp viên hàng không, yếu tố đầu tiên và dễ nhìn thấy nhất chính là ngoại hình. Các hãng hàng không thường yêu cầu ứng viên có chiều cao tối thiểu khoảng 1m58 đối với nữ và 1m68 đối với nam, gương mặt ưa nhìn, làn da sáng và phong thái chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ngoại hình chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ nằm ở các tố chất như kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng chịu áp lực cao, biết cách lắng nghe và xử lý tình huống khéo léo. Vì mỗi ngày, tiếp viên phải làm việc với hàng trăm hành khách đến từ nhiều quốc gia, nền văn hóa khác nhau, nên trình độ tiếng Anh giao tiếp thành thạo là yêu cầu bắt buộc. Chưa kể một số hãng còn ưu tiên thêm các ngôn ngữ như tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… để phục vụ những chặng bay quốc tế.

Hiện tại ở Việt Nam, không có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành tiếp viên hàng không, nhưng một số đơn vị có chương trình liên kết hoặc các ngành gần liên quan như Học viện Hàng không Việt Nam đào tạo các ngành hàng không tổng thể như: Quản trị kinh doanh hàng không, Quản trị dịch vụ thương mại hàng không… Từ đó, một số học viên có thể áp dụng kiến thức có liên quan, học hỏi thêm một số kỹ năng quan trọng và trở thành tiếp viên hàng không.

Với những người không theo học đại học chính quy, vẫn có thể theo đuổi nghề này thông qua các khóa huấn luyện ngắn hạn, tập trung vào kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, và đặc biệt là khóa đào tạo chứng chỉ tiếp viên do các hãng hàng không tổ chức.

Yêu cầu khắt khe, thu nhập đáng mơ ước

Để chính thức bước vào nghề, ứng viên phải vượt qua nhiều vòng tuyển chọn như hồ sơ, phỏng vấn, kiểm tra thể lực, tiếng Anh, và đào tạo nội bộ. Thậm chí, sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn y tế hàng không (được kiểm tra kỹ lưỡng bởi cơ quan y tế hàng không cấp phép), không mắc các bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến chuyến bay như tim mạch, huyết áp, thần kinh…

Trong quá trình đào tạo (thường kéo dài từ 2-4 tháng tùy theo từng hãng hàng không), ứng viên được học về kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống, nghiệp vụ cabin, phòng cháy chữa cháy, sơ cứu y tế, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn… Sau khi hoàn tất và vượt qua bài kiểm tra cuối khóa, học viên mới được cấp chứng chỉ và chính thức trở thành tiếp viên hàng không.

Hiện nay, mức thu nhập của tiếp viên hàng không phụ thuộc vào hãng bay, số năm kinh nghiệm và đường bay khai thác (nội địa hay quốc tế). Với tiếp viên mới vào nghề mức lương cơ bản dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp theo chuyến bay có thể từ 300.000 đồng-1 triệu đồng/chuyến tùy hãng. Nếu bay nhiều chuyến, thu nhập mỗi tháng có thể lên đến 15-20 triệu đồng.

Tương lai của tiếp viên hàng không khá rộng mở khi tích lũy nhiều kinh nghiệm, cọ xát thực tế thì sẽ dễ dàng tìm kiếm cơ hội ở các hãng bay quốc tế hoặc thăng tiến lên những cấp bậc cao hơn.

Sau khoảng 3-5 năm tích lũy kinh nghiệm và hoàn thành các bài kiểm tra nội bộ, tiếp viên có thể được thăng hạng lên các vị trí cao hơn như tiếp viên chính, trưởng đoàn, hoặc huấn luyện viên tiếp viên. Khi đó, mức thu nhập có thể dao động từ 30-50 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng, hay chính sách ưu đãi riêng cho tiếp viên.

Tiếp viên hàng không là một nghề đòi hỏi sự rèn luyện không ngừng, tinh thần trách nhiệm cao và lòng yêu nghề bền bỉ. Với những ai yêu thích môi trường năng động, văn hóa đa dạng, mong muốn khám phá thế giới, tiếp viên hàng không vẫn luôn là một nghề đáng mơ ước và đầy triển vọng.

Bạn có thể quan tâm