Củ hủ dừa hay còn gọi là cổ hũ dừa có màu trắng, là phần lõi non nhất trong ngọn dừa.
Củ hủ dừa còn được coi như phần “tủy sống” của cây dừa bởi vì để lấy được củ hủ dừa phải “hy sinh” một cây dừa, nên đây là một món khá "xa xỉ".
Thông thường, những người thợ tìm củ hũ trong cây dừa trồng từ 2 năm trở lên, "đã lão hóa", không đạt năng suất về quả hoặc những cây bị gãy đổ do gió bão.

Hiện nay, nhiều bà con nông dân ở miền Tây bắt đầu triển khai mô hình trồng dừa để thu hoạch đặc sản củ hũ. Các vườn dừa này canh tác chỉ trong 2 năm, nguồn tiêu thụ ổn định và thu nhập khá tốt.
Củ hũ dừa được ưa chuộng không chỉ bởi đây là thực phẩm sạch, ngon mà còn giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa, hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều yếu tố vi lượng, khoáng chất như sắt, magie, kẽm.
Hàm lượng calo thấp và ít chất béo khiến củ hủ dừa trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho những người muốn ăn uống lành mạnh.
Ở các cơ sở thu mua, chế biến, củ hũ dừa được gọt sạch, rửa sơ rồi cho ngay vào túi hút chân không để không bị thâm, giữ được màu trắng nõn, có thể vận chuyển đi xa.
Củ hũ dừa hiện được bán tại các thành phố lớn với giá từ 80.000-120.000 đồng/kg. Ra tới Hà Nội, giá món này có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Bà con địa phương miền Tây chia sẻ kinh nghiệm, để giữ củ hũ trắng nõn, giòn, sau khi thu hoạch họ thường cắt khúc hoặc thái lát mỏng, ngâm trong nước đá, cho thêm chút chanh tươi và muối trắng.
Củ hũ dừa trắng nõn, có thể chế biến thành nhiều món ngon. Gỏi củ hũ dừa là món nổi tiếng miền Tây, được đưa vào nhiều nhà hàng để phục vụ thực khách phương xa. Món ăn này có vị chua ngọt, giòn giòn, thanh mát, ít béo. Gỏi củ hũ dừa là món nổi tiếng miền Tây, được đưa vào nhiều nhà hàng để phục vụ thực khách phương xa. Món ăn này có vị chua ngọt, giòn giòn, thanh mát, ít béo.
Củ hũ dừa được bào mỏng thành sợi, trộn cùng các nguyên liệu khác như tôm bóc nõn, thịt ba chỉ, tai lợn thái mỏng, thêm rau răm, hành tây, nước mắm chua ngọt. Món ăn sẽ hấp dẫn thêm nếu có chút lạc rang thơm, phồng tôm giòn tan.
Ngoài là nguồn nguyên liệu trong ẩm thực, chế biến thực phẩm củ hủ dừa còn được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Việc tận dụng củ hủ dừa không chỉ giúp tạo ra nguồn thu nhập mới mà còn giúp giảm thiểu lượng rác thải từ việc khai thác trái dừa.