Cò bệnh viện lộng hành, “móc tiền” người dân: Hai vấn đề cần giải quyết và cách giúp người dân tránh bị lừa đảo

Để giải quyết “cò” bệnh viện ngoài cảnh báo, giám sát thì các bệnh viện cần giải quyết từ nội tại bên trong, đồng thời người dân cần cảnh giác và tỉnh táo để tránh bị kẻ xấu lợi dụng khi đi khám, chữa bệnh.

Hàng loạt các biện pháp cảnh báo đã được triển khai

Mới đây, vụ việc đường dây cò mồi hoạt động trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương bị cơ quan chức năng triệt phá khiến nhiều người bệnh, thậm chí cả đội ngũ bác sĩ vui mừng, phấn khởi. Bởi trước đó nhiều người đã bị những đối tượng này lừa đảo, thậm chí là khi đưa ra phòng khám còn bị “vẽ bệnh” không đúng để moi tiền người dân. Còn bác sĩ trong bệnh viện thì bị mạo danh, nhưng không biết phải xử lý thế nào.

Tuy nhiên, tình trạng giả danh bác sĩ, cò mồi trước cổng bệnh viện không phải là thủ đoạn mới, mà chúng đã tồn tại từ lâu và hoạt động rất tinh vi. Chiêu chèo kéo người bệnh của những kẻ cò mồi là tư vấn khám nhanh, dẫn dắt người dân ra phòng khám tư để được nhận hoa hồng. Còn người bệnh, sau khi biết bị lừa đảo dù đã mất tiền khám ở phòng khám, nhưng không yên tâm về kết quả nên đành vào viện khám thêm một lần nữa.

Các đối tượng "cò" mồi bệnh viện bị lực lượng chức năng bắt giữ. 

Thực tế cho thấy, đa số các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội như Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương... đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng tránh, cảnh báo người dân để tránh bị lừa đảo, cò mồi dẫn dắt.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, loa phát thanh nội bộ bệnh viện được lắp đặt tại cổng và khu khám bệnh, liên tục cảnh báo về tình trạng cò mồi, đồng thời hướng dẫn người dân đăng ký khám chữa bệnh đúng quy trình để tránh bị lừa đảo. Đại diện Bệnh viện cho biết, với việc tích cực tuyên truyền, đồng thời có sự hướng dẫn, tư vấn của nhân viên bệnh viện, bảo vệ bệnh viện tình trạng cò mồi, lừa đảo đã hạn chế so với trước rất nhiều, nhưng thi thoảng vẫn xảy ra một vài vụ việc bên ngoài cổng bệnh viện.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều năm nay lực lượng bảo vệ nội bộ đã tăng cường hoạt động giám sát, cảnh báo và “đưa vào tầm ngắm” với những đối tượng “cộm cán” nghi hoạt động cò mồi ngoài bệnh viện. Đồng thời phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn để sẵn sàng phát hiện, xử lý khi phát hiện tình trạng cò mồi, lừa đảo.

Lãnh đạo Bệnh viện cũng cho biết, để rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo, bệnh viện cũng áp dụng nhiều biện pháp như bố trí nhân viên tư vấn, đặt số khám qua hotline bệnh viện, tổ chức khám buổi tối để phục vụ người dân. Tất cả đều hướng tới mục tiêu vì sự hài lòng của người bệnh, tránh bị lừa đảo “tiền mất, tật mang”.

Còn tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hiện bệnh viện này không bán sổ khám bệnh mà phát miễn phí cho người dân khi đến khám bệnh. Đồng thời, triển khai đặt khám bệnh qua hotline và lấy số tự động để tránh bị lừa đảo. Tuy nhiên, cũng có đối tượng vào lấy số, sau đó ra cổng viện bán lại cho người bệnh, vì thế lực lượng bảo vệ đã được tăng cường, phối hợp với công an để xử lý khi phát hiện những đối tượng này.

Tuy nhiên, điều tất cả các bệnh viện đều quan ngại, đó là hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, không dễ phát hiện. Đặc biệt, các hoạt động này đều diễn ra ở ngoài bệnh viện, dù đã lắp đặt camera nhưng vẫn rất khó quản lý vì ngoài phạm vi của bệnh viện. Do vậy, rất cần phải có sự kết hợp của các lực lượng chức năng để giải quyết vấn nạn này.

Làm sao để giải quyết tận gốc vấn đề?

Trước tình trạng trên, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện cần phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn thực thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an ninh, trật tự; kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm không để xảy ra hiện tượng “cò” khám nhanh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Ngoài ra, xử lý nghiêm các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan đến hiện tượng “cò” khám nhanh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu có vi phạm.

Đồng thời, đề nghị các bệnh viện rà soát quy trình tại khoa khám bệnh nhằm bảo đảm rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về chính sách y tế, để giải quyết được vấn đề này thì phải xử lý từ gốc, còn việc cảnh báo, giám sát thực tế chỉ là phần ngọn.

Việc giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh sẽ giải tỏa tâm lý người dân, tránh bị cò mồi lừa đảo. Ảnh minh họa. 

Thứ nhất, phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân nhất là ở vùng nông thôn, miền núi khi đi khám bệnh ở tuyến trung ương. Thực tế, nạn nhân bị lừa đảo, cò mỗi dẫn dắt đều là người dân ở xa về phố khám bệnh, thiếu hiểu biết và bị lừa ngay khi chưa vào bệnh viện.

Thủ đoạn lừa đảo đa số là đánh vào tâm lý người dân là được khám nhanh, chi phí thấp, kỹ thuật cao và được chuyên gia đầu ngành thăm khám. Do nhẹ dạ, cả tin lại sợ mắc bệnh muốn nhanh có kết quả, vào viện chờ đợi lâu vì thế người dân rất dễ bị sập bẫy.

Thứ hai, cần giải quyết vấn đề diễn ra trong nội tại các bệnh viện, đó là thời gian người dân xếp hàng khám, đợi chụp chiếu, đợi đọc kết quả quá lâu nên sốt ruột. Vì thế, khi có lời mời chào hấp dẫn họ rất dễ nghe theo. Do vậy, các bệnh viện cần thay đổi cách quản lý, nên số hóa các thủ tục khám chữa bệnh, đầu tư trang bị và con người, giảm thời gian khám bệnh cho người dân. Thậm chí, nên áp dụng và tuyên truyền khám bệnh không dùng tiền mặt để hạn chế tối đa việc người đi khám bị móc túi hay cò mồi dẫn dắt.

Người dân cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng khi đi khám bệnh để tránh bị cò dẫn dắt. Ảnh minh họa. 

Với người dân trước và trong khi đi khám bệnh cần:

- Tìm hiểu kỹ cơ sở y tế trước khi đi khám bệnh và quy trình, các bước khám chữa bệnh tại cơ sở dự định đến khám;

- Khi đến cơ sở khám chữa bệnh, tuyệt đối không nghe và đi theo đối tượng ở ngoài bệnh viện. Cần lắng nghe thông tin cảnh báo tại loa tuyên truyền hoặc bảng, biển hướng dẫn của bệnh viện.

- Nếu lần đầu tiên đến viện, hãy đến phòng bảo vệ hỏi, nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn;

- Khi vào trong bệnh viện, cần tìm người hướng dẫn mặc đồng phục bệnh viện, có thẻ nhân viên bệnh viện; Không nghe theo người bệnh hay người lạ không có thẻ, đồng phục vì rất có thể là cò mồi giả danh;

- Nếu không biết lấy số tự động, hãy nhờ nhân viên hỗ trợ và hướng dẫn đến phòng bệnh cần khám;

- Đa số các bệnh viện sẽ khám trước, sau đó có chỉ định mới nộp tiền khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu. Vì thế, không nghe theo người lạ nộp số tiền lớn trước khi khám;

- Hãy quan sát biển báo đường dây nóng của bệnh viện và lưu số ngay khi mới đến viện. Hãy gọi ngay các số đường dây nóng để được tư vấn và hướng dẫn nếu gặp sự cố hoặc nghi ngờ bị lừa đảo.

Bạn có thể quan tâm