Quan hệ thân đến mấy, người khôn ngoan cũng hạn chế nói 3 điều này

Học người khôn ngoan bớt nói 3 điều này dù trong mối quan hệ nào, bạn vừa tránh được những muộn phiền và rắc rối không đáng có, vừa có thể sống phần đời còn lại một cách thanh thản và an nhiên.

Người xưa có câu: “Hành sự bất khả nhậm tâm, thuyết thoại bất khả nhậm khẩu” (Làm việc không được theo ý mình, nói năng không được tùy tiện).

Việc bộc lộ bản thân là bản năng của mỗi người. Một chút tự sự vừa đủ có thể giúp tăng cường tình cảm và giúp mọi người hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, điều gì quá cũng không tốt bởi càng phô bày bản thân thái quá, chúng ta càng dễ rước vào mình những rắc rối, hiểm họa và mâu thuẫn.

Trong cuộc sống, nhiều người khi trò chuyện đều coi mình như một ông vua, chỉ muốn kể lể về bản thân và trút bầu tâm sự. Người khôn ngoan khi trò chuyện với người khác sẽ hạn chế nói về 3 điều dưới đây, bất kể mối quan hệ có khăng khít thế nào:

1. Hạn chế kể chuyện riêng trong gia đình

Chuyện gia đình luôn là một chủ đề nhạy cảm và bí mật nhất trong các mối quan hệ xã hội. Dù vậy, nhiều người do có quá nhiều ấm ức, phiền muộn, thậm chí là oán giận chất chứa trong lòng nên không kiềm chế được mà trút hết với bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng trên đời này, có ai thực sự quan tâm đến những chuyện vặt vãnh trong gia đình bạn?

Có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Mỗi gia đình đều có những vấn đề riêng, từ những chuyện nhỏ nhặt không đáng kể đến những vấn đề lớn mà người khác không thể giúp bạn giải quyết. Dù bạn có phàn nàn thế nào, bạn cũng sẽ không có được những thay đổi tích cực?

Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình. Càng kể lể chuyện nhà, bạn càng tự "đào hố chôn mình" và người nhà. Dù bạn nghĩ đó là cách để giải quyết vấn đề, nhưng có thể bạn không biết rằng, người nghe kia rất có thể sẽ kể chuyện riêng tư của bạn cho 10 người, rồi 10 người đó lại kể cho hàng trăm người khác, thậm chí nhân câu chuyện lên trăm lần.

Chuyện nhà luôn là chuyện riêng tư và một khi "vạch áo cho người xem lưng", bạn chỉ chuốc thêm muộn phiền cũng như rắc rối cho bản thân cùng gia đình. Rốt cuộc, sự trút giận của bạn cùng lắm chỉ đổi lại được chút cảm thông rẻ mạt và thậm chí sau lưng, bạn lại trở thành đề tài bàn tán cho họ.

Vì thế, chuyện riêng tư trong gia đình, dù có cũng hãy đóng cửa mà nói. Đó là thể diện của cả gia đình, cũng là giới hạn không thể vượt qua để duy trì sự hòa thuận.

2. Hạn chế nói về khuyết điểm của con cái

Người xưa có câu: "Dạy con trong nội thất, khen con nơi ngoại đình, đó là đạo lý hay để giữ gìn gia đạo".

Là cha mẹ hay đơn giản là người lớn, nếu cứ liên tục chê bai con mình, hay thậm chí là mắng mỏ con người khác, hoặc chỉ trích con cái trước mặt người ngoài thì thật là thiếu giá trị. Thực tế, chỉ một vài câu nói vô ý của người lớn cũng có thể trở thành nỗi đau mãi mãi trong lòng trẻ thơ. Những lời nói tưởng như vô tình ấy lại như những chiếc đinh ghim vào tâm hồn, khiến chúng mỗi khi nghĩ lại trong tương lai đều cảm thấy đau nhói.

Khi tâm trí còn chưa trưởng thành, trẻ thường thiếu sự đánh giá khách quan về mọi thứ, thậm chí dễ bị dẫn dắt sai lệch. Ví dụ, bạn càng chê bai con cái không làm được cái này, không làm được cái kia, chúng sẽ càng nghi ngờ và không dám thử nghiệm. Đáng nói, những thử nghiệm này lại đi theo đúng những gì bạn đã nói, khiến chúng nhất định sẽ đi vào đúng con đường mà bạn đã chỉ ra.

Tuổi trẻ luôn đáng mơ ước vì nó ẩn chứa vô vàn khả năng. Nếu một người cứ lấy giọng điệu của người từng trải để bóp nghẹt khả năng và sức sống của lớp trẻ, đó quả là điều tàn nhẫn và thiếu hiểu biết.

Trong bộ phim “Forrest Gump” có một câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời giống như một hộp sô-cô-la với nhiều hương vị khác nhau, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được viên tiếp theo sẽ có vị gì”.

Đừng chê bai con cái trước mặt người ngoài, cũng không nên nói về khuyết điểm của con người khác. Thay vào đó, hãy thấu hiểu và bao dung hơn. Đồng thời, hãy động viên và hỗ trợ nhiều hơn, để các con có thể ngày càng độc lập và tài giỏi.

3. Hạn chế khoe khoang thế mạnh của bản thân

Có một câu hỏi từng được đưa ra: “Bản chất khác biệt giữa chia sẻ và khoe khoang là gì?”

Một câu trả lời đã chỉ ra bản chất: Chia sẻ là "Tôi có và tôi mong bạn cũng có". Khoe khoang là "Tôi có, nhưng bạn thì không và tôi cũng không muốn bạn có".

Bạn nên biết, một người càng cố tình thể hiện bản thân, cố ý làm nổi bật sự hơn người, thì càng dễ gây ra sự thù địch, chán ghét và ác cảm. Trên thực tế, những người càng trưởng thành về tâm trí, càng đáng tin cậy và đã từng trải qua những thử thách trong cuộc sống, lại càng thích và quen giữ thái độ khiêm tốn, điềm đạm trước đám đông. Bởi đối với họ, việc kể lể về những thế mạnh hay sự giàu có của bản thân trước những người kém hơn mình chỉ khiến đối phương nảy sinh lòng ghen tị, đố kỵ, hận thù. Ngay cả khi đối phương vẫn tươi cười khen ngợi bạn thì trong thâm tâm họ đã cảm thấy khó chịu, thậm chí mong bạn sớm thất bại.

Cuộc sống của một người có tốt đẹp hay không, thực ra không liên quan đến phần lớn những người xung quanh. Thay vì cố gắng thể hiện mình, hãy sống thật với đôi chân trên mặt đất, trở về với thế giới của riêng mình, tập trung trau dồi bản thân và sống một cuộc đời thong dong, bình yên và vững chãi.

Bạn có thể quan tâm