Da ngứa, nổi gân đỏ hay bầm tím bất thường, có thể gan đang "kêu cứu", đây là 4 thói quen tốt bạn nên thực hiện

Nhiều dấu hiệu bất thường trên da có thể là tiếng chuông cảnh báo gan đang "kêu cứu". Nhận diện sớm các biểu hiện này và duy trì lối sống lành mạnh mỗi ngày chính là cách đơn giản nhất để bảo vệ lá gan khỏi tổn thương âm thầm.

4 tín hiệu gan không khoẻ

1. Ngứa da kéo dài không rõ nguyên nhân

Ngứa da là một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy gan đang gặp vấn đề, đặc biệt là trong các bệnh lý như viêm gan hoặc ứ mật. Khi gan không thể lọc sạch chất thải ra khỏi máu, các chất này tích tụ và tác động đến dây thần kinh dưới da, gây cảm giác ngứa ngáy liên tục, nhất là vào ban đêm.

Điều đáng lo là người bệnh thường không có phát ban hay tổn thương da rõ rệt, khiến họ dễ chủ quan. Nếu ngứa da đi kèm với mệt mỏi, vàng da hoặc nước tiểu sẫm màu, bạn nên đi khám gan sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Vàng da, vàng mắt

Vàng da là biểu hiện điển hình khi gan không xử lý được bilirubin – một sản phẩm phụ của quá trình phân huỷ hồng cầu. Bilirubin dư thừa trong máu sẽ khiến da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng. Đây là dấu hiệu thường gặp ở người bị viêm gan virus hoặc tắc nghẽn đường mật.

Ngứa da, vàng da, vàng mắt nhẹ nhưng dai dẳng có thể là dấu hiệu của bệnh gan. (Ảnh minh hoạ).

Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là lời cảnh báo nghiêm trọng rằng chức năng gan đang bị suy giảm. Nếu vàng da đi kèm ngứa, chán ăn, mệt mỏi hoặc sụt cân nhanh, đừng chần chừ kiểm tra gan ngay lập tức.

3. Xuất hiện nốt ruồi hình nhện 

Nốt ruồi hình nhện là những mạch máu nhỏ nổi rõ dưới da, thường xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực hoặc tay. Chúng có hình dáng như con nhện, với chấm đỏ ở trung tâm và các tia tỏa ra xung quanh. Dấu hiệu này thường xuất hiện khi gan bị tổn thương, dẫn đến rối loạn nội tiết, đặc biệt là tăng estrogen trong máu.

Đây là triệu chứng phổ biến ở người bị xơ gan, nhất là xơ gan do rượu. Nếu cơ thể xuất hiện nhiều nốt ruồi hình nhện kèm theo mệt mỏi và vàng da, rất có thể gan đang suy yếu nghiêm trọng.

4. Dễ chảy máu hoặc bầm tím

Gan là nơi tổng hợp phần lớn các protein tham gia vào quá trình đông máu. Khi gan bị tổn thương, khả năng tạo ra các yếu tố này bị suy giảm, khiến cơ thể dễ bị chảy máu bất thường dù chỉ là vết thương nhỏ hoặc va chạm nhẹ. Một số người còn xuất hiện vết bầm tím tự nhiên mà không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, chảy máu cam, chảy máu chân răng hay kinh nguyệt kéo dài cũng có thể liên quan đến chức năng gan suy yếu. 

Khi gan yếu, mọi vết thương nhỏ cũng trở nên nghiêm trọng hơn. (Ảnh minh hoạ).

Thói quen giúp gan khoẻ mỗi ngày

Nếu gan có thể “nói”, hẳn nó sẽ xin bạn vài điều rất đơn giản dưới đây:

1. Ăn uống khoa học, hạn chế dầu mỡ

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là "lá chắn" đầu tiên bảo vệ gan khỏi tổn thương. Hãy ưu tiên rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên cám và các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như nghệ, tỏi, trà xanh.

Đồng thời, hạn chế thực phẩm chiên xào, đồ ngọt, thức ăn nhanh và thịt đỏ vì chúng làm gan phải hoạt động quá tải để xử lý chất béo và chất thải. Bổ sung đủ nước cũng giúp gan thải các chất thải tốt hơn. Việc ăn uống điều độ, đúng giờ, tránh bỏ bữa cũng góp phần duy trì chức năng gan ổn định lâu dài.

2. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày

Tập luyện thể thao không chỉ tốt cho tim mạch mà còn hỗ trợ gan hoạt động hiệu quả hơn. Vận động giúp cải thiện lưu thông máu, giảm mỡ trong gan và phòng tránh béo phì – nguyên nhân chính gây gan nhiễm mỡ và xơ gan.

Bạn không cần tập quá nặng, chỉ cần duy trì thói quen đi bộ nhanh, chạy nhẹ, yoga hoặc đạp xe ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng đủ giúp gan “dễ thở” hơn. Điều quan trọng là đều đặn, không bỏ tập giữa chừng và chọn bài tập phù hợp thể trạng.

Gan khoẻ một phần là nhờ bạn chịu khó vận động. (Ảnh minh hoạ).

3. Hạn chế rượu bia 

Rượu bia là chất gây hại lớn nhất của gan. Chất cồn khiến tế bào gan bị hỏng nhanh chóng, gây viêm gan, xơ gan, thậm chí các trường hợp nặng hơn nếu sử dụng kéo dài.

Ngoài ra, thuốc lá, cà phê liều cao và một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm không kê đơn cũng gây áp lực lớn lên gan. Hãy hạn chế tối đa những chất này, hoặc tuyệt đối tránh xa nếu có dấu hiệu tổn thương gan trước đó. Gan là cơ quan thầm lặng, nhưng một khi đã “kêu cứu” thường là lúc nó đã quá tải.

4. Quản lý căng thẳng và ngủ đủ giấc

Ít ai biết rằng, căng thẳng kéo dài cũng có thể gây hại cho gan. Stress làm rối loạn nội tiết, thúc đẩy phản ứng viêm và tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, tất cả đều ảnh hưởng xấu đến gan. Thiếu ngủ, ngủ muộn còn làm suy giảm khả năng thanh lọc của gan, đặc biệt vào khoảng 1-3h sáng, thời điểm gan hoạt động mạnh nhất.

Hãy tập thiền, hít thở sâu, nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Một tinh thần bình an chính là liều thuốc vô hình để gan khỏe mạnh lâu dài.

Bạn có thể quan tâm