Chuyên gia cảnh báo về đột quỵ ở người trẻ

Trước đây, đột quỵ thường được xem là bệnh của người lớn tuổi, nhưng hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ đang gia tăng một cách đáng báo động.

Liên tiếp nhiều ca đột quỵ
Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận hơn 10 ca đột quỵ ở người trẻ, bao gồm cả nhồi máu não và chảy máu não.
Sáng ngày 27/2, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và can thiệp thành công cho người bệnh P.H.S, 21 tuổi, có tiền sử tim bẩm sinh, bị đột quỵ nhồi máu não do tắc động mạch não giữa phải.
Theo lời kể của gia đình, tối ngày 26/2, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, đến khoảng 2h sáng ngày 27/2, người bệnh cảm thấy yếu một nửa người. Đến sáng, tình trạng không cải thiện, gia đình đã đưa người bệnh đến Trung tâm y tế huyện Yên Lập.
Tại đây, người bệnh được chẩn đoán: Đột quỵ não cấp/ tim bẩm sinh. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, quyết định chuyển thẳng người bệnh đến Trung tâm khi đã ở giờ thứ 10 kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Khi nhập viện, người bệnh trong tình trạng tỉnh chậm, Glasgow 14 điểm, nói ú ớ, liệt nửa người trái với cơ lực 0/5. Người bệnh đã được khám cấp cứu, chụp CT sọ não có dựng hình mạch máu não: Hình ảnh nhồi máu não do tắc động mạch não giữa bên phải.
Thời gian vàng để can thiệp tái thông mạch máu não là 6 giờ. Mặc dù thời điểm nhập viện là giờ thứ 10, nhưng các bác sĩ nhận định: Người bệnh tắc động mạch lớn, tuổi còn quá trẻ, nhu mô não tiên lượng còn cứu được tối đa.
Ngay lập tức kíp can thiệp hội chẩn và chỉ định cấp cứu can thiệp mạch lấy huyết khối. Chỉ sau 30 phút kể từ khi nhập viện, người bệnh đã được đưa lên phòng can thiệp lấy huyết khối mạch não.
Chuyen gia canh bao ve dot quy o nguoi tre
 
Sau 15 phút can thiệp, ê-kíp đã lấy ra 2 mảnh huyết khối, giúp mạch máu não của người bệnh tái thông hoàn toàn. Nhờ nỗ lực và quyết tâm của các bác sĩ và gia đình, người bệnh đã có những cải thiện tích cực ngay sau can thiệp: Ý thức cải thiện hơn, phản ứng tốt hơn và có thể trả lời chính xác câu hỏi.
Hiện tại, sau 24 giờ can thiệp, người bệnh tỉnh, Glasgow 15 điểm, nói rõ tiếng và có thể tự thực hiện được 1 số sinh hoạt cá nhân cơ bản.
Theo BS. Khổng Hữu Phú – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh P. H.S là một trong rất nhiều trường hợp bị đột quỵ khi tuổi vẫn còn trẻ. Từ đầu năm 2025, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận hơn 10 ca đột quỵ ở người trẻ, bao gồm cả nhồi máu não và chảy máu não.
Đặc biệt, ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vẫn có nhiều người bệnh phải cấp cứu vì đột quỵ, như trường hợp người bệnh 31 tuổi ở Yên Lập bị đột quỵ nhồi máu tắc mạch lớn khi tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh.
Khoảng 6h sáng, sau khi ngủ dậy, người bệnh bị choáng váng ngã trong nhà vệ sinh. Sau ngã, người bệnh liệt 1/2 người phải, được gia đình đưa vào cấp cứu.
Chuyen gia canh bao ve dot quy o nguoi tre-Hinh-2
 
Cảnh báo quan trọng về đột quỵ ở người trẻ
Trước đây, đột quỵ thường được xem là bệnh của người lớn tuổi, nhưng hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ đang gia tăng một cách đáng báo động. Nguyên nhân chính đến từ lối sống thiếu lành mạnh như: Căng thẳng kéo dài, chế độ ăn uống không khoa học, lạm dụng rượu bia, thuốc lá và ít vận động. Ngoài ra, các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu cũng là yếu tố nguy cơ đáng lo ngại.
Người bệnh bị đột quỵ nếu phát hiện và điều trị muộn, không được cấp cứu trong “giờ vàng” (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ) thì cơ hội phục hồi rất khó khăn. Không ít người đã phải gánh chịu những di chứng nặng nề, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, nặng hơn nữa là mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chuyen gia canh bao ve dot quy o nguoi tre-Hinh-3
 Người bệnh đã có thể đứng lên sau can thiệp 10 tiếng đồng hồ - Ảnh BVCC
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như: Yếu liệt nửa người, méo miệng, nói khó hoặc không nói được, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột, đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân,… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên môn về đột quỵ ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, người trẻ cần lưu ý duy trì lối sống khoa học, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng kéo dài, ăn nhiều rau củ quả và trái cây, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol và chất béo; giảm hoặc không uống rượu, bia, đồ uống có cồn… Đồng thời, tạo dựng thói quen nói không với các chất kích thích, thường xuyên tập thể dục thể thao, khám và điều trị các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường…
3 dấu hiệu điển hình nhận biết sớm đột quỵ
Dấu hiệu trên khuôn mặt: Nếu góc miệng (khóe miệng) của người bệnh khi nói, cười bị lệch, méo miệng hoặc chảy nước khi uống nước thì cần nghĩ ngay đến đột quỵ.
Dấu hiệu ở các chi: Tay chân bên phải hoặc trái bị yếu liệt hoặc tê bì.
Dấu hiệu ngôn ngữ, lời nói: Nói khó hơn so với bình thường, phát ngôn khó, hoặc không phát ngôn được.

Lạc bước giữa vườn hoa lê đẹp như cổ tích ở Na Hang

Tháng 3 về hoa lê bung nở trắng muốt tại nhiều bản làng ở Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang), tạo nên khung cảnh nên thơ, mơ mộng, thu hút du khách thập phương.

Lac buoc giua vuon hoa le dep nhu co tich o Na Hang
 Nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển,  xã Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang)  được ví như Sa Pa thứ 2 của miền Bắc. Đặc biệt, sở hữu một vườn lê rộng khoảng trên 90 ha với 164 hộ trồng lê. Ảnh Trung Hiếu
Lac buoc giua vuon hoa le dep nhu co tich o Na Hang-Hinh-2
Tháng 3 về, vườn lê cổ thụ mọc trên sườn dốc thoải nở hoa trắng muốt, đẹp mộng mơ khiến hàng ngàn người ghé thăm nơi đây đều động lòng.  Ảnh Trung Hiếu

Chế độ dinh dưỡng giúp phòng đột quỵ trong mùa đông

Dưới đây là một số nguyên tắc vàng trong ăn uống giúp phòng ngừa đột quỵ trong mùa đông.

Đột quỵ là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Khi đó, các tế bào não sẽ nhanh chóng chết hàng loạt do không được cung cấp máu chứa dinh dưỡng và oxy. Đột quỵ càng để lâu thì càng nguy hiểm tính mạng. Do đó, người bệnh cần được cần cứu kịp thời.

Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do hội chứng Guillain - Barre

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) vừa cấp cứu kịp thời cho một nam bệnh nhân bị vết thương ở mạch máu cổ cực kỳ nguy hiểm.

Theo VTV, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa kịp thời cứu sống bệnh nhân L.T.T., 70 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú thoát khỏi cơn nguy kịch và hồi phục gần như hoàn toàn.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu liệt tứ chi tiến triển nhanh, rối loạn nuốt. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng Guillain - Barre N2 (viêm đa dây thần kinh cấp tính), kèm tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não, rối loạn chuyển hóa lipid và rối loạn giấc ngủ.

Nhận định đây là ca bệnh nguy hiểm, bệnh nhân có nguy cơ bị suy hô hấp nên BSCKI. Nguyễn Đình Thái, Trưởng khoa Nội thần kinh đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục cận lâm sàng, phối hợp cùng khoa Hồi sức tích cực chống độc triển khai phương án thay huyết tương cấp cứu cho bệnh nhân.

Cuu song benh nhan nguy kich do hoi chung Guillain - Barre
 Bác sĩ Nguyễn Đình Thái, Trưởng khoa Nội thần kinh thăm khám cho bệnh nhân sau nhiều ngày được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, khoa Huyết học - Truyền máu của bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với Khoa Huyết học - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiến hành thay huyết tương cho bệnh nhân liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày truyền 20 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh. Đây là phương pháp điều trị quan trọng, giúp loại bỏ các kháng thể tấn công hệ thần kinh, ngăn chặn tình trạng liệt tiến triển...

Sau 5 ngày được chăm sóc, điều trị tích cực, bệnh nhân dần phục hồi, có thể cử động tay chân, cải thiện chức năng nuốt và giao tiếp tốt hơn. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn và sẽ sớm được xuất viện.

BS.CKI Nguyễn Đình Thái cho biết: Thay huyết tương là quá trình thay thế lượng huyết tương trong cơ thể người bệnh bằng lượng tương đương từ nguồn huyết tương khác. Thông qua hệ thống máy lọc, máu sẽ được dẫn ra ngoài để loại bỏ huyết tương cũ thay thế bằng dung dịch albumin hoặc huyết tương mới, với mục đích loại bỏ các kháng thể gây bệnh.

Hội chứng Guillain - Barré là một chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng hiếm gặp, diễn tiến rất nhanh. Đây là một bệnh tự miễn dịch, ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại vi, có thể dẫn đến suy nhược và tê liệt cơ thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Theo Bệnh viện Vinmec, biểu hiện lâm sàng của hội chứng Guillain-Barre (bệnh dây thần kinh ngoại biên do tự miễn) bao gồm: Ngứa hay mất cảm giác trên vùng ngón tay, ngón chân hoặc cả hai; Xuất hiện điểm yếu hay cảm giác ngứa ran ở chân lan ra trên cơ thể; Đi bộ không ổn định hoặc không còn khả năng đi bộ; Gặp khó khăn với những chuyển động của mắt, cử động trên khuôn mặt, nói, nhai, nuốt, cười; Vùng lưng dưới đau dữ dội; Gặp khó khăn trong kiểm soát bàng quang hoặc các chức năng đường ruột; Chậm nhịp tim hoặc huyết áp thấp; Tình trạng khó thở.

Hầu hết những người bị hội chứng Guillain - Barre có triệu chứng xuất hiện điểm yếu của họ trong thời gian ba tuần sau khi các triệu chứng bắt đầu. Trong một số trường hợp, dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Guillain - Barre có thể tiến triển rất nhanh với tình trạng tê liệt hoàn toàn hai chân, cánh tay và cơ hô hấp trong suốt vài giờ đồng hồ. Các biểu hiện của hội chứng Guillain - Barre đạt đến một cao nguyên và duy trì ổn định trong vòng 2 - 4 tuần. Tuy nhiên, giai đoạn phục hồi bắt đầu, thường kéo dài từ sáu đến 12 tháng.