Cây dại mọc bờ bụi xưa dành cho "người nghèo", nay thành đặc sản ở thành phố có hương vị đặc biệt, tốt cho sức khỏe

Từng bị xem là loại cỏ dại mọc bờ bụi, gắn với hình ảnh “rau nhà nghèo”, cây mã đề nay lại gây bất ngờ khi trở thành đặc sản được săn lùng ở thành phố. Không chỉ mang lại hương vị thanh mát, dễ ăn trong các món canh, luộc, xào…, loại rau dân dã này còn được đánh giá cao nhờ nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Cây mã đề, còn được gọi là xa tiền thảo, có tên khoa học là Plantago asiatica, thuộc họ Mã đề (Plantaginaceae). Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm, cao khoảng 10–15 cm, dễ nhận biết nhờ đặc điểm: lá mọc sát mặt đất thành cụm, cuống dài, phiến lá hình bầu dục có gân song song. Hoa mọc thành bông dài, nhỏ li ti, thường thấy vào mùa hè.

Mã đề phân bố phổ biến ở nhiều vùng châu Á, trong đó có Việt Nam, thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm như bờ ruộng, ven đường, vườn nhà. Cây có sức sống mạnh mẽ, không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt, dễ nhân giống bằng cả hạt và nhánh.

Mã đề có vị ngọt nhẹ, hơi the, tính mát. Lá non khi nấu lên mềm, có độ nhớt nhẹ, mang đến cảm giác thanh đạm, dễ chịu khi ăn. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, dùng mã đề trong các món canh hoặc luộc giúp giải nhiệt, tiêu độc rất tốt.

Loại rau dân dã này còn giàu chất xơ, vitamin C, kali và các hoạt chất kháng viêm, lợi tiểu, được Đông y sử dụng từ lâu như một vị thuốc giúp chữa nhiều bệnh thông thường như viêm đường tiết niệu, tiêu hóa kém, ho có đờm, nóng gan, mẩn ngứa...

Không chỉ được biết đến như một loại dược liệu dân gian, cây mã đề còn được sử dụng trong ẩm thực với nhiều món ăn đơn giản mà ngon miệng. Phổ biến nhất là canh mã đề nấu thịt băm – món ăn thanh mát, vị ngọt nhẹ, rất phù hợp trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra, người nội trợ còn kết hợp mã đề với xương hầm, tôm hoặc cua, tạo nên những bát canh đậm đà, bổ dưỡng, giàu dinh dưỡng và có tác dụng giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa.

Không chỉ nấu canh, mã đề còn được luộc chấm mắm, xào tỏi hoặc xào với trứng, mỗi cách chế biến đều mang lại một hương vị riêng. Tại một số vùng quê, người dân còn dùng lá mã đề non ăn sống hoặc làm rau ghém trong bữa cơm hàng ngày. 

Hiện nay, cây mã đề không chỉ còn xuất hiện ở nông thôn mà đã được mang vào thành phố, trở thành một loại rau đặc sản được bày bán trên chợ mạng và cửa hàng nông sản sạch. Rau mã đề tươi: từ 55.000 – 70.000 đồng/kg; Mã đề khô (dùng làm thuốc hoặc nấu nước uống): khoảng 120.000 – 130.000 đồng/kg.

Tác dụng chữa bệnh của cây mã đề

Chữa bệnh về thận và đường tiết niệu

Cây mã đề từ lâu đã được y học cổ truyền sử dụng như một vị thuốc quý hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến thận và hệ tiết niệu. Với tính hàn, vị ngọt, mã đề có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu tự nhiên, giúp làm sạch đường tiết niệu, giảm viêm, tiêu sưng và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, loại cây này thường được dùng để hỗ trợ điều trị viêm cầu thận cấp tính và mãn tính, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, hay các chứng bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt. Trong dân gian, nước sắc mã đề được xem là bài thuốc đơn giản nhưng hiệu quả cho những người thường xuyên gặp tình trạng tiểu khó hoặc tiểu ra máu do nóng trong người.

Tác dụng với hệ tiêu hóa

Ngoài tác dụng lợi tiểu, mã đề còn hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Với đặc tính làm mát và chống viêm, mã đề thường được sử dụng để giảm triệu chứng tiêu chảy, lỵ cấp và mãn tính, đặc biệt ở trẻ em hoặc người già có hệ tiêu hóa yếu. Bên cạnh đó, hoạt chất trong cây mã đề giúp bảo vệ niêm mạc ruột, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn và cải thiện chức năng hấp thu của đường ruột. Một số bài thuốc dân gian còn kết hợp mã đề với gừng hoặc vỏ quýt khô để tăng hiệu quả điều trị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu.

Hỗ trợ điều trị bệnh gan, mật và phổi

Với tính mát, thanh nhiệt, cây mã đề rất phù hợp để giải độc gan, làm mát gan và giảm tình trạng nóng trong. Những người thường xuyên nổi mụn do gan nhiệt, hay gặp tình trạng nước tiểu vàng đậm, hơi thở hôi... có thể dùng mã đề nấu nước uống hàng ngày để cải thiện. Không chỉ vậy, mã đề còn có tác dụng trong điều trị ho khan, ho có đờm, viêm phế quản nhờ khả năng tiêu đờm và làm dịu cổ họng. Ngoài ra, cây cũng được dùng để hỗ trợ tăng tiết mật, kích thích hoạt động của hệ gan mật, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Công dụng khác trong đời sống

Không dừng lại ở đó, mã đề còn có nhiều công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý thông thường khác. Chẳng hạn, dùng nước mã đề có thể giúp giảm huyết áp, hỗ trợ người bị cao huyết áp nhẹ. Cây còn giúp ngăn ngừa chảy máu cam, giảm tình trạng sốt xuất huyết, trị tróc lở da ở trẻ nhỏ, hoặc dùng ngoài da để giảm ngứa, làm lành vết thương. Một số bài thuốc cổ còn dùng mã đề kết hợp với các dược liệu khác để ngăn rụng tóc, hỗ trợ điều trị gàu và một số vấn đề về da liễu.

Lưu ý khi sử dụng

Không sử dụng cho phụ nữ có thai bởi tính hàn trong cây mã đề sẽ không tốt cho thai nhi.

Với tính lợi tiểu nên cần tránh sử dụng cho người già thận yếu, những người hay đi tiểu về đêm. Cùng với đó, trẻ nhỏ nếu sử dụng cũng sẽ có tình trạng đái dầm vào ban đêm.

Cần tìm hiểu và sử dụng đúng cây mã đề có tác dụng chữa bệnh để tránh nhầm với cây mã đề nước dùng làm cảnh.

Với các thông tin về cây mã đề trên đây hy vọng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin để sử dụng chúng có hiệu quả nhất. Cùng với đó hãy tham khảo đầy đủ các thông tin cũng như căn cứ tình trạng bệnh, liên hệ với các cơ sở y tế để lựa chọn được các bài thuốc cụ thể và quyết định có nên sử dụng hay không.

Bạn có thể quan tâm