Rối loạn chuyển hoá là gì?
Rối loạn chuyển hoá là thuật ngữ chỉ nhóm các bệnh lý liên quan đến sự rối loạn trong quá trình chuyển hoá các chất trong cơ thể, bao gồm đường, mỡ và axit uric. Những rối loạn phổ biến như: Tăng đường huyết (tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường type 2), rối loạn lipid máu (tăng triglyceride, LDL-C và giảm HDL-C), tăng huyết áp và béo phì vùng bụng.
Hội chứng chuyển hoá là tập hợp của những rối loạn trên và thường là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh lý tim mạch và gan mạn tính.

Mối liên hệ giữa rối loạn chuyển hoá và chức năng gan
Gan đóng vai trò trung tâm trong chuyển hoá glucose, lipid và protein. Khi các quá trình này bị rối loạn, gan là một trong những cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng:
Gan nhiễm mỡ không do rượu: Là hậu quả phổ biến nhất của rối loạn chuyển hoá. Khi lượng mỡ tích tụ trong gan vượt quá khả năng xử lý, các tế bào gan bị tổn thương, dẫn đến viêm gan và có thể tiến triển thành xơ gan. Đây đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh gan mạn tính trên toàn cầu.
Tăng đề kháng insulin: Trong hội chứng chuyển hoá, tình trạng đề kháng insulin làm gan tăng sản xuất glucose và tích tụ mỡ, gây ra gan nhiễm mỡ, làm rối loạn chức năng gan.
Rối loạn lipid máu: Khi triglyceride và cholesterol tăng cao, gan phải làm việc quá mức để chuyển hoá lipid. Tình trạng này dễ làm tổn thương tế bào gan, thúc đẩy viêm và tạo điều kiện cho quá trình xơ hoá gan.
Tăng axit uric: Đây cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy viêm nhiễm và tổn thương tế bào gan thông qua việc kích thích phản ứng oxy hoá và tổn thương nội mô mạch máu gan.
Hậu quả lâu dài đối với gan
Khi rối loạn chuyển hoá không được kiểm soát hiệu quả, chức năng gan sẽ suy giảm rõ rệt:
Viêm gan mạn tính: Quá trình viêm kéo dài do tích tụ mỡ và các yếu tố viêm gây hoại tử tế bào gan.
Xơ gan: Là giai đoạn muộn của gan nhiễm mỡ và viêm gan. Tình trạng xơ hoá làm gan mất chức năng chuyển hoá, thải độc và có thể dẫn tới suy gan hoặc ung thư gan.
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC): NAFLD và xơ gan do rối loạn chuyển hoá là yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn tới ung thư gan nguyên phát.
Biện pháp phòng ngừa và cải thiện chức năng gan
Chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế đường tinh luyện, chất béo bão hoà; tăng cường rau xanh, chất xơ và thực phẩm giàu omega-3.
Vận động thể chất đều đặn: Ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần giúp cải thiện chuyển hoá insulin và giảm mỡ gan.
Kiểm soát cân nặng: Duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức hợp lý để giảm gánh nặng cho gan.
Khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra men gan, mỡ máu, đường huyết và siêu âm gan để phát hiện sớm các bất thường.
Tuân thủ điều trị các bệnh nền: Như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu để ngăn ngừa tổn thương gan.