Muốn tự sát, trầm cảm nặng vì rối loạn cương dương
Bệnh nhân Hồ Văn Th., 42 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn chán, có ý muốn tự sát. Anh Th. có tiền sử công việc căng thẳng, thường xuyên làm việc đêm và uống nhiều cà phê.
Khoảng gần 2 năm trước, anh nhận thấy mình ít quan hệ với vợ hơn và bắt đầu gặp khó khăn trong việc cương cứng. Anh đã tự ý mua thực phẩm chức năng và thấy có cải thiện ban đầu.
Tuy nhiên, khoảng 1 năm gần đây, tình trạng sức khỏe tâm thần của bệnh nhân xấu đi rõ rệt: Rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon, sút 3kg trong 4 tháng, luôn cảm thấy chán nản, giảm tự tin, cuộc sống trở nên vô nghĩa.
Kéo theo đó là sự giảm sút nghiêm trọng hứng thú và khả năng quan hệ tình dục, số lần quan hệ giảm đáng kể và hầu như không còn cương dương được.
Bệnh nhân ban đầu được chẩn đoán "Giai đoạn trầm cảm vừa có triệu chứng cơ thể" và điều trị ngoại trú. Sau đó, anh Th. được nhập viện Sức khỏe Tâm thần và chẩn đoán theo dõi "Giai đoạn trầm cảm nặng không có các triệu chứng loạn thần có ý tưởng hành vi tự sát".
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã cởi mở chia sẻ về vấn đề giảm ham muốn tình dục và không cương dương được. Kết quả trắc nghiệm tâm lý cho thấy chỉ số IIEF-5 là 11 điểm (xếp vào mức rối loạn cương dương vừa-nặng) và ASEX 28 điểm (rối loạn tình dục nặng).
Khi xuất viện, bệnh nhân được cập nhật chẩn đoán: "Giai đoạn trầm cảm nặng không có loạn thần/ Rối loạn cương dương". Đơn thuốc bao gồm thuốc chống trầm cảm kết hợp với thuốc điều trị rối loạn cương dương.
Đồng thời, bệnh nhân được chỉ định trị liệu tâm lý cá nhân ngoại trú 1-2 lần/tuần và được tư vấn thay đổi lối sống: Tập thể dục đều đặn tối thiểu 30 phút/ngày, giảm caffeine, ngừng sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Gia đình bệnh nhân cũng được hướng dẫn theo dõi sát sao 24/24 giờ.
Sau 3 tuần tái khám, bệnh nhân được vợ đưa đến. Tình trạng khí sắc đã khá hơn, vận động và giao tiếp tốt hơn, dù chưa đi làm lại. Bệnh nhân không còn ý tưởng tự sát, ăn ngủ tốt. Điều đáng mừng là anh đã có thể quan hệ tình dục trở lại với vợ, có cương cứng được, mặc dù vẫn còn một chút lo lắng về khả năng duy trì.

Trường hợp lâm sàng này là minh chứng rõ ràng cho mối liên hệ chặt chẽ giữa rối loạn cương dương (RLCD) và các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm. Việc điều trị đồng thời cả hai tình trạng là yếu tố then chốt để đạt được hiệu quả toàn diện và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Những con số không thể bỏ qua, ai là người có thể mắc?
Trao đổi về vấn đề này, BSCKII. Trần Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), RLCD là tình trạng người bệnh không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng đủ để thực hiện quá trình giao hợp một cách nhất quán trong ít nhất 3 tháng liên tục, trừ khi có nguyên nhân rõ ràng như chấn thương hoặc phẫu thuật.
Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về rối loạn chức năng tình dục (IASD2) tại Paris năm 2004 cũng nhấn mạnh RLCD là “tình trạng thường xuyên không đạt được hay duy trì sự cương cứng của dương vật để đạt được một lần quan hệ tình dục thỏa mãn”.
Từ năm 1997, Hội Nam học Thế giới đã thống nhất sử dụng thuật ngữ "rối loạn cương dương" thay cho các cụm từ cũ như "bất lực" hay "liệt dương", nhằm giảm nhẹ sự kỳ thị và khuyến khích nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ.
BSCKII. Trần Thị Thu Hà đánh giá, RLCD là một vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc đáng báo động. Dự báo cho thấy số nam giới mắc RLCD sẽ tăng từ 152 triệu vào năm 1995 lên 322 triệu vào năm 2025.
Tỷ lệ mắc RLCD trên thế giới dao động từ 3% đến 76,5% và có xu hướng tăng rõ rệt theo tuổi. Cụ thể, tỷ lệ này là 9,1-49,9% ở người dưới 50 tuổi và có thể lên đến 54,9-94,7% ở người trên 70 tuổi.
Các nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ mắc RLCD khá cao. Một khảo sát tại Huế (2017) trên 746 nam giới từ 20-60 tuổi ghi nhận tỷ lệ 66,9%. Nghiên cứu tại TP.HCM (2014) trên 151 nam giới mắc tiểu đường cũng cho thấy con số đáng lo ngại là 83,7%.
Đặc biệt, RLCD cũng rất phổ biến ở những người mắc các rối loạn tâm thần, cụ thể:
Tâm thần phân liệt: Tỷ lệ mắc gộp toàn cầu là 56,4%, trong đó RLCD là rối loạn chức năng tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (44%).
Trầm cảm: Tỷ lệ RLCD ở người trầm cảm dao động từ 45% đến 93%, và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng trầm cảm thường tương quan trực tiếp với mức độ nghiêm trọng của RLCD.
Lo âu: Tỷ lệ từ 33% đến 75%.
Rối loạn sử dụng chất: Ví dụ, ở bệnh nhân đang điều trị duy trì bằng methadone, tỷ lệ RLCD là 55,7%, với lo âu và các triệu chứng loạn thần là những yếu tố góp phần quan trọng.
Chẩn đoán kép (rối loạn tâm thần kết hợp nghiện chất): Nguy cơ mắc RLCD ở nhóm này cao hơn đáng kể.