Cá từ lâu đã được xem là “vua của các loại đạm”, vừa dễ tiêu hóa, vừa giàu omega-3 tốt cho tim mạch và trí não. Nhiều gia đình chọn cá làm món ăn chính trong bữa cơm hàng ngày vì giá cả phải chăng, chế biến đơn giản và đa dạng. Tuy nhiên, không phải loại cá nào cũng tốt cho sức khỏe. Nguyên nhân không chỉ đến từ loại cá được chọn mà còn do cách bảo quản, chế biến và nguồn gốc không rõ ràng. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 3 loại cá người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua.
1. Cá ăn thịt kích thước lớn
Các loài cá ăn thịt có kích thước lớn như cá thu, cá kiếm, cá ngừ đại dương,… thường đứng đầu chuỗi thức ăn nên dễ tích tụ kim loại nặng, đặc biệt là thủy ngân. Ăn một lần có thể không sao, nhưng nếu dùng thường xuyên, thủy ngân sẽ âm thầm xâm nhập vào cơ thể, gây tổn thương thần kinh, ảnh hưởng não bộ, gan và thận.
Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ càng dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói, đây lại là những loại cá được quảng cáo giàu dinh dưỡng, giá cả lại khá “mềm” khi được bán đông lạnh hoặc đóng hộp. Người tiêu dùng nên hạn chế ăn các loại cá kích thước lớn, thay vào đó nên chọn cá nhỏ, ngắn ngày, ít nguy cơ tích tụ các chất gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

Các loài cá ăn thịt kích thước lớn, có nguy cơ chứa thủy ngân vượt ngưỡng. (Ảnh minh hoạ).
2. Cá biển đông lạnh lâu
Cá biển là nguồn cung cấp chất béo omega-3 tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu bảo quản không đúng cách hoặc đông lạnh quá lâu, lượng chất béo này sẽ bị oxy hóa, tạo thành các hợp chất có hại cho gan và tim mạch. Không ít loại cá đông lạnh giá rẻ trôi nổi trên thị trường đã quá hạn sử dụng hoặc được trữ đông trong điều kiện không đảm bảo, bốc mùi tanh bất thường nhưng vẫn được đưa vào tiêu thụ.
Người mua thường không để ý vì lớp đá phủ ngoài che lấp tình trạng thực tế bên trong. Để bảo vệ sức khỏe, nên ưu tiên cá tươi sống hoặc chọn mua ở nơi uy tín, có ghi rõ ngày cấp đông và hạn sử dụng.
3. Cá nước ngọt không rõ nguồn gốc
Cá rô phi, cá trê, cá quả, cá lóc,… được bán đầy chợ với giá rẻ bất ngờ, đặc biệt là tại các vùng quê hoặc khu chợ dân sinh. Tuy nhiên, nếu những loại cá nước ngọt này được nuôi trong môi trường bẩn, không kiểm soát được nguồn nước hay thức ăn, chúng rất dễ nhiễm ký sinh trùng như sán lá gan, sán dây, giun đầu gai. Việc ăn sống, tái hoặc chế biến không kỹ lại càng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Có những loại ký sinh trùng không gây triệu chứng ngay, nhưng sau thời gian dài sẽ dẫn đến viêm gan, tắc mật,... Người tiêu dùng nên tránh ăn các loại cá rẻ bất thường, không rõ nơi nuôi trồng, đặc biệt cảnh giác với những loại cá được làm sạch sẵn, đã qua tẩm ướp hoặc để lâu ngoài chợ.

Cá nước ngọt không rõ nguồn gốc,dễ nhiễm ký sinh trùng. (Ảnh minh hoạ).
Ăn cá thế nào để an toàn, không rước bệnh vào người?
- Chọn cá tươi, rõ nguồn gốc: Ưu tiên mua cá còn sống hoặc cá mới làm, có mắt trong, mang đỏ, không có mùi lạ. Tránh mua cá quá rẻ, cá đông lạnh lâu ngày, không ghi rõ nơi nuôi trồng hay hạn sử dụng.
- Tuyệt đối không ăn cá sống, tái, gỏi: Dù là cá nước ngọt hay cá biển, việc ăn sống hoặc chưa nấu chín kỹ đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn và virus gây hại.
- Nấu chín kỹ, tránh các món nướng tái: Cá cần được nấu đến nhiệt độ ít nhất 63°C để tiêu diệt mầm bệnh. Món nướng cần đảm bảo chín đều cả trong lẫn ngoài, tránh tình trạng bên ngoài cháy mà bên trong còn sống.

Cá là “món quà” dinh dưỡng từ thiên nhiên, nhưng cũng có thể trở thành “gánh nặng” cho sức khỏe nếu người tiêu dùng chủ quan. (Ảnh minh hoạ).
- Bảo quản đúng cách: Nếu không ăn ngay, nên cấp đông ở nhiệt độ -18°C và chỉ rã đông một lần duy nhất. Cá để lâu trong ngăn mát dễ bị phân hủy, oxy hóa chất béo gây hại cho sức khỏe.
- Không dùng dầu chiên đi chiên lại: Khi rán cá, cần thay dầu sau mỗi lần sử dụng. Dầu chiên cũ bị oxy hóa, sinh ra các chất gây hại cho gan và tim mạch.
- Hạn chế ăn cá biển cỡ lớn thường xuyên: Các loài cá ăn thịt kích thước lớn như cá ngừ đại dương, cá thu, cá kiếm… nên ăn với tần suất vừa phải (1–2 lần/tháng) để giảm nguy cơ nhiễm thủy ngân.
- Không tẩm ướp quá nhiều gia vị để che mùi: Một số loại cá bị hỏng được tẩm ướp nhiều để đánh lừa vị giác. Cần cảnh giác với cá có mùi lạ nhưng được tẩm màu, ướp cay nồng.