Triệt phá đường dây sản xuất cồn y tế giả ở Hà Tĩnh

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán cồn y tế giả quy mô lớn trên địa bàn toàn quốc.

Ngày 15/7, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này vừa triệt phá đường dây sản xuất cồn y tế giả chứa chất độc hại, phân phối tại nhiều tỉnh, thành.

Trước đó, đầu năm 2025, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một đường dây sản xuất cồn y tế giả do nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (nay là xã Chương Mỹ, TP Hà Nội) cầm đầu.

base64-17525529738891421522740.jpg
Nguyễn Văn Diễn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Vật tư Y tế An Bình làm việc với cơ quan Công an.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, ngày 5/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (PC03 - Công an Hà Tĩnh) kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn, phát hiện hơn 2.000 chai cồn Ethanol 70 và 90 độ mang nhãn hiệu Ngân Hà có dấu hiệu giả mạo, sản xuất từ nguyên liệu không đảm bảo.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng khám xét xưởng sản xuất của Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà tại xã Thanh Oai (TP Hà Nội), thu giữ thêm 13.812 chai cồn thành phẩm.

Kết quả giám định cho thấy toàn bộ số sản phẩm này được pha chế từ cồn công nghiệp chứa hàm lượng Methanol cao – chất cực độc nếu hít, tiếp xúc hoặc sử dụng, có thể gây mù lòa, tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong.

base64-17525527233551367720131.jpg
Cơ quan Công an kiểm tra Công ty Dược phẩm Ngân Hà.

Dù Phạm Đình Dũng (SN 1986) đứng tên giám đốc công ty, nhưng mọi hoạt động sản xuất, phân phối đều do Phạm Đình Tuấn (SN 1988, em trai Dũng), nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (cũ), điều hành.

Để cạnh tranh giá rẻ, từ đầu năm 2025 đến nay, Tuấn đã chỉ đạo sử dụng cồn công nghiệp để sản xuất hàng giả, dán nhãn "cồn y tế" rồi đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.

Ngày 9/6, cơ quan Công an tiếp tục kiểm tra một số kho hàng y tế và phát hiện 408 chai cồn Ethanol nhãn hiệu AB (dung tích 500ml, loại 70 và 90 độ) do Công ty CP Thương mại Vật tư Y tế An Bình (tại Bắc Ninh) sản xuất có dấu hiệu giả mạo, kém chất lượng.

Hiện, vụ án đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

>>> Xem thêm video đấu tranh với thực phẩm bẩn.

(Nguồn: Truyền hình TP Hà Nội)

Hà Nội phát hiện, bắt giữ hơn 2.000 vụ buôn lậu, hàng giả

6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra 2.176 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 2.068 vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả.

Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội vừa thông tin, nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra 2.176 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 2.068 vụ vi buôn lậu, sản xuất hàng giả. Trong đó, có 771 vụ hàng nhập lậu, 718 vụ hàng giả và 251 vụ kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc.

Thương mại điện tử tiếp tục là điểm nóng với 72 vụ vi phạm trong 6 tháng, riêng tháng 6 là 33 vụ. Hành vi phổ biến là kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm và phụ kiện không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, 23 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu và 7 vụ liên quan đến khí N2O (bóng cười) cũng đã bị lực lượng chức năng xử lý. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt và tịch thu, tiêu hủy hàng vi phạm đạt hơn 88,2 tỷ đồng.

Khởi tố chủ kho hàng kinh doanh hơn 35.000 bộ quần áo giả

Lực lượng chức năng phát hiện 35.300 bộ quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu NIKE, ADIDAS, PUMA. Trị giá số hàng hoá vi phạm là hơn 6,6 tỷ đồng.

Ngày 30/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quang (SN 1994; HKTT: xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

untitled-1.jpg
Đối tượng Nguyễn Văn Quang và lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn bộ quần áo giả mạo nhãn hiệu nước ngoài.

Xử phạt 3 hộ kinh doanh hàng giả ở Đà Nẵng

Với hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu và xả thải vượt chuẩn, 3 hộ kinh doanh bị UBND TP Đà Nẵng xử phạt với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng.

Ngày 18/6, thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng xác nhận, đơn vị vừa ban hành loạt quyết định xử phạt hành chính đối với 3 hộ kinh doanh vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động buôn bán và bảo vệ môi trường.

Theo đó, hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Hồng (trú tổ 60, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) bị xử phạt số tiền gần 127 triệu đồng với hàng loạt vi phạm: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ theo đúng quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình; đặc biệt, cơ sở này đã xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật trên 10 lần – hành vi gây nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng.