Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cả nước có 1.126.726 thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Theo phổ điểm môn Ngữ văn được công bố, điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay đạt 7,0, cho thấy mức độ ổn định của phổ điểm.
Tuy nhiên, lại không có một điểm 10 nào. Ngoài ra, cả nước có 7 bài thi bị điểm 0 và 87 bài thi có điểm dưới 1.
Sơ với năm 2024, điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay thấp hơn 0,23 điểm (năm 2024 là 7,23, có 2 thí sinh đạt 10)
Cụ thể, phổ điểm môn Ngữ văn năm 2025 như sau:


Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, ThS Lê Thanh Huyền, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Phù Ninh (Phú Thọ) đánh giá, đây là một đề thi hay, vừa sức nhưng vẫn đảm bảo được tính phân hóa cao.
Theo cô Huyền, điểm mới mẻ nằm ở câu 5 phần Đọc hiểu, một câu hỏi vận dụng có khả năng phân loại tốt năng lực của học sinh. Cấu trúc đề thi hoàn toàn đúng với định dạng mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, giúp học sinh khá, giỏi có thể đạt điểm tốt, với phổ điểm trung bình dự kiến khoảng 7.5 điểm.
"Một ưu điểm nổi bật của đề thi năm nay là việc chỉ sử dụng một ngữ liệu cho toàn bộ bài thi. Cách làm này giúp học sinh tập trung sâu hơn, không bị phân tán hay mất thời gian làm quen với nhiều văn bản khác nhau như một số đề khảo sát trước đây", cô Huyền nhận định.
Nữ giáo viên cũng đánh giá cao câu nghị luận xã hội vì mang tính thực tiễn. "Với câu hỏi này, học sinh trung bình có thể bày tỏ suy nghĩ riêng, trong khi học sinh khá giỏi sẽ có cơ hội phát huy tối đa hiểu biết xã hội và khả năng lập luận sắc bén. Điều đó cho thấy câu hỏi vừa sức, nhưng vẫn có độ phân hóa rõ rệt", cô Huyền phân tích.
Cô Huyền cho rằng, dạng đề thi mới này sẽ giúp học sinh tránh được việc học tủ, đồng thời phát huy được năng lực cá nhân và sự sáng tạo. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh, để đạt điểm tốt, học sinh cần được rèn luyện kỹ lưỡng về kỹ năng làm bài, phải chủ động tự học để tích lũy cả kiến thức sách vở lẫn vốn sống xã hội.