Tổ ấm thành... tổ lạnh

Từ hôm đó, tổ ấm của hai người như thành... tổ lạnh. Ai đi về mặc ai. Ai cô đơn, hờn trách mặc ai. 

Trời nhá nhem tối mới nghe tiếng xe của anh dừng trước nhà. Chị xem như không có chuyện gì, im lặng ngồi đút cháo cho con. Anh vào nhà, người nồng nặc hơi men, giả lả cười với con rồi đi thẳng vào phòng ngủ. Sáng hôm sau, anh vờ như mình vô tội, âu yếm ôm eo vợ định hôn vào má. Chị nghiêng đầu tránh, lạnh lùng gỡ tay anh. Biết vợ đang giận, anh dỗ ngọt, nhưng chị bực bội quát lên: “Tui là vợ anh chứ không phải con rối để anh đùa giỡn. Buông ra!”. Anh sững lại nhìn chị, hầm hầm dắt xe đi.
Biết mình hơi quá nhưng đang trong cơn giận nên chị không kềm được. Cứ nghĩ lát nữa chồng về lại cười giả lả làm huề như mọi lần nên chị yên tâm ngồi nhà chờ. Ngờ đâu, anh đi một mạch đến tối mới khật khưỡng về. Đã vậy, còn chẳng dắt nổi xe vào nhà, quăng xe ngã rầm ngoài sân rồi nằm đại trên chiếc xích đu ngoài sân ngủ. Chị thở dài, ra sân dựng xe lên đẩy vào nhà, quay ra đem theo cái mền đắp cho anh.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Từ hôm đó, tổ ấm của hai người như thành... tổ lạnh. Ai đi về mặc ai. Ai cô đơn, hờn trách mặc ai. Chị giận, không thèm nhìn, không thèm nói một câu. Được thể, anh như chim sổ lồng, ngày nào cũng đi đến khuya mới chịu về. Chị im lặng nhưng không có nghĩa là chị bỏ qua. Chị nhớ hết, dồn nén để chờ cơ hội “bung” hết cho hả.
Không để chị phải đợi lâu, cuối tuần, anh hẹn với mấy ông bạn “không say không về”. Đêm đó, cả hội ngủ lại quán vì không ông nào còn tỉnh táo để nhớ nhà mình ở đâu.
Hừng sáng, anh vội vã chạy về nhà. Anh nhè nhẹ mở cửa rồi rón rén bước vào như mèo ăn vụng. Anh định lẻn vào nhà tắm xóa tan dấu vết, nhưng chưa kịp đến nơi đã giật thót mình vì nghe tiếng vợ gắt, sao anh không đi luôn đi, đây đâu phải nhà của anh, nhà của anh là quán nhậu, vợ con anh là mấy ông bạn nhậu, dọn đồ ra đó mà ở. Anh gầm lên, tui là tù nhân của cô chắc, riết rồi tui không có quyền kết bạn sao? Chị cãi, nếu anh đã coi bạn bè quan trọng hơn vợ thì đừng ở đây nữa, ly hôn đi rồi tha hồ tự do, muốn đi đâu thì đi không ai cằn nhằn, cấm cản. Anh quắc mắt, đó là cô nói đấy nhé, viết đơn đi tui ký. Chồng lên lầu, vợ ngồi lại trong nước mắt ràn rụa. Đêm đó, chồng trằn trọc không ngủ được, vợ cũng thức trắng cặm cụi viết đơn.
Chị đặt lá đơn trên bàn khi anh vừa bước vào nhà. Anh không thèm nhìn, quay lưng dắt xe đi tiếp. Chị khóc tức tưởi, không ngờ một chút tôn trọng cuối cùng anh cũng không dành cho mình. Lát sau, nghe tiếng xe của anh quay lại, chị đi thẳng vào phòng khóa trái cửa. Tờ đơn ly hôn vẫn đặt trên bàn.
Bỗng chị nghe tiếng gõ cửa, rồi giọng của mẹ chị, con ra đây cho mẹ nói chuyện. Thì ra, anh thấy tờ đơn ly hôn nên biết tình hình “chiến sự” đã rất xấu. Trước đây, nếu anh tỏ ra hối lỗi là chị tha thứ, nhưng một khi chị đã viết đơn thì chuyện khó có thể cứu vãn. Trong lúc nguy cấp, anh bỗng nhớ đến... mẹ vợ, người chị luôn thương yêu và kính nể. Cách hay nhất lúc này là nhờ “nhạc mẫu” can thiệp thôi.
Chị cất tờ đơn vào ngăn tủ sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi nghe mẹ mắng… cả hai về cái tội lớn rồi mà không biết suy nghĩ. Hai vợ chồng không ai nghĩ cho con mà chỉ lo hơn thua nhau. Chị khóc rấm rứt. Anh lí nhí xin lỗi mẹ và vợ, hứa sẽ không la cà nhậu nhẹt sau giờ làm nữa. Hòa bình được lập lại. Chuyện cũ đó qua đã lâu nhưng tờ đơn đến giờ vẫn còn được chị cất giữ cẩn thận, không phải để “hù dọa” anh mà để nhắc nhở mình không được quyết định vội vã trong cơn tức giận. Phải biết kiềm chế để suy nghĩ thấu đáo. Đừng chỉ nghĩ cho riêng mình mà phải nghĩ cho cả tổ ấm bấy lâu mình đã vun đắp.

Vì sao chồng phải uống đến say khướt?

Tôi sợ hãi mỗi chiều về nhà trọ phải đối diện với gương mặt cau có, khó chịu của em, đối diện với những lời ca cẩm tiền nong.

Học hết cấp 3, gia cảnh khó khăn, tôi không thi đại học mà bỏ lên thành phố làm công nhân. Hơn ba năm trong khu công nghiệp, tháng nào vừa nhận lương xong, tôi cũng nhẵn túi. Nghe lời người bạn, tôi bỏ xí nghiệp, lấy sầu riêng về bán. Chiếc xe ba gác cùng tôi rong ruổi khắp các ngả đường, bất kể nắng mưa. Bán sầu riêng cực nhọc nhưng lời lãi chẳng bao nhiêu, tôi vẫn luôn trong tình trạng “viêm màng túi”. Nghĩ phải học một cái nghề mới ấm tấm thân, tôi xin vào một tiệm sửa xe học việc.

Hơn nửa năm chịu khó học nghề, tôi cũng dần “cứng tay”. Một người bạn rủ tôi hùng mở tiệm sửa xe. Tôi về nhà, nhờ ba mẹ vay ngân hàng 30 triệu đồng làm vốn. Mãi gần một năm sau, tiệm sửa xe của tôi mới có khách lai rai. Khi đã kiếm được chút tiền, tôi và người bạn phát sinh mâu thuẫn. Bạn tôi “ép” tôi cưa đôi số đồ nghề và phụ tùng mà trước đây hai người hùn tiền mua chung. Cũng ngay lúc đó, bà chủ nhà “trở chứng” đòi lại mặt bằng. Chưa kịp dọn xong mớ đồ nghề thì bố tôi ở quê bệnh nặng, tôi phải về giúp mẹ chăm sóc bố, vì tôi là con cả trong gia đình, các em còn nhỏ. Hơn một tháng sau, tôi trở lại thành phố thì đồ nghề trong tiệm đã vơi hơn một nửa. Hóa ra bạn tôi cấu kết với chủ nhà, lấy lại mặt bằng để cùng con chủ nhà làm ăn chung, đẩy tôi ra ngoài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cay cú ôm thùng gỗ đồ nghề ít ỏi, trong túi chẳng còn đồng bạc để thuê mặt bằng, tôi đành ra vỉa hè sửa xe. Ngày làm được đồng nào, tối về tôi đổ hết vào bia rượu vì chán nản cảnh gần 30 tuổi đầu vẫn sống trôi nổi, chẳng có chút sự nghiệp. Tôi gặp em trong những ngày tận cùng của vất vả, khó khăn. Em là khách sửa xe quen của tôi. Trước lạ sau quen, qua những câu chuyện, tôi biết em là cô giáo mầm non, cũng cùng cảnh nghèo và tha phương như tôi. Lâu dần, tình yêu đến với chúng tôi lúc nào không hay.

Vì tuổi hai đứa không còn trẻ nên sau một năm tìm hiểu, chúng tôi quyết định kết hôn, dù hoàn cảnh hai đứa vô cùng khó khăn. Tiền sính lễ, tôi phải nhờ anh em gom góp giúp. Tiệc cưới thì phải chờ khách về, gom góp phong bì để trả. Hai vợ chồng ở trọ trong một căn phòng bé xíu, ngày đêm gì cũng nóng hầm hập. Nghe lời em, tôi bỏ nhậu, chí thú làm ăn. May mắn nhờ số tiền cưới dư ra, vợ chồng tôi thuê một mặt bằng nhỏ mở tiệm. Tuy nhiên, từ khi sống chung, tôi mới hiểu hết bản tính của em. Khác với vẻ ngoài thật thà, chất phác khi đang yêu, em dần hiện rõ là người phụ nữ tham lam, đầy toan tính. Em không cho tôi qua lại với bạn bè cũ, sợ họ “lợi dụng” tôi. Em bảo, tôi hiền lành đến khờ khạo nên dễ bị bạn bè xấu lợi dụng.

Em lấy chuyện tôi từng bị cậu bạn lừa hùn tiền mở tiệm sửa xe để răn đe. Tôi cố gắng thuyết phục em mỗi người mỗi tính, không ai giống ai, nhưng em vẫn cương quyết không cho tôi gặp gỡ bạn bè. Ngay cả khi ai đó mời sinh nhật, thôi nôi, đám cưới…, em đều giành đi. Theo em, đàn ông đi chỉ “ăn nhậu bê tha” lại sa vào tệ nạn. Dần dà, tôi cảm giác em đang làm thay vai trò người chồng. Trong nhà, mọi chuyện lớn nhỏ em đều quyết định. Nhiều khi bạn bè cũ hẹn gặp nhau bàn công việc làm ăn, em giấu mất chìa khóa xe, để tôi không đi được. Hai vợ chồng thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. Vì sợ em nên bạn bè dần xa lánh, lảng tránh tôi. Ngoài em ra, tôi gần như không còn một mối quan hệ nào khác.

Ba mẹ ở quê lên thăm, em cũng mặt nặng mày nhẹ. Em cho là ba mẹ tôi lên chỉ để “vòi tiền”. Nếu ba mẹ ở lâu, em khó chịu ra mặt, hết than giá cả tăng lại than ăn uống tốn kém. Nhiều lần như vậy, ba mẹ và đám em út tôi sợ hãi, không dám lên thăm tôi nữa. Em còn sợ tôi giấu tiền gửi cho cha mẹ, em út nên mỗi lần tôi chở ba mẹ ra bến xe, em nắn túi trước, sờ túi sau xem có giấu tiền không? Có hôm em còn mở cả giày của tôi ra kiểm tra. Không thể chịu nổi cô vợ quá quắt, tối nào tôi cũng la cà ngoài quán, uống đến say khướt mới về.

Tôi sợ hãi mỗi chiều về nhà trọ phải đối diện với gương mặt cau có, khó chịu của em, đối diện với những lời ca cẩm tiền nong. Cả tuần nay, vợ chồng tôi không nhìn mặt nhau. Tôi vẫn đi về trong những cơn say dài, em vẫn càu nhàu, nhiếc mắng tôi bằng những lời tệ hại nhất. Em luôn bảo tôi là “ngựa quen đường cũ” nhưng em không chịu hiểu vì sao tôi lại ra như thế.

Cái tôi của vợ và chồng

Giá như Tân và Minh hoặc chí ít là một trong hai người mềm mỏng, tế nhị tìm ra biện pháp cảm hóa nhau thì họ đã hạnh phúc…

Dắt xe ra cổng, nổ máy đợi một lúc lâu vẫn chưa thấy Minh ra, Tân bực bội quay vào nhà gắt lên: “Cô nhanh chóng lên cho tôi nhờ. Người đâu mà chậm chạp, lề mề thế không biết”.

Minh mặt nặng mày nhẹ ngồi sau xe Tân đi dự đám cưới đồng nghiệp của anh nhưng suốt cả buổi hai vợ chồng giận dỗi chẳng nói với nhau một lời nên niềm vui trở nên không trọn vẹn mà nói đúng hơn là sự căng thẳng, mệt mỏi luôn đeo bám họ. Càng ngày cả hai càng lấn sâu hơn vào sự hụt hẫng thất vọng về nhau…

Hồi còn yêu nhau, Tân luôn tự hào, hãnh diện, mở mày mở mặt với bạn bè vì có người yêu dáng người thon thả, ăn mặc đẹp “có gu thẩm mỹ”, trang điểm khéo léo, lại duyên dáng, cởi mở. Vậy nhưng sau khi nên duyên chồng vợ thì những cái tưởng như là “thế mạnh” của Minh lại luôn làm Tân khó chịu, lại là nguyên nhân dẫn tới những cãi vã, xung đột.

Tân cảm thấy “ngứa mắt” khi sáng nào Minh cũng dành nửa tiếng đồng hồ “bôi son trát phấn” trước khi đến cơ quan mà không chịu lo chuẩn bị bữa sáng cùng chồng. Dường như làm đẹp đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với Minh trước khi bước chân ra khỏi nhà. Từ đi liên hoan, sinh nhật, gặp gỡ bạn bè, thậm chí là đi chợ…, Minh cũng đều ngồi trước gương điểm tô, chải chuốt.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhiều lần vội đi, Tân bảo Minh bỏ qua khâu trang điểm nhưng nhất quyết Minh không nghe với lý do “để mặt mộc em cảm thấy thiếu tự tin”. Cuối tuần nào Minh cũng đến tiệm sửa sang lại đầu tóc, tỉa lông mày, làm móng tay móng chân rồi lang thang hết phố này đến phố khác “tăm tia” các shop xem có “hàng độc” không để bổ sung vào tủ quần áo đã chật cứng của mình.

Thấy Minh làm được đồng nào đầu tư vào việc làm đẹp, chưng diện hết đồng ấy, Tân càu nhàu chỉ trích rồi yêu cầu Minh phải bớt chi tiêu, dành dụm để nuôi con, lo toan công to việc lớn trong nhà, song Minh vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn cho rằng Tân khó tính và ngang ngạnh tuyên bố: “Tiền tôi làm ra tôi tiêu, chẳng ai có quyền ngăn cấm”, Tân thở dài thất vọng bởi cuộc sống gia đình khác xa so với tưởng tượng trước đây của anh.

Không chỉ riêng Tân mà chính bản thân Minh cũng bị “vỡ mộng” về người bạn đời của mình. Hồi sinh viên lãng mạn, thơ mộng, Minh bị hớp hồn bởi khuôn mặt lạnh lùng, kiêu hãnh, rất đàn ông của Tân bao nhiêu thì bây giờ cô chán chường bấy nhiêu. Rất nhiều lần cô ấm ức, khó chịu vì Tân không niềm nở với bạn bè, đồng nghiệp của Minh, không tiếp đón nhiệt tình những người thân của cô khi họ ghé chơi.

Chính vì vậy Minh phải chịu điều tiếng là có người chồng kênh kiệu, khó gần, thậm chí nhiều mối quan hệ vốn thân thiện với Minh trước đây bỗng trở nên phai nhạt chỉ vì họ ngại đến nhà Minh… Thay vì lựa thời điểm thích hợp góp ý cho Tân nhận ra thiếu sót và động viên khích lệ chồng sửa đổi để cư xử cởi mở, hòa nhập với mọi người xung quanh thì Minh lại gắt gỏng, chê bai Tân khiến anh tự ái, nổi cáu: “Tôi chỉ có vậy thôi. Ai chơi được thì chơi, còn không thích thì thôi”.

Quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng căng thẳng bởi ai cũng đề cao cái tôi cá nhân của mình, không chịu đặt mình vào vị trí của người kia để nhún nhường, cảm thông, chia sẻ. Giá như Tân và Minh hoặc chí ít là một trong hai người mềm mỏng, tế nhị tìm ra biện pháp cảm hóa nhau thì họ đã được tận hưởng bầu không khí ấm áp, hạnh phúc…

Tất cả các cặp vợ chồng đều phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn: Thích nghi với thuở ban đầu. Nhiều chàng trai, cô gái do bản tính ích kỷ đã không vượt qua được thử thách này để tạo dựng cho bản thân cuộc hôn nhân khăng khít, bền chặt, hạnh phúc dài lâu.

Hai con người vốn ở hai môi trường sống khác nhau, thậm chí đối lập nhau, có cá tính, thói quen, lối sống… khác nhau nên khi cùng chung sống dưới một mái nhà không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, va chạm. Cảm thông, chia sẻ, biết lắng nghe, không cố chấp… là nền tảng của sự hòa hợp trong cuộc sống gia đình.