![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Không nhiều đồ đạc cần phân chia khi anh chị quyết định đường ai nấy đi. Một chiếc tủ đứng cũ kỹ đã bong cả vecni, nham nhở những mẩu vụn gỗ xù xì và đầy những đường vẽ chì màu của hai thằng “giặc cỏ” nhà chị. Một cái bàn khập khiễng và bốn cái ghế nhựa. Một chiếc giường gỗ có chạm đôi chim tung cánh hai bên cặp trái tim lồng vào nhau là quà cưới của bố chị - vốn là một thợ mộc, tặng hai người. Khó chia có chăng là hai thằng con trai, một đang học lớp 2 và một chưa đầy năm tuổi, chia kiểu nào cũng dở. Và, rất nhiều nỗi đau trong lòng chị, chẳng biết phải chia sớt thế nào.
Chị không xinh đẹp, càng không đào hoa. Cuộc sống lam lũ với vai trò con gái lớn trong gia đình khiến chị phải phụ bố cáng đáng nhiều việc, từ đồng áng đến nuôi lợn, chăn gà. Người anh cả thoát ly cuộc sống ở vùng quê mà anh chê “ao tù nước đọng” theo người ta đi hái thuê hồ tiêu, cà phê. Bố bảo, thôi thế cũng được, miễn nó làm được cái mà ăn rồi nên người. Mà chắc anh cũng làm ăn được thật, mỗi khi có người về, anh không quên gửi mấy bộ quần áo mới và ít đồ cũ về cho các em. Có khi, anh gửi cả tiền, món tiền nhỏ nhưng khiến bố mừng rơi nước mắt và đủ để chị thấy cảm phục khi nghĩ về anh. Quá nhiều nỗi lo, chị dặn mình không được nghĩ đến việc lấy chồng sớm.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Mấy đứa em chị ra sức phản đối, không muốn chị mình lấy một người bị vợ bỏ, lại có những ba đứa con riêng. Anh trai cả điện về, bảo tùy cô quyết định. Bố chị nửa chạnh lòng, nửa muốn con gái mình yên bề, dù gì chị cũng chẳng còn trẻ trung. Còn chị, chị mong có một bờ vai để tựa…
Bố đóng một chiếc giường cưới cho con gái. Anh cả thu xếp về được một tuần lo cái đám cưới nho nhỏ cho em. Không đứa nào trong số ba con riêng của anh tới dự, mấy đứa em chị cũng tạm hài lòng.
Hai thằng con trai lần lượt ra đời khiến gánh nặng cơm áo càng nặng hơn trên đôi vai vốn chai sần của chị; nhất là khi công việc thợ hồ của anh bữa đực bữa cái, anh mắc thêm cái bệnh đau lưng của người “sắp già” hay làm việc nặng. Tằn tiện, tích cóp, vay mượn thêm của anh cả và vài người bà con, anh chị mua được mảnh đất nhỏ, cất một cái nhà, gọi là có chỗ chui ra chui vào. Bố chị vui trông thấy, mấy đứa em chị thôi nhắc chuyện ngày xưa.
Hai đứa con và người chồng tóc bạc gần nửa khiến chị cảm thấy nhẹ lòng. Dù sao, ông trời vẫn còn thương chị…
Cho đến khi anh đổ mình vào những con bài. Cái nhà vốn chẳng nhiều đồ đạc càng bị anh làm trống trải thêm. Cái ti vi cũ mà hai đứa con mỗi lần muốn xem lại phải đập đập mới chịu có hình, cái quạt điện anh cả mua cho bố, rồi bố chị nhường cho các cháu, đến cả cái nồi nấu cám lợn và mấy con gà đang đẻ cũng lần lượt ra đi sau những lần anh cố gỡ gạc. Chị nhắc mãi, nhẹ nhàng, khóc lóc rồi van xin, dọa bỏ… Anh đối phó với chị ban đầu bằng cách ăn năn, hứa hẹn, rồi sau bằng cả những cái bạt tai. Đồ đạc thì cứ lần lượt theo anh ra khỏi nhà.
Bố chị già sọp hẳn đi khi thấy con rể ngày càng đổ đốn. Mấy đứa em chẳng nỡ nhắc đến chuyện buồn, ôm chị khóc rưng rức, bù đắp bằng cách phụ chị nuôi hai đứa cháu. Anh cả về, khuyên cô đi theo con đường của anh ngày xưa, dù phải xa nhà xa quê nhưng dễ sống hơn. Bố có thể ở nhà cùng mấy đứa em hoặc theo anh cả để anh phụng dưỡng. Chị thấy lời khuyên của anh cũng xuôi.
Cuộc họp gia đình diễn ra chóng vánh. Chồng chị bảo muốn đi đâu thì đi, muốn mang theo một hay cả hai đứa con đều được, càng rảnh nợ. Rồi anh ta tu nguyên cả chai rượu, lè nhè đi khỏi nhà. Đêm về, nồng nặc mùi rượu, anh ta trèo lên người chị, vừa hành hạ vừa lảm nhảm những câu vô nghĩa. Chị cắn răng…
Rồi chị sẽ là người đàn bà một nách hai con nhỏ trông cậy vào anh trai và những người xa lạ. Rồi chị sẽ là người đàn bà bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ. Rồi, có thể lắm, sẽ thỉnh thoảng chị cô đơn đến nhói lòng khi nhìn người ta có cặp có đôi. Nhưng, đau thì cũng đã đau rồi, chị tự nhủ, dù gì mình vẫn có hai đứa con…
Tôi cưng vợ mình như trứng mỏng. Điều đó ai cũng biết. Và giờ đây, tôi ngoại tình. Ai cũng biết điều đó. Trước đây tôi hay lên án những người đàn ông ngoại tình. Tôi cho đó là những gã đàn ông mất nhân tính, thiếu trách nhiệm, lăng nhăng trăng gió. Còn người phụ nữ, dù sao thì họ cũng là phái yếu, cần được bảo vệ.
Với tôi khi đó, giả sử vợ mình có lầm lỗi gì thì tôi cũng sẵn sàng bỏ qua. Bởi, phụ nữ vốn là như thế. Họ là phái yếu; hơn nữa, họ là phái đẹp. Nếu như cuộc sống này không có phái đẹp thì bọn đàn ông thô lỗ chúng tôi sẽ sống thế nào? Chắc chắn là sống không bằng chết!
Với quan điểm sống rõ ràng như vậy, tôi không bao giờ dám mơ đến hai chữ “ngoại tình”.
Ấy vậy mà sau 16 năm chung sống, tôi công khai ngoại tình và cho rằng, ngoại tình có lý do của nó, chỉ có người ở trong chăn mới biết chăn có rận, người ngoài nhìn vào có phán xét thì cũng là phiến diện, hời hợt.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cho nên tôi khẳng định điều khiến đàn ông ngoại tình không phải là sự xuống cấp về nhan sắc hay sức khỏe của người bạn đời. Sẽ không ai tin, nếu tôi nói rằng, ngược lại, chính sự “bất biến” của người vợ mới khiến các anh ngoại tình, lăng nhăng với người phụ nữ khác.
16 năm trước, nếu đi làm về mà không có cơm, tôi sẽ rất vui sướng khi được chở bà xã đi ăn tiệm. Còn bây giờ, khi về tới nhà mà thấy bếp núc vắng lặng, vợ đi spa, shopping hay lê la hàng quán chưa về, tôi không còn thấy chút gì vui vẻ, thay vào đó là sự bực bội, tức tối. Tất nhiên, nếu ở nhà không có người hoan nghênh, chào đón mình, thì tôi sẽ đi tìm điều đó ở nơi khác.
16 năm trước, nếu thấy bộ áo váy của “ai đó” vứt ở phòng khách, tôi sẽ cầm lên, nhẹ nhàng hôn lên làn vải mỏng manh ấy và khoan khoái cảm nhận được mùi da thịt của người phụ nữ mình yêu thương. Còn bây giờ, nếu vẫn thấy y chang như vậy, tôi sẽ bừng bừng nổi giận và cho rằng, đúng là một người phụ nữ bầy hầy, dơ dáy.
16 năm trước, nếu lên bàn ăn có món canh chua mà người phụ nữ của mình thay vì rót nước mắm lại rót nhằm xì dầu, tôi sẽ vui vẻ đứng dậy, tự mình lấy cái chén khác để rót nước mắm và còn khen vợ “sáng tạo” một thứ nước chấm mới cho món canh chua truyền thống. Còn bây giờ, nếu điều đó lặp lại, tôi chỉ muốn hắt chén nước chấm vào mặt người đàn bà đểnh đoảng, không tiến bộ…
Vợ tôi là một người phụ nữ như vậy. 16 năm qua, điều thay đổi lớn nhất là Thúy đã già đi, xấu đi, tính tình cũng xấu xí hơn. Đã dở thì phải học hỏi, đằng này lúc nào cô ấy cũng cho là mình đúng, mình chuẩn, mình có lý.
Thú thật là nếu không có hai đứa con thì có lẽ mối dây ràng buộc vợ chồng của hai đứa tôi đã đứt từ lâu rồi. 16 năm trước, tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng, sẽ có một ngày, mình sẽ ngán ngẩm, không còn hứng hú gì đối với người phụ nữ này.
Vậy mà bây giờ, điều đó thể hiện ra cả cử chỉ, hành vi, lời nói. Tôi đã không ngủ với vợ từ lâu. Tôi nói thẳng với cô ấy: “Nhìn em bây giờ, anh chẳng có chút hứng thú nào”. Vợ tôi trừng mắt ngó tôi, sau đó lẳng lặng đi lấy quyển nghị quyết gì đó và cắm đầu, cắm cổ đọc.
Vợ tôi là phụ nữ hai giỏi toàn diện. Năm nào cũng có tờ giấy khen đem về lồng trong khung kính, treo trang trọng trong phòng. Mỗi lần như vậy, tôi lại nói: “Ai phát cho bà tờ giấy này sao không hỏi ý kiến tôi? Bà có nấu được bữa cơm nào cho ra hồn đâu mà hai giỏi? Con cái bà có chăm sóc, dạy dỗ gì đâu mà hai giỏi? Nhà cửa bà có biết dọn dẹp ngăn nắp gì đâu mà hai giỏi? Cha mẹ bà có hiếu để gì đâu mà hai giỏi?...”.
Tôi còn kể ra một lô, một lốc những thứ tương tự như thế. Nhưng vợ tôi chẳng nao núng. Cô ta bĩu môi rồi lặng lẽ ôm đống tài liệu vô phòng, đóng cửa nghiên cứu đến nửa đêm.
Thế đó, làm sao mà người đàn ông như tôi không ngoại tình? Mà không chỉ một mình tôi. Bây giờ phụ nữ như thế rất… rất nhiều. Người ta đòi tự do, bình đẳng, giải phóng, nữ quyền... Kết cục là đã biến những người phụ nữ trở thành một thỏi nam châm cùng cực với người đàn ông của mình. Mà một khi hai thỏi nam châm cùng cực chúng sẽ đẩy nhau.
Tôi đã bị đẩy đến chỗ ngoại tình như vậy. Tôi không biện hộ, cũng không tin tưởng vào người phụ nữ mà mình đang có quan hệ ngoài luồng. Bởi họ cũng như nhau cả thôi. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, cưới nhau rồi mật vỡ tơi bời…