"Lập đảng mới", tỷ phú Musk đối mặt điều gì?

Trong lúc căng thẳng với Tổng thống Trump về đạo luật chi tiêu và chính sách nội địa, tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập đảng chính trị mới mang tên "đảng nước Mỹ". Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây sẽ là một nhiệm vụ đầy gian nan, ngay cả với người giàu nhất hành tinh.

Ông Musk gần đây bày tỏ sự bất bình với dự luật "to và đẹp" của ông Trump dù cả 2 từng có mối quan hệ thân thiết. Ảnh: Reuters

Theo CBS News, ông Musk lần đầu công khai ý định này vào đầu tháng 7, giữa lúc tranh cãi gay gắt với ông Trump – một đồng minh cũ trong chính trường Mỹ. Ngày 5/7, tỷ phú này tuyên bố trên mạng xã hội X rằng đảng mới chính thức được thành lập sau khi thăm dò ý kiến người theo dõi.

“Theo tỷ lệ 2:1, các bạn muốn có một đảng chính trị mới và các bạn sẽ có nó!”, ông Musk viết. “Với tình trạng tham nhũng và lãng phí đang khiến đất nước phá sản, chúng ta thực chất đang sống trong một hệ thống không phải nền dân chủ. Hôm nay, đảng Nước Mỹ ra đời để trao lại tự do cho các bạn”.

Thách thức pháp lý và thực tế

Dù tuyên bố mạnh mẽ, ông Musk chưa đưa ra chi tiết cụ thể nào về việc vận hành hay cấu trúc của “đảng nước Mỹ”. Giới chuyên gia cảnh báo rằng việc thành lập một đảng chính trị mới tại Mỹ là quá trình phức tạp, tốn kém và đầy rẫy rào cản pháp lý.

“Chỉ người giàu nhất thế giới mới có thể nghiêm túc theo đuổi mục tiêu lập đảng mới tại Mỹ”, luật sư kỳ cựu về bầu cử Brett Kappel chia sẻ nhận định với CBS News.

Mỗi bang tại Mỹ có luật riêng quy định điều kiện để đảng chính trị được công nhận và xuất hiện trên lá phiếu. Nhiều bang yêu cầu số lượng lớn chữ ký cử tri hoặc tỷ lệ phiếu bầu nhất định trong các kỳ bầu cử.

Ví dụ, tại bang California, một đảng mới cần có khoảng 75.000 người đăng ký làm thành viên hoặc nộp đơn với chữ ký của 1,1 triệu cử tri. Sau khi được công nhận, đảng này phải duy trì tỷ lệ đăng ký hoặc đạt ít nhất 2% phiếu bầu trong các cuộc bầu cử cấp bang để tồn tại hợp pháp.

Ở cấp liên bang, mỗi đảng cấp bang cần xin ý kiến tư vấn từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC). Theo BBC, tính đến ngày 5/7, FEC vẫn chưa công bố các tài liệu cho thấy đảng mới của ông Musk đã được đăng ký chính thức. Ngoài ra, đảng mới gần như chắc chắn sẽ đối mặt với kiện tụng từ 2 đảng lớn (Dân chủ và Cộng hòa) về tính hợp lệ của chữ ký hoặc quy trình đăng ký, buộc ông Musk phải chi rất nhiều tiền cho luật sư.

“Luật của tất cả các bang đều thiên vị 2 đảng lớn và khiến việc thành lập đảng thứ 3 khó khăn hết mức có thể”, ông Kappel nói thêm.

Không thể kịp cho năm 2026?

Theo CBS News, ngay cả khi có nguồn lực tài chính khổng lồ, quá trình tạo lập một đảng có sức ảnh hưởng toàn quốc cũng cần nhiều năm. 

Ông Kappel đánh giá Musk có thể đưa một số ứng viên yêu thích ra tranh cử ở vài bang, nhưng để tạo nên một hệ thống đảng mới mang tầm vóc quốc gia sẽ không thể hoàn tất trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026.

Dẫu vậy, ông Musk vẫn lạc quan. Tỷ phú này viết trên X rằng đảng mới có thể “tập trung nhắm vào 2–3 ghế Thượng viện và 8–10 ghế Hạ viện”, và “chừng đó là đủ để tạo sức nặng quyết định trong các đạo luật gây tranh cãi”.

Tuy nhiên, thực tế lịch sử lại không ủng hộ nỗ lực này. Các đảng nhỏ như đảng Xanh hay đảng Tự do  dù tồn tại hàng chục năm vẫn phải vất vả đấu tranh để được ghi danh và hiện diện trên lá phiếu tại từng bang.

“Rào cản pháp lý để thành lập và duy trì một đảng chính trị mới là cực kỳ lớn. Có thể làm được nếu bạn sở hữu số tiền không giới hạn, nhưng sẽ là dự án kéo dài nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD”, ông Kappel khẳng định.

Vấn đề tài chính: Musk có lợi thế nhưng bị hạn chế?

Mạnh về tài chính nhưng tỷ phú Musk có thể bị hạn chế về số tiền đóng góp cho đảng mới thành lập. Ảnh: Getty

Dù chi phí khởi động cao ngất ngưởng, đây có thể không phải là trở ngại lớn với một tỷ phú như ông Musk – người có tài sản hơn 405 tỷ USD theo định giá của Bloomberg và Forbes.

Trong cuộc bầu cử tổng thống 2024, ông Musk đã chi 277 triệu USD để hỗ trợ ông Trump và các ứng viên Cộng hòa khác, trong đó 239 triệu USD được chuyển qua ủy ban hành động chính trị America PAC do chính ông Musk sáng lập.

Tuy nhiên, gần đây ông Musk cho biết sẽ giảm can dự vào chính trị. Ông đã rút khỏi vai trò lãnh đạo “Ban Hiệu suất chính phủ” (DOGE) trong chính quyền ông Trump vào tháng 5 và chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Qatar rằng ông “không còn lý do” để tiếp tục chi mạnh cho chính trị.

Nếu ông Musk vẫn quyết tâm thành lập đảng, đó sẽ là sự trở lại tốn kém và đầy ràng buộc pháp lý, CBS nhận định. Khi chưa được công nhận chính thức, một đảng chính trị mới có thể nhận đóng góp tài chính không giới hạn. Nhưng khi đã được công nhận toàn quốc, FEC sẽ áp đặt mức trần: Cá nhân chỉ được đóng góp 10.000 USD/năm cho đảng cấp bang, hoặc 44.300 USD/năm cho đảng cấp quốc gia.

Một cách khác để ông Musk tiếp tục ảnh hưởng chính trị là thông qua America PAC – tổ chức có thể nhận đóng góp không giới hạn nhưng phải độc lập với ứng viên và đảng phái.

Lịch sử chống lại đảng thứ 3

Hệ thống bỏ phiếu theo hình thức “người thắng được tất cả”, luật tiếp cận lá phiếu khắt khe, đại cử tri đoàn và việc không được tham gia các cuộc tranh luận truyền hình là những rào cản gần như không thể vượt qua với đảng thứ 3. Ảnh: AFP

Theo Newsweek, giới phân tích chỉ ra rằng không chỉ có luật pháp và hệ thống bầu cử gây khó khăn, mà lịch sử Mỹ cũng cho thấy các đảng thứ 3 thường không thể tồn tại lâu dài.

Trên thực tế, những người từng cố gắng phá vỡ thế độc quyền 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều vấp phải hệ thống chính trị khép kín. Ông Ross Perot, doanh nhân tỷ phú, từng tranh cử tổng thống năm 1992 với tư cách ứng viên độc lập và sau đó thành lập đảng Cải cách. Dù giành gần 19% phiếu phổ thông – con số kỷ lục cho một ứng viên bên thứ 3 thời hiện đại – ông Perot vẫn không giành được phiếu đại cử tri nào.

Ông Ralph Nader bị cho là nguyên nhân khiến đảng Dân chủ thua cuộc năm 2000.

Gần đây, Đảng Tiến lên của ông Andrew Yang dù thu hút sự chú ý nhưng chưa tạo được ảnh hưởng rõ rệt.

“Lần cuối một ứng viên bên thứ 3 thực sự có cơ hội vào Nhà Trắng là năm 1912 với chiến dịch của ông Teddy Roosevelt, nhưng rồi ông lại giành phiếu với ứng viên đảng Cộng hòa, giúp ứng viên Dân chủ Woodrow Wilson chiến thắng”, giáo sư Mark Shanahan (đại học Surrey, Anh) nhận định.

Hệ thống bỏ phiếu theo hình thức “người thắng được tất cả”, luật tiếp cận lá phiếu khắt khe, đại cử tri đoàn và việc không được tham gia các cuộc tranh luận truyền hình là những rào cản gần như không thể vượt qua.

“Các đảng thứ 3 thường chỉ làm khó một trong 2 đảng lớn, và trường hợp của ông Musk có thể khiến phe Cộng hòa bị chia rẽ, từ đó giúp đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện”, chuyên gia Dafydd Townley (đại học Portsmouth, Anh) nói.

“Tôi không quá kỳ vọng vào đảng Nước Mỹ. Mỹ là một quốc gia có hệ thống 2 đảng bền vững. Dù số lượng đảng viên chính thức không lớn, nhưng khoảng 90% người dân vẫn xác định là ủng hộ hoặc Cộng hòa hoặc Dân chủ”, giáo sư Shanahan kết luận.