Tổ ấm như một cái quán trọ

Nhưng em phải chờ đến bao giờ? Với anh, hình như ngôi nhà này không phải là một tổ ấm mà chỉ là một quán trọ.

Mình đến với nhau vì tình yêu. Tính anh xông xáo, năng nổ, giao lưu rộng. Em rất vui khi thấy anh được bạn bè, đồng nghiệp, gia đình yêu quý.
Điều đó phần nào làm em mở mày mở mặt. Anh nhiệt tình, ai nhờ việc gì cũng giúp, mà giúp rất thật lòng chứ không phải làm lấy lệ. Mọi người trêu em sau này muốn động tay, động chân vào việc gì cũng khó. Nhưng, điều đó chỉ đúng khi chúng ta yêu nhau, còn khi đã là vợ chồng thì anh còn bận… đi giúp người khác. Anh có nghĩ điều anh cần quan tâm bây giờ chính là sự chông chênh của gia đình mình không?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.  
Cả ngày anh đi làm, cuối ngày về ngỡ sẽ ở bên nhau vui vẻ. Ai dè, hết giờ hành chính, anh còn bận hơn. Khi thì anh qua bác Năm sửa cái bóng điện, khi qua dì Ba làm hộ cái chuồng gà. Mà được cái người ta nhờ sửa, người ta mời ăn là anh nhiệt tình ngồi lại. Anh bảo ngồi uống rượu với bác ấy để bác có chỗ trút bầu tâm sự. Bạn bè rủ đi đá bóng, anh cũng bảo anh không đi thì không có ai thay thế, anh đi coi như… giúp đội bóng. Anh đi, em ở nhà làm mọi việc thui thủi một mình, ăn cơm một mình, tâm sự với cái… đầu gối. Anh bảo “cứ để đấy, tí về anh làm cho”, nhưng có hôm nào anh về sớm đâu. Có khi về tới nhà tắm gội xong đã nửa đêm. Cuối tuần rồi, anh hứa sẽ đưa em về thăm nhà ngoại. Sáng ra có người bạn gọi điện nhờ sang giúp sửa hộ cái bản thiết kế, anh vội đi ngay. Em không cho đi, anh lý sự giúp bạn lúc này, lúc khác bạn giúp.
Nhà của vợ chồng trẻ mà lúc nào cũng thấy nguội lạnh. Em chỉ muốn quay lại thời yêu nhau. Em tâm sự với bố mẹ, bố mẹ bảo cứ từ từ khuyên bảo. Anh còn ham vui nhưng rồi sẽ quay về vun vén gia đình. Nhưng em phải chờ đến bao giờ? Với anh, hình như ngôi nhà này không phải là một tổ ấm mà chỉ là một quán trọ. Em đã quá chán với cảnh suốt ngày quanh quẩn một mình. Anh phải lựa chọn thôi. Hoặc chia tay, hoặc anh quay về xây dựng chính tổ ấm của chúng ta. Em không thể chịu đựng thêm nữa.

Tình yêu không tạo nên tổ ấm!

Chị đã luôn ý thức việc “xây tổ ấm” bằng tình yêu của một người vợ, người mẹ. Thế mà tình yêu của chị không thể tạo nên “tổ ấm”?

Mới vài tháng trước, chị còn thấy hạnh phúc và hãnh diện với bạn bè khi tổ chức tân gia. Nhà chị tuy chưa phải là biệt thự nhưng cũng hai tầng lầu, kiểu dáng hiện đại, nội thất cao cấp lại rất thời trang.

Anh chàng yêu “chỉ muốn thêm”

Anh bảo, anh yêu cháu thật lòng, không muốn chia tay, nhưng tự nhận là mình tham lam, không muốn bỏ người nào.

Kính gửi cô Hạnh Dung! 

Cháu 23 tuổi, từng trải qua một cuộc tình. Sau khi chia tay bạn trai, cháu tình cờ biết anh qua mạng, dần phát sinh tình cảm. Sau mấy tuần hẹn hò và nhiều lần truy hỏi, anh mới thú thật với cháu là đã có con rơi với một cô gái ở Long Thành, trong thời gian anh sống ở đó. Thằng bé hiện đã hơn hai tuổi. Anh vẫn liên lạc với cô ấy, hàng tháng gửi tiền về nuôi con. Anh kể, anh từng trốn tránh trách nhiệm với cô ấy, sau anh muốn quay lại thì cô ấy không chấp nhận, yêu cầu nếu cưới nhau, cô ấy sẽ không về nhà anh sống, trong khi anh lại là con một. Hai người cứ dùng dằng mãi đến giờ. Thỉnh thoảng, ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, cô ấy còn yêu cầu anh đưa thêm tiền, dù anh cũng chẳng dư dả gì, có lúc phải mượn bạn bè. Yêu anh, dẫu có đau lòng nhưng cháu đành chấp nhận sự thật đó. Cháu đã đề nghị anh cho gặp cô ấy, ba mặt một lời cho rõ chuyện nhưng anh không đồng ý, viện lý do là sợ cô ấy giận, sẽ không cho anh gặp con nữa. Anh còn nói, nếu cô ấy không chịu cưới, anh sẽ không lấy ai, vì anh đã gây nên lỗi lầm, làm cho cô ấy đau khổ nên phải trả nợ cho cô ấy... Anh bảo, anh yêu cháu thật lòng, không muốn chia tay, nhưng tự nhận là mình tham lam, không muốn bỏ người nào. Cháu gần như bế tắc, không biết phải làm thế nào trong hoàn cảnh này, mong cô giúp cháu.

Thu Hương (TP.HCM)

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cháu Hương mến,

Hạnh Dung xin được nói thẳng: cháu đã chọn lầm người. Anh ta thật sự là một người tham lam, đúng như anh ta tự nhận, chỉ muốn thêm, không muốn bớt. Đã có con rơi với một cô gái khác, anh ta lại còn theo tán tỉnh, nói yêu thương cháu “thật lòng” thì làm sao có thể tin vào cái “thật lòng” ấy? Nếu “thật lòng” sao anh ta chẳng muốn buông ai ra? Nếu là người sống có trách nhiệm, anh ta đã không dùng dằng mãi với cô gái kia như thế. Không cưới được thì phải dứt khoát chia tay để mỗi người còn làm lại cuộc đời, sau khi đã xác định rõ trách nhiệm với con, chứ không phải cứ quan hệ dở dở ương ương như hiện tại: anh ta dùng tiền trợ cấp, còn cô ấy thì dùng con để trói chân nhau. Trong mối quan hệ đó, liệu còn có thêm điều khuất tất nào khác mà có thể cháu chưa rõ?

Thật ra, cháu chỉ là nạn nhân bị anh ta lôi kéo vào cái mớ bùng nhùng đó. Nếu người trong cuộc không tự gỡ ra thì cháu dù có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể giải quyết được gì. Yêu thương thật lòng là phải cùng tính chuyện lâu dài, cùng mong muốn xây dựng hạnh phúc bên nhau, chứ không phải nói theo kiểu vô trách nhiệm như anh ta là yêu cháu nhưng sẽ không lấy ai, sẽ tiếp tục “trả nợ” cho cô ấy. Yêu một đàng, “ôm” một nẻo, trong lòng anh ta mối quan hệ với cháu nên được gọi chính xác là gì? Có khác gì một cuộc chơi tạm bợ qua đường trong lúc đang thiếu thốn tình cảm? Ta hãy thử đặt vài câu hỏi: Cháu có muốn chia sẻ người đàn ông của mình với một cô gái khác? Có chấp nhận được cảnh làm người tình không bao giờ cưới? Hạnh phúc của cháu ở đâu nếu mãi là người tình... thứ nhì? Tương lai của mối quan hệ đó rồi sẽ ra sao? Đã vậy, anh ta còn gì để lo cho cháu, khi lo cho cô ấy cũng không nổi, phải phát sinh nợ nần. Cháu có muốn “chung tay” với anh ta lo cho mẹ con cô ấy không? Trả lời những câu hỏi đó chỉ có thể dẫn đến một kết luận: cháu hãy quên anh chàng “chỉ muốn thêm” đó đi.

Vợ chỉ chăm chăm chê bai chồng

Người ta bảo, thương nhau củ ấu cũng tròn, nhưng vợ anh thấy cái gì thuộc về chồng cũng muốn chê bai, cứ như anh đã làm gì có lỗi...

Khách đến chơi nhà, hỏi về cái bằng thạc sĩ anh vất vả mấy năm mới có, chị nói thẳng tưng:

- Ôi trời! Bây giờ mà có tiền thì bằng cấp gì chẳng mua được, đâu chỉ cao học, tiến sĩ, giáo sư còn có nữa là!

Anh ngượng không biết để đâu cho hết trước cái nhìn nghi hoặc và ái ngại của người quen. Vợ “bộc bạch” như vậy, chẳng khác nào vừa sỉ nhục vừa coi thường chồng.

Người ta bảo, thương nhau củ ấu cũng tròn, nhưng vợ anh thấy cái gì thuộc về chồng cũng muốn chê bai, cứ như anh đã làm gì có lỗi với vợ không bằng. Chung sống càng lâu, vợ càng thích “xài xể” chồng. Từ việc anh “dở ẹc”, ít biết về rau củ, hoa trái, thịt cá, như chẳng phân biệt được diếp cá với húng lủi, cá rô phi với cá chép, chẳng hạn. Đúng là anh vụng và ít kiến thức về chuyện đó thật, nhưng vợ có thấy anh sửa điện, nước và làm những công việc nặng nhọc trong nhà cũng được lắm chứ, phải không nào?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vợ xa gần bóng gió về cái xuất thân nông dân của anh. “Khách ở quê vô” là cụm từ nhạy cảm vợ dùng để gọi những người bà con của anh. Nhất cử nhất động của phía gia đình anh tất nhiên không qua khỏi cái máy soi là vợ, nên sau khi khách khứa ra về, thường là anh lãnh đủ. Nào là tự ý vô thăm mà chẳng báo trước, tưởng ai cũng rảnh rỗi hầu mình hay sao. Nào là ăn to nói lớn, thô thiển không sang. Nào là chẳng biết nền nếp sinh hoạt trong nhà, cái gì cũng tùy tiện bê bối. Mỗi khi có dịp, bạn bè đồng nghiệp của anh cũng không thoát khỏi việc tăm tia rồi chê bai của vợ.

Vợ bảo mùi mồ hôi của anh không sao chịu nổi. Thi thoảng, nhìn vô máy tính của chồng, vợ chê cả những thói quen làm việc của anh, dù nó chỉ là sở thích cá nhân, kiểu như sao anh để hình nền lúa quá vậy? Cái gì vợ cũng có thể cho lên thớt được. Riết rồi anh sợ, chỉ muốn giữ không để vợ dòm ngó bất kỳ điều gì, thêm phiền.

Đôi lúc, anh nghĩ mãi chẳng thể hiểu nổi vì sao vợ ngày càng “bạc miệng” đến thế. Anh mua thức ăn về, vợ chê dở, chê mắc. Anh sắm quà cho con, vợ “khen” vừa xấu vừa thường. Anh nói đùa vài câu, vợ mắng “vô duyên”.

Vợ chưa kịp già đã khó, sau này con dâu nào chịu nổi! Đôi khi anh buột miệng nói vui như thế, với ước mơ thầm kín là vợ có thể sửa đổi ít nhiều. Nhưng, vợ cứ thản nhiên chê bai chồng, cứ như để chứng tỏ mình vậy.

Có lần anh bạo gan góp ý, nhận lại lời giải thích của vợ nghe cũng… thấy thương là sợ chồng lên mặt, chủ quan, chê để chồng thêm phấn đấu, cũng nên mà! Nhưng vợ ơi, cái gì “quá” đều không tốt. Thường xuyên bị chê bai với “cường độ cao” thế này, anh thật sự không kham nổi! Anh đâu phải đứa trẻ sơ sinh mà không biết tổn thương, tự ái. Nếu lúc nào anh cũng chăm chăm bới lông tìm vết mà chê vợ, như đa số đàn ông thường làm thế để tỏ ra quyền uy, chiếu trên, vợ liệu có chịu nổi không? Cứ thế này hoài… làm sao anh tránh khỏi ý nghĩ bi quan là có thể do mình dở quá, đầy khiếm khuyết nên vợ mới dành cho mình những lời lẽ thiếu tế nhị? Vợ coi thường chồng chăng? Hay là lúc nào cũng phải chê được chồng vài câu gì đó, vợ mới thấy sướng miệng?

Cái cách ngao ngán lắc đầu, im lặng bĩu môi của vợ có sức công phá ghê gớm lắm. Nó làm anh e dè. Chung sống với người phụ nữ thân thương nhất của mình, anh cũng không thể thoải mái được, cứ nơm nớp sợ bị bắt lỗi, chê bai thế này thì cuộc sống gia đình thật đáng sợ.