Cái tôi của vợ và chồng

Giá như Tân và Minh hoặc chí ít là một trong hai người mềm mỏng, tế nhị tìm ra biện pháp cảm hóa nhau thì họ đã hạnh phúc…

Dắt xe ra cổng, nổ máy đợi một lúc lâu vẫn chưa thấy Minh ra, Tân bực bội quay vào nhà gắt lên: “Cô nhanh chóng lên cho tôi nhờ. Người đâu mà chậm chạp, lề mề thế không biết”.
Minh mặt nặng mày nhẹ ngồi sau xe Tân đi dự đám cưới đồng nghiệp của anh nhưng suốt cả buổi hai vợ chồng giận dỗi chẳng nói với nhau một lời nên niềm vui trở nên không trọn vẹn mà nói đúng hơn là sự căng thẳng, mệt mỏi luôn đeo bám họ. Càng ngày cả hai càng lấn sâu hơn vào sự hụt hẫng thất vọng về nhau…
Hồi còn yêu nhau, Tân luôn tự hào, hãnh diện, mở mày mở mặt với bạn bè vì có người yêu dáng người thon thả, ăn mặc đẹp “có gu thẩm mỹ”, trang điểm khéo léo, lại duyên dáng, cởi mở. Vậy nhưng sau khi nên duyên chồng vợ thì những cái tưởng như là “thế mạnh” của Minh lại luôn làm Tân khó chịu, lại là nguyên nhân dẫn tới những cãi vã, xung đột.
Tân cảm thấy “ngứa mắt” khi sáng nào Minh cũng dành nửa tiếng đồng hồ “bôi son trát phấn” trước khi đến cơ quan mà không chịu lo chuẩn bị bữa sáng cùng chồng. Dường như làm đẹp đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với Minh trước khi bước chân ra khỏi nhà. Từ đi liên hoan, sinh nhật, gặp gỡ bạn bè, thậm chí là đi chợ…, Minh cũng đều ngồi trước gương điểm tô, chải chuốt.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhiều lần vội đi, Tân bảo Minh bỏ qua khâu trang điểm nhưng nhất quyết Minh không nghe với lý do “để mặt mộc em cảm thấy thiếu tự tin”. Cuối tuần nào Minh cũng đến tiệm sửa sang lại đầu tóc, tỉa lông mày, làm móng tay móng chân rồi lang thang hết phố này đến phố khác “tăm tia” các shop xem có “hàng độc” không để bổ sung vào tủ quần áo đã chật cứng của mình.
Thấy Minh làm được đồng nào đầu tư vào việc làm đẹp, chưng diện hết đồng ấy, Tân càu nhàu chỉ trích rồi yêu cầu Minh phải bớt chi tiêu, dành dụm để nuôi con, lo toan công to việc lớn trong nhà, song Minh vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn cho rằng Tân khó tính và ngang ngạnh tuyên bố: “Tiền tôi làm ra tôi tiêu, chẳng ai có quyền ngăn cấm”, Tân thở dài thất vọng bởi cuộc sống gia đình khác xa so với tưởng tượng trước đây của anh.
Không chỉ riêng Tân mà chính bản thân Minh cũng bị “vỡ mộng” về người bạn đời của mình. Hồi sinh viên lãng mạn, thơ mộng, Minh bị hớp hồn bởi khuôn mặt lạnh lùng, kiêu hãnh, rất đàn ông của Tân bao nhiêu thì bây giờ cô chán chường bấy nhiêu. Rất nhiều lần cô ấm ức, khó chịu vì Tân không niềm nở với bạn bè, đồng nghiệp của Minh, không tiếp đón nhiệt tình những người thân của cô khi họ ghé chơi.
Chính vì vậy Minh phải chịu điều tiếng là có người chồng kênh kiệu, khó gần, thậm chí nhiều mối quan hệ vốn thân thiện với Minh trước đây bỗng trở nên phai nhạt chỉ vì họ ngại đến nhà Minh… Thay vì lựa thời điểm thích hợp góp ý cho Tân nhận ra thiếu sót và động viên khích lệ chồng sửa đổi để cư xử cởi mở, hòa nhập với mọi người xung quanh thì Minh lại gắt gỏng, chê bai Tân khiến anh tự ái, nổi cáu: “Tôi chỉ có vậy thôi. Ai chơi được thì chơi, còn không thích thì thôi”.
Quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng căng thẳng bởi ai cũng đề cao cái tôi cá nhân của mình, không chịu đặt mình vào vị trí của người kia để nhún nhường, cảm thông, chia sẻ. Giá như Tân và Minh hoặc chí ít là một trong hai người mềm mỏng, tế nhị tìm ra biện pháp cảm hóa nhau thì họ đã được tận hưởng bầu không khí ấm áp, hạnh phúc…
Tất cả các cặp vợ chồng đều phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn: Thích nghi với thuở ban đầu. Nhiều chàng trai, cô gái do bản tính ích kỷ đã không vượt qua được thử thách này để tạo dựng cho bản thân cuộc hôn nhân khăng khít, bền chặt, hạnh phúc dài lâu.
Hai con người vốn ở hai môi trường sống khác nhau, thậm chí đối lập nhau, có cá tính, thói quen, lối sống… khác nhau nên khi cùng chung sống dưới một mái nhà không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, va chạm. Cảm thông, chia sẻ, biết lắng nghe, không cố chấp… là nền tảng của sự hòa hợp trong cuộc sống gia đình.

Chồng về đi! Vợ mới là thực tại của chồng!

Chồng yêu!. Đã 10h tối! Là tối thứ 3 chồng không trở về nhà với vợ và con gái sau giờ làm việc.

Giống như mọi ngày con gái mình vừa uống hết ly sữa nóng rồi tự trèo lên chiếc cũi nhỏ xinh, con gái ôm em gấu bông chẳng cần mẹ ru con gái đã lăn ra ngủ khì! Vợ cũng kịp lau chùi, dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ quần áo. Vợ đã hoàn thành hết công việc của một ngày như thường lệ.

Từ ngày chồng bỏ đi tìm lại “mối tình đầu”, không một dòng tin nhắn, không một cú điện thoại, không một lời nhắn gửi cho vợ nhưng vợ biết chồng cũng khổ tâm lắm! Vợ nhớ chồng! Vợ yêu chồng nhiều nhiều hơn những gì chồng nghĩ đấy! Dẫu rằng lá thứ này vợ biết sẽ không đến bên chồng nhưng vợ vẫn hy vọng và mong chồng hãy sống với thực tại chồng nhé!

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh quá, chồng nhỉ ? Vợ thì cứ ngỡ như mới gặp chồng ngày hôm qua! Vậy mà chúng mình đã sống với nhau tròn 5 năm rồi! Một căn nhà nhỏ với một cô công chúa đáng yêu. Tổ ấm của vợ chồng mình không lớn nhưng với một không gian yên tĩnh nhà mình có khoảng không gian xanh có sân vườn đủ để con gái chơi với bố mẹ. Sáng sáng cả nhà mình cùng đi làm. Chồng là “bác tài xế” chung thành của hai mẹ con. Trường con gái gần cơ quan chồng thế nên chồng trở con gái đến lớp rồi mới đến cơ quan làm việc. Có bữa vợ cũng được “ké cẩm” trên những chuyến xe như thế. Quang đường chỉ dăm bảy cây số nhưng cả nhà mình đã hát hò rất vui vẻ, chồng nhỉ!

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vợ đi làm bằng xe máy, chiều chiều tan sở vợ về sớm để lo chuyện cơm nước cho hai người vợ yêu quý nhất là chồng và con gái. Chẳng cần khoe nhưng vợ dám chắc ai nấy nhìn vào vợ chồng mình sẽ mơ ước. 5 năm qua, niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và cả những giọt nước mắt gia đình mình đã cũng nhau nếm trải.

Vợ nhớ mãi, vào buổi chiều đông, trời mưa tầm tã, đứng trú mưa dưới hiên của những ngôi nhả cổ vợ chồng mình đã gặp nhau. Có lẽ chồng không biết từ ngày đó đến nay vợ vẫn luôn nghĩ rằng “Có lẽ trên thế gian này duy nhất có đôi mình gặp nhau như thế !”. Dưới mái hiên nhà, tiếng mưa rơi rả rích, gió lạnh hơn nhưng hai kẻ “xa lạ” đã không thấy lạnh nữa!

Khi ấy, vợ khoác trên người chiếc áo phao của người đàn ông lạ mặt- giờ là chồng của vợ để trú mưa. Vợ không những thấy cơ thể mình ấm mà còn cảm thấy con tim mình đang thổn thức trước cơn mưa buổi chiều Đông ấy. Chồng biết không! Lúc đó, vợ có linh cảm người đàn ông này chắc chắn sẽ là người chồng của mình. Sự thật đúng như vậy. Vợ hạnh phúc nhiều lắm!

Một đám cưới đơn giản nhưng có đông đủ họ hàng nội ngoại hai bên. Bạn bè, họ hàng chúc tụng mừng vì vợ -chồng mình là một cặp đôi hoàn hảo. Vợ làm công chức nhà nước. Chồng công tác ngân hàng hàng đầu. Vợ xinh xắn, đảm đang. Chồng hiền lành, chuẩn mực. Chồng không rượu bia, không la cà hàng xá. Chồng chiều vợ, yêu con. Chồng là mỗi tình đầu của vợ. Nhưng vợ thì không phải là mối tình đầu của chồng. Thế nhưng tình yêu thương của chồng dành cho vợ thật nồng thắm, vợ biết là như thế mà!

Chồng yêu!

Mọi chuyện sẽ khác nếu như buổi chiều đó chồng không gặp lại “mối tình đầu”. Sau gần 10 năm, chồng và cô ấy đã tình cờ gặp lại nhau. Vợ biết! Người ta vẫn thường bảo tình cũ không rủ cũng đến. Chồng đã xốn xang khi gặp lại cô ấy. Chẳng hiểu có phải là duyên nợ hay không nữa, chồng nhỉ? Con gái cô ấy và con gái mình học cùng một trường chẳng thế mà chồng và cô ấy gặp lại nhau trong lúc chờ đón con.

Vợ biết, kể từ ngày hai người gặp lại nhau cả hai đã có nhiều buổi càfe trò chuyện với nhau hàng giờ. Vợ cũng biết hai người chưa có gì vượt quá giới hạn cho phép. Nhưng vợ cũng biết chồng vẫn còn thương cô ấy. Lúc trước, cha mẹ ngăn cản chuyện yêu đương của hai người. Để bảo vệ tình yêu, chồng và cô ấy đã thuyết phục cha mẹ nhưng không thành. Không ai muốn lựa chọn, nhưng giữa bên hiếu bên tình chồng đã chọn chữ hiếu.

Giờ thì mọi chuyện đã khác xưa rất nhiều. Sau khi hai người chia tay, cô ấy vào Nam lập nghiệp. Cô ấy cũng đã có một tổ ấm cho riêng mình. Vợ biết, tổ ấm đó tuy thiếu người đàn ông nhưng họ vẫn hạnh phúc. Chồng cô ấy đã chết do tai nạn giao thông nhưng hai mẹ con cô ấy đã sống như thế 3 năm nay rồi. Vợ cũng biết chồng thương cô ấy muốn bù đắp cho cô ấy, muốn chuộc lỗi với cô ấy. Nhưng vợ cũng biết cô ấy là người tốt.

Chính cô ấy là người đã chủ động tìm gặp vợ. Cô ấy tâm sự với vợ mọi chuyện như thế đấy! Cô ấy còn bảo rằng: “Trước kia em đã yêu anh ấy rất nhiều nhưng giờ thì không còn tình yêu nữa. Với em anh ấy chỉ là người bạn thôi! Thời gian này, em cũng đang có “người đàn ông mới” để ý. Em không muốn vì em mà hạnh phúc gia đình anh chị tan vỡ. Mong chị hiểu em! Sự thật là như thế!

Chồng ơi! Như thế đã đủ để chồng quay về bên em chưa? Vợ và con gái nhớ chồng rất nhiều!

Choáng váng vì con dâu sống quá rành mạch

Ban đầu, tôi cho là tình cờ. Về sau, việc lặp đi lặp lại rất nhiều lần, thì tôi mới biết hóa ra con dâu không muốn nợ nần ai.

Tôi có hai người con, một trai và gái. Trên chồng cháu có chị chồng. So sánh về hoàn cảnh, kinh tế của gia đình chị chồng cháu có phần khá giả hơn, vững vàng hơn một chút. Chị chồng cháu không phải là người hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết bo bo cho bản thân. Vì thế, mỗi khi có dịp chị cháu thường mua tặng các em đồ này thức nọ, khi thì chiếc áo cho mẹ, lúc là cặp sách, đồ chơi cho các con. Tôi nghĩ, chị cho em, bác cho cháu quà cũng là bình thường. Có quan tâm, yêu mến nhau thì người ta mới làm vậy.

Không ngờ, chính những món quà đó lại khiến con dâu tôi phải khổ sở. Cháu cũng ra sức mua quà để… tặng lại, coi như một cách “trả nợ” nhà chị chồng. Nhưng, như thế chưa đủ. Cháu còn để tâm xem món quà đó trị giá bao nhiêu thì khi trả lại cũng phải tương ứng. Có một lần, chị chồng mua tặng em dâu chiếc áo sơ mi. Về nhà, con dâu tôi cũng nhận áo nhưng sau đó thì phải hỏi bằng được… giá tiền chiếc áo thế nào. Ngày hôm sau, cháu đi tìm mua ngay cho chị một thỏi son môi và để cả cái hóa đơn tính tiền xêm xêm trị giá cái áo mang đến tặng chị chồng.

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đó là sự tình cờ. Về sau, sự việc lặp đi lặp lại rất nhiều lần, thì tôi mới biết hóa ra con dâu không muốn nợ nần ai. Sinh nhật con mình, anh chị em tặng quà cho cháu đồ gì, giá bao nhiêu cháu đều ghi nhớ để rồi sinh nhật các cháu, con dâu kiểu gì cũng… tìm cách “trả lại” y chang Nếu ai không tặng thì… đến lượt cháu cũng… sẽ quên để đáp trả. Dần dà, chị chồng cháu ngại, không dám tặng gì cho nhà em trai nữa vì sợ… lại phải nhận quà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Với bố mẹ chồng cũng vậy. Chúng tôi là ông bà nội lẽ nào không thể bỏ tiền mua cho các con đồ này thức nọ. Nhưng, ông bà tặng rồi thì con dâu lại… tặng lại ông bà khiến chúng tôi chẳng biết nên đối xử với con dâu thế nào. Một lần, tôi bị ốm, phải nằm bệnh viện. Con dâu cũng vào thăm nuôi, mua cho mẹ chồng hộp sữa cân cam. Con dâu về rồi hai vợ chồng tôi nhìn nhau tự hỏi, với quan điểm sống có đi có lại của con, thì ông bà có nên… mua đồ trả lại con không. Bởi biết đâu, con dâu sẽ ‘ghi sổ’ ngày này tặng ông bà thứ này mà sau khi ra viện, chưa thấy ông bà mua lại cho mình thứ gì.

Sau cưới con dâu và con trai sống chung với vợ chồng tôi. Chúng tôi đều đã về hưu, vẫn còn sức khỏe nên cứ hy vọng có thể đỡ đần các con ít nhiều, nhất là trong việc chăm sóc các cháu nội. Nhưng, phải thú thật, từ lúc cháu ra đời đến nay đã 5 tuổi, chúng tôi chưa từng có cơ hội nào để chăm cháu đúng nghĩa. Đơn giản bởi con dâu tôi rất khách sáo, cháu không bao giờ nhờ ông bà nội giúp đỡ cho. Sau khi sinh con phải đi làm, cháu mới 5 tháng đã bị mẹ đem gửi một bác hàng xóm già cạnh nhà. Ai đời chỉ cách nhau có một bức tường, bên này thì bà nội ngồi chơi xơi nước, bên kia thì cháu nội phải đi gửi người ngoài.

Tôi thương cháu mà nói kiểu gì con dâu cũng không chịu để cháu lại cho bà trông. Cháu một mực bảo: “Thôi bà ạ, con chẳng giúp gì cho bà thì thôi, còn bắt bà trông con cho con. Bây giờ, bà và ông cứ an tâm vui tuổi già, thích làm gì thì làm, xem phim thì xem. Con nhờ người ngoài cho tiện”. Đến lúc cháu nội đủ tuổi đi học mẫu giáo con dâu lại nhất quyết gửi con vào trường tư thay vì trường công chỉ bởi một lý do duy nhất: ở trường tư có dịch vụ trông trẻ ngoài giờ.

Con dâu con trai tôi đều bận rộn, nhiều hôm tối xẩm mới tan làm, nếu gửi ở trường công phải đón lúc 4h 30 là không thể. Nhưng, khó gì đâu, tôi và ông cháu đều có thể đưa đón cháu thay mẹ nó được mà. Một lần nữa, con dâu tôi lại không chịu. Cháu thà đóng thêm tiền ở trường tư để họ trông thêm con cho tới khi cháu về tới nơi.

Cứ như vậy cái gì làm được là con dâu kiên quyết tự làm. Sống cùng một nhà mà chưa bao giờ con mở lời mẹ ơi giúp con cái này, hộ con cái kia. Thương con, tôi toàn phải là người “xin việc” trước nhưng phần lớn đều nhận ở con cái khoát tay, lắc đầu “con không phiền ông bà”. Chồng tôi nhiều lúc bực bội, chẳng biết nói với ai bèn quay sang mắng tôi: “Thôi, ăn có mời, làm có khiến, nó cần phải nhờ bà. Đằng này, bà xin mà nó còn mắng cho. Thôi thì kệ, xem nhà nó tự lập được tới mức nào”.

Quả đúng, con dâu tôi quyết tâm “tự lập” trong mọi việc thật. Thường ngày, chúng tôi chỉ giao tiếp mỗi lúc ăn cơm tối, còn sau đó, con dâu tôi lên phòng, đóng cửa lại. Nhiều hôm cháu nội ốm, khóc cả đêm, tôi chạy lên xem cháu thế nào thì con dâu chỉ bảo: “Bà cứ nghỉ, con tự lo được”. Thậm chí kể cả khi đã mệt rũ, cháu cũng không nhờ vả bà thay phiên cho. Lại có lần, tôi thấy cháu nội về nhà phàn nàn cô giáo nhắc mẹ đóng tiền học mà mãi mẹ không đến đóng. Tôi hỏi thì con dâu mới thú nhận hóa ra mấy tháng qua con dâu bị chậm lương, chồng cũng đang gặp khó khăn nên hiện chưa có tiền. Không chỉ cháu nội bị thiếu tiền học mà các khoản khác của con cũng đều bị cắt giảm.

Tôi sửng sốt, trách con sao không nói với bố mẹ một tiếng. Chúng tôi già nhưng vẫn có lương hưu, có chút tiền tiết kiệm, lẽ nào không thể đưa cho con hay sao. Con dâu tôi giải thích: “Không, con tự lo được. Bố mẹ cứ an tâm”. Quả nhiên sau đó, tôi thấy con gọi điện tứ tán để vay tiền. (chắc là con ngại khi bố mẹ biết chuyện kinh tế gia đình con đang gặp khó). Mọi việc rồi cũng xong nhưng sao tôi thấy xót xa vô cùng. Chẳng lẽ, con dâu thà vay người ngoài chứ không chịu làm phiền người thân.

Tôi cứ giữ mãi tâm tư trong lòng, mới rồi định bụng đợi con dâu về thì nói thẳng hết cho con nghe. Tối đó, cơm nước xong xuôi, tôi mới nhẹ nhàng lên phòng con, nhưng vừa tới cửa thì nghe tiếng con dâu đang nói chuyện với ai đó. Đầu dây bên kia chắc là của một cháu nào đó mới lập gia đình. Con dâu tôi nói: “Em nhé, có một bí quyết là ngay từ đầu phải rành mạch với nhà chồng. Tuyệt đối không nhờ vả, không xin xỏ bởi mình nhờ họ một chút là sau rách việc lắm. Có khi nhờ đón con một buổi mà sau này về già, ông bà cứ kể hoài là nhờ có ông bà cháu mới được thế này. Lúc đó, mình há miệng mắc quai. Chi bằng tự thân vận động. Đố ông bà nào dám kể công. Nợ tiền thì dễ chứ nợ tình thì khó trả lắm em ạ”…

Im lặng một lát, chắc là nghe cô bạn tâm sự gì đó, con dâu tôi lại nói tiếp: “Chủ trương của chị là sống biết điều, không lạnh lùng nhưng cũng không quá vồ vập. Ai cho sao thì mình trả lại vậy”.

Tôi nghe đến đây thì chẳng còn biết nói gì với con dâu được nữa. Con dâu ơi, liệu con có thể nghĩ rằng, sống rành mạch là có thể trả hết nợ ân tình của bố mẹ?