Nhiều thông tin mới về vụ 3 bé sơ sinh ở Quảng Trị sau khi tiêm vắc xin viêm gan B được đưa ra sau buổi làm việc của đoàn chuyên gia của Bộ Y tế do GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, với Sở Y tế Quảng Trị tối ngày 21/7 và Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa sáng nay, 22/7.
Công bố kết quả khám nghiệm tử thi 3 trẻ tử vong
Tại buổi làm việc, tối 21/7/2013 với đoàn chuyên gia Bộ Ytế ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, đã báo cáo kết luận giám định tử thi của 3 trẻ tử vong ngày 20/7.
![]() |
GS. TS Nguyễn Trần Hiển đi thăm và tặng quà mẹ một bé sơ sinh tử vong đang điều trị tại bệnh viện. |
Theo đó, kết quả khám nghiệm cho thấy: mặt của các trẻ bị phù. Mặt, môi, móng chân và tay bị tím. Đùi phải có vết tiêm chích nhỏ bằng đầu đinh ghim và có hiện tượng phản ứng cơ điện 4 x 4 cm thâm tím. Các khoang màng phổi có dịch xuất tiết; xuất huyết thâm mạc phổi và ngoại tâm mạc, ngoài màng cứng não; xung huyết gan, thận; phù não...
Sáng nay, 22/7 đoàn chuyên gia tiếp tục làm việc với Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa. Đoàn trực tiếp thực hiện tìm hiểu kiểm tra quy trình cấp, bảo quản, sử dụng vắc xin cũng như làm việc với các y bác sĩ trực tiếp cấp phát thuốc và tiêm phòng cho trẻ và với thầy thuốc liên quan đến quá trình theo dõi sức khỏe, hộ sinh cho 3 em bé tử vong tại bệnh viện này trong suốt thời gian từ khi trẻ sinh cho đến lúc tử vong.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Trần Hiển Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, trưởng đoàn chuyên gia bộ Y tế cho biết: "Ba nguyên nhân có thể liên quan đến vụ việc này là: Chất lượng vắc xin; cách bảo quản và tiêm; các bệnh lâm sàng của 3 trẻ. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận chính thức nào về vấn đề này".
Lần thứ 2 xảy ra chùm tai biến nguy hiểm liên quan vắc xin viêm gan B
Như vậy đến thời điểm này, đây là lần thứ 2 xuất hiện chùm tai biến nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở nước ta.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trước đó năm 2007 đã xảy ra hoàng loạt các ca tai biến ở trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B. Chỉ trong vòng khoảng hai tuần lễ (từ 23/4/2007 đến 7/5/2007), có tới 4 trẻ sơ sinh tai biến nặng nề ngay sau tiêm vắc xin viêm gan B do LG (Hàn Quốc sản xuất), 3 em bé trong số đó đã tử vong và một em bé được điều trị cấp cứu.
Còn trong khoảng thời gian từ năm 2007-2008, có tới 10 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh.
Sau đó Bộ Y tế cũng đã tổ chức kiểm tra theo đúng quy trình cũng như mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra đánh giá nguyên nhân 10 ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin trên.
Kết quả là các chuyên gia của WHO cũng không tìm thấy bằng chứng tử vong là do chất lượng vắc xin và dịch vụ tiêm chủng. Đa số các trường hợp này liên quan đến việc trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ như bệnh tim bẩm sinh, viêm phế quản, sặc sữa, đẻ non, suy hô hấp…