Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) vừa tiếp nhận bệnh nhân L.T.L. 74 tuổi được người nhà đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp cấp.
Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân L. từng bị đột quỵ xuất huyết não, để lại di chứng rối loạn thần kinh - nhận thức, cộng thêm tình trạng đái tháo đường. Bệnh nhân nằm tại chỗ nhiều năm nay, phải mở khí quản từ tháng 10 năm ngoái. Đây là thủ thuật tạo đường thông cho khí đi vào phổi mà không qua đường mũi họng để duy trì hô hấp.
![]() |
Chổi vệ sinh khí quản rơi vào đường thở được bác sĩ gắp ra ngoài. Ảnh BVCC |
Trong lúc vệ sinh nòng trong khí quản bằng bàn chải, đầu bàn chải vô tình rơi vào đường thở thông qua lỗ khai khí quản, khiến người bệnh khó thở. Ê-kíp đã khẩn trương hồi sức, chụp CT scan lồng ngực, phát hiện dị vật cản quang tại phế quản gốc phải, lan tới nhánh phân thùy trên. Bệnh nhân được chuyển khẩn đến Khoa Hô hấp để nội soi phế quản cấp cứu.
BS.CKII Văn Bảo Ngọc đã nhanh chóng thực hiện nội soi và lấy thành công dị vật chỉ sau 10 phút, giúp bệnh nhân dần ổn định nhịp thở.
Theo bác sĩ Bảo, dị vật đường thở ở người lớn thường hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, nhất là đối với những bệnh nhân có các yếu tố dễ tổn thương như có mở khí quản, suy giảm phản xạ ho nuốt hoặc nằm lâu không vận động. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, tỷ lệ người bệnh tử vong trước khi đến được cơ sở y tế có thể lên đến 3%.
TS.BS Trần Văn Thi, Trưởng Khoa Hô hấp, khuyến cáo chăm sóc người bệnh có khai khí quản phải cẩn trọng, nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật. Cần tuân thủ các hướng dẫn trước khi xuất viện, liên hệ cơ sở y tế gần nhất nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường.