Chỉ vì xịt mũi con suy tuyến thượng thận
"Con tôi chỉ bị viêm mũi dị ứng thôi mà...". Đó là câu nói đầy ngỡ ngàng và lo lắng của người mẹ khi nghe BS Dương Minh Tuấn, Bệnh viện Bạch Mai thông báo bệnh nhi bị suy tuyến thượng thận mạn tính, tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí đúng cách.
Cậu bé 14 tuổi, gương mặt sáng sủa, hoạt bát, bước vào phòng khám chỉ vì những cơn hắt hơi, nghẹt mũi – triệu chứng quen thuộc suốt nhiều năm. Mỗi lần thay đổi thời tiết hay hít phải khói bụi, cháu lại khó chịu. Người mẹ thương con nên đã mua một loại thuốc xịt mũi tên H – vốn là thuốc cần phải dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ vì có chứa corticoid – người mẹ lại chủ quan tự mua cho con để dùng thường xuyên.
Các bác sĩ chỉ tình cờ phát hiện ra điều bất thường khi thấy da cháu rạn mỏng nhiều – một dấu hiệu mà những ai làm nội tiết đều quen thuộc. Xét nghiệm cho kết quả rõ ràng: tuyến thượng thận của cháu đã bị ức chế, không còn khả năng tiết hormon như trước. Đó là hệ quả của việc hấp thụ corticoid kéo dài qua đường xịt – một con đường mà nhiều người vẫn nghĩ là "an toàn".
Suy tuyến thượng thận có thể không biểu hiện rầm rộ, không sốt, không đau, không làm người ta lo lắng. Cho đến một ngày, khi cơ thể cần phản ứng trước căng thẳng – như sốt cao, tai nạn, phẫu thuật, các vết thương nhiễm trùng ngoài da,... – thì tuyến thượng thận không còn đủ hormon để đối phó. Lúc ấy, tình trạng có thể chuyển biến rất nhanh: tụt huyết áp, rối loạn điện giải, sốc, hôn mê... đôi khi là mất đi cơ hội được cứu.
“Mình không trách người mẹ ấy – chị chỉ làm điều mà bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ làm: tìm cách giúp con dễ chịu, giúp con đỡ mệt. Nhưng mình ước gì có ai đó cảnh báo sớm hơn, giải thích sớm hơn cho chị hiểu rằng corticoid không phải là “thuốc lành”, bất kì loại thuốc nào đưa vào cơ thể cũng có hai mặt.
Điều đáng nói là, dạng thuốc xịt, thuốc bôi ngoài da – những hình thức tưởng như vô hại – vẫn có thể âm thầm phá vỡ sự cân bằng nội tiết trong cơ thể trẻ nhỏ. Hậu quả như trong trường hợp này, là một tuyến thượng thận có thể không còn khả năng phục hồi hoàn toàn nữa”, BS Dương Minh Tuấn cho biết.
Vì vậy, BS Dương Minh Tuấn khuyên, nếu dùng thuốc có chứa corticoid – dù chỉ là xịt mũi, bôi da, hay dạng hít – xin đừng chủ quan. Hãy hỏi bác sĩ, kiểm tra định kỳ, đừng đánh đổi sự tiện lợi hôm nay để rồi phải trả giá bằng sức khỏe ngày mai.
Biểu hiện rạn da khi suy tuyến thượng thận - Ảnh BVCC |
Tình trạng nguy hiểm báo động cộng đồng
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, suy thượng thận do dùng Corticoid là tình trạng đáng báo động trong cộng đồng. Thực trạng ngày càng trở nên tệ ở Việt Nam, khi ai cũng có thể tự mua được thuốc chứa Corticoid, theo đơn hoặc theo mách bảo của người khác.
Chất này thường có trong các loại thuốc điều trị các bệnh như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau lưng, gút, thoái hóa khớp, viêm phổi, hen... dưới các dạng bôi, hít, uống, và tiêm... mà không biết rằng các thuốc này có thể gây rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: Xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội … Đặc biệt, lạm dụng Corticoid làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ.
Nghiêm trọng hơn, gần đây các thuốc Corticoid này được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc được quảng cáo là “đông y”, thực phẩm chức năng chữa bách bệnh. Do suy nghĩ thuốc “đông y” lành và an toàn nên nhiều người dùng vô tội vạ, sau 1 thời gian bị lệ thuộc vào thuốc, đồng nghĩa với các tác dụng phụ càng nặng hơn.
Những người này có đặc điểm chung là biến đổi về hình như mặt tròn đỏ, béo bụng nhưng chân tay lại bị teo, da mỏng và dễ bị bầm tím khi va chạm, bụng và đùi có nhiều vết rạn da đỏ....
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng Corticoid là suy thượng thận do thuốc, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp,... và đã có trường hợp bị tử vong.
Triệu chứng của suy thượng thận
Mệt mỏi: Đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, mệt càng tăng dần làm bệnh nhân cảm thấy chán ăn, giảm cân.
Trên da: Sắc tố da melatonin bị tích tụ lại trong lớp nhú của da và niêm mạc, gây sạm da từng vùng hay toàn thân.
Trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, táo bón, đau bụng.
Trên hệ tim mạch: Hạ huyết áp, giảm thể tích tuần hoàn, hạ huyết áp tư thế, mạch nhỏ khó bắt, tiếng tim mờ. Trong suy thượng thận cấp có thể gây choáng, trụy tim mạch.
Trên chuyển hóa: Hạ đường huyết, giảm Na huyết, tăng Kali huyết, tăng Canxi huyết, tăng Ure, tăng Creatinin.
Trên thần kinh cơ: Yếu cơ, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau lưng, chậm phát triển trí não, chậm chạp, trầm cảm.
Trên hệ tạo máu: Giảm tạo hồng cầu gây thiếu máu thiếu sắt, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, tăng bạch cầu ái toan.
Về sinh lý: Nữ rối loạn kinh nguyệt, mất kinh; nam giới thường bị bất lực sinh lý.
Cách phòng bệnh
Suy thượng thận gây suy mòn sức khỏe về lâu dài nên việc phòng tránh đóng vai trò quan trọng nhất. Người bệnh chỉ được kê toa sử dụng Corticoid đúng chỉ định, tuân thủ liều và lượng, tránh lạm dụng.
Các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng các loại thuốc lưu hành trên thị trường mà không rõ xuất xứ, nguồn gốc, vừa không giúp điều trị bệnh, vừa có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Khi dùng thuốc thấy các biểu hiện bất thường cần đi khám ngay. Suy tuyến thượng thận là bệnh nội tiết, không phải là bệnh thận, nên người bệnh cần được khám và điều trị tại chuyên khoa Nội tiết.