Sự thật rùng rợn phía sau nghi lễ “chặt tay” của yakuza Nhật

Từ thời Edo, giới yakuza đã dùng cách tự cắt ngón tay để chuộc lỗi với cấp trên. Hành động đáng sợ này ẩn chứa một hệ giá trị đầy kỷ luật và sợ hãi.

Được gọi là yubitsume, nghi thức cắt ngón tay không đơn thuần là hình phạt dành cho kẻ phạm lỗi, mà là một nghi lễ sâu sắc phản ánh tinh thần chịu trách nhiệm, chuộc tội và duy trì trật tự nội bộ trong một thế giới ngầm được tổ chức chặt chẽ, có tính kỷ luật nội bộ cao. Với nhiều yakuza kỳ cựu, yubitsume được xem là hình thức thể hiện tinh thần cam kết và chịu trách nhiệm, dù mang tính cực đoan và tàn bạo.

Nguồn gốc của yubitsume bắt nguồn từ thời kỳ Edo, khi tầng lớp bakuto – những kẻ tổ chức đánh bạc lưu động – bắt đầu hình thành cấu trúc băng nhóm để tự bảo vệ. Trong các nhóm bakuto, việc phạm luật, thiếu nợ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ có thể khiến cả nhóm lâm nguy. Thay vì sử dụng bạo lực chết người, một hình thức "trả giá có kiểm soát" được đặt ra làm hình phạt: kẻ phạm lỗi sẽ tự chặt đốt cuối cùng của ngón út, thường là bàn tay trái, bằng dao hoặc dao găm nhỏ. Việc này khiến khả năng cầm vũ khí suy giảm – một lời nhắc nhở đau đớn về việc người đó đã làm tổn hại đến cả nhóm, và giờ đây anh ta sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các đàn anh để được bảo vệ. Yubitsume không chỉ là sự trừng phạt mà còn là cơ chế kiểm soát quyền lực nội bộ tinh vi.

Bàn tay khôn còn nguyên vẹn của một thành viên yakuza. Ảnh: The Japan Times.

Nghi lễ này được thực hiện theo trình tự chặt chẽ và nghiêm trang, trong đó người vi phạm tự thực hiện hành động gây thương tổn để thể hiện sự hối lỗi, thường là chặt một đốt ngón tay theo nghi thức truyền thống.

Trong nhiều trường hợp, nếu lỗi nặng hoặc người phạm tội muốn chứng minh sự hối hận tột độ, họ có thể tiếp tục cắt thêm đốt thứ hai hoặc thậm chí chuyển sang ngón khác. Mỗi đốt tay mất đi là một dấu tích không thể che giấu – thứ sẽ theo họ đến cuối đời.

Yubitsume không đồng nghĩa với dấu chấm hết cho sự nghiệp trong yakuza. Một số người sau khi thực hiện yubitsume được tổ chức cho phép tiếp tục ở lại, thậm chí có thể giữ vai trò tích cực hơn – điều phản ánh cách thức vận hành đặc biệt và khắc nghiệt của thế giới ngầm.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bi thảm, khi người cắt ngón vẫn bị thanh trừng sau đó. Trong thế giới yakuza, danh dự là điều không thể chuộc lại nếu đã bị xem là kẻ phản bội.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại và sự gia tăng kiểm soát của nhà nước đối với các tổ chức tội phạm, yubitsume dần trở nên hiếm gặp hơn. Các thủ lĩnh yakuza ngày nay thường tránh để đàn em thực hiện nghi lễ này công khai vì sợ gây chú ý với truyền thông và cảnh sát. Tuy nhiên, một số nhóm yakuza bảo thủ vẫn giữ nghi thức này dưới hình thức nội bộ để duy trì kỷ luật mà không cần đến án mạng.

Một điều thú vị là nhiều yakuza sau khi hoàn lương đã tìm đến các bác sĩ thẩm mỹ để tái tạo ngón tay bị mất, nhằm hòa nhập vào xã hội mà không bị phân biệt đối xử. Nhưng với những ai từng bước sâu vào thế giới ngầm, một ngón tay cụt không chỉ là di chứng thể xác – mà là ký ức không thể xóa nhòa về những ngày sống trong bóng tối của tội lỗi, máu và nỗi sợ.

Dù xã hội hiện đại có làm mờ nhạt đi nghi thức này, yubitsume vẫn là một trong những biểu tượng mạnh mẽ và ám ảnh nhất về bản chất riêng biệt của yakuza: Nơi con người phải trả giá bằng chính thân thể mình để giữ lấy một thứ danh dự bị đảo ngược và định nghĩa lại trong lòng tội lỗi.

Rúng động vụ xử mafia lớn nhất lịch sử Italia

Đó không chỉ là một phiên tòa, mà là lời tuyên chiến táo bạo của nhà nước Italia chống lại thế giới ngầm từng len lỏi trong gần một thế kỷ

Vào sáng ngày 10/2/1986, tại thành phố Palermo – trái tim đầy ám ảnh của đảo Sicilia, đất nước Italia bước vào một cuộc chiến lịch sử không phải trên chiến trường, mà trong phòng xử án được xây dựng đặc biệt như một pháo đài: “Maxi Trial” – vụ xét xử mafia lớn nhất từ trước đến nay ở đất nước hình chiếc ủng. Đó không chỉ là một phiên tòa, mà là lời tuyên chiến táo bạo của nhà nước Italia chống lại một thế giới ngầm từng len lỏi và ảnh hưởng đến xã hội Italia trong gần một thế kỷ – Cosa Nostra, tổ chức mafia hùng mạnh và tàn bạo bậc nhất thế giới.

Cuộc chiến pháp lý này là kết quả của hơn một thập kỷ điều tra không ngừng nghỉ của một nhóm công tố viên quả cảm, đứng đầu là hai vị thẩm phán huyền thoại: Giovanni Falcone và Paolo Borsellino. Từ cuối thập niên 1970, Falcone đã âm thầm thu thập chứng cứ, đối chiếu các vụ án rải rác khắp Sicilia và lật mở cấu trúc thật sự của mafia – vốn được che đậy bằng một mạng lưới im lặng, sự bảo vệ chính trị và khủng bố tinh thần. Nhưng chính bước ngoặt mang tên Tommaso Buscetta – một “người trong cuộc” của Cosa Nostra bị bắt ở Brazil và dẫn độ về Italia – đã làm thay đổi toàn bộ cục diện. Buscetta quyết định phá bỏ luật im lặng (omertà) và trở thành pentiti - kẻ phản bội đầu tiên tiết lộ cấu trúc ba cấp của mafia, chỉ đích danh hàng trăm tên tuổi từ các ông trùm hàng đầu đến các tay súng đường phố. Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Nghi thức kết nạp thành viên rùng rợn của mafia Italia

Trong thế giới của Cosa Nostra – tổ chức mafia huyền thoại trên đảo Sicilia, Italia – không ai trở thành “người trong cuộc” một cách ngẫu nhiên.

Muốn bước vào gia đình tội phạm ấy, ứng viên không chỉ phải chứng minh lòng trung thành tuyệt đối và năng lực hành động lạnh lùng, mà còn phải vượt qua một nghi thức kết nạp đẫm máu, mang hơi hướng của tôn giáo và quỷ thuật. Đó không đơn thuần là một buổi lễ – mà là lời thề vĩnh viễn, một khế ước không lối thoát, nơi mạng sống bị đặt lên bàn thờ trung thành và im lặng.

Trong quá khứ, nghi lễ này thường được tổ chức bí mật tại nhà của một capo (ông trùm) hoặc một nơi kín đáo như căn hầm dưới lòng đất. Những người có mặt là các thành viên cấp cao, chứng giám cho một hành động mang tính nghi lễ và cũng đầy đe dọa. Ứng viên phải được ít nhất hai người bảo lãnh – những "người đỡ đầu", từng theo dõi quá trình thử thách của y: Giết người, giữ im lặng trước đòn tra tấn, hoặc sẵn sàng chết thay cấp trên. Tất cả được dùng làm phép thử: kẻ muốn bước vào hàng ngũ “người danh dự” (uomo d’onore) phải dám đổ máu, và tuyệt đối không hé môi.