Trên một cánh đồng gần lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, thành phố Huế) có một gò đất lớn nổi lên với những bức tường bao cũ kỹ phủ đầy cây cỏ dại. Đó chính là điện Thoại Thánh, khu cung điện vua Gia Long xây dựng cho mẹ mình là Hiếu Khang hoàng hậu (1736-1811) – vị hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Nguyễn.
Biểu tượng của lòng trung thành, hy sinh
Hiếu Khang hoàng hậu, tên húy là Nguyễn Thị Hoàn, là một trong những nhân vật hậu cung có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển của triều Nguyễn, đặc biệt thông qua vai trò mẫu thân của vua Gia Long – Nguyễn Ánh. Bà không chỉ là người mẹ sinh ra vị hoàng đế khai quốc của triều Nguyễn mà còn là một biểu tượng bền bỉ của lòng trung thành, sự hy sinh và phẩm hạnh trong bối cảnh loạn lạc cuối thế kỷ 18.
Ngược dòng lịch sử, Nguyễn Thị Hoàn xuất thân từ một gia đình quan lại có truyền thống phục vụ nhà chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Bà được gả cho Nguyễn Phúc Luân – người từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát chỉ định làm người kế vị. Tuy nhiên, do âm mưu của quyền thần Trương Phúc Loan, Nguyễn Phúc Luân bị giam cầm cho đến chết, còn bà cùng các con bị đẩy vào cảnh khốn cùng.
Sau cái chết tức tưởi của chồng, bà Nguyễn Thị Hoàn phải một mình nuôi dạy các con trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo. Việc bà bảo toàn được tính mạng và nuôi dưỡng Nguyễn Ánh trong một thời kỳ đầy biến động chính trị có thể được coi là một minh chứng cho bản lĩnh và sự mẫn tiệp của một người phụ nữ kiên cường.

Khi Nguyễn Ánh bắt đầu sự nghiệp phục quốc, bà Nguyễn Thị Hoàn đóng vai trò như một biểu tượng tinh thần cho dòng dõi chính thống của nhà Nguyễn. Dù không tham gia trực tiếp vào chính sự, sự hiện diện của bà và danh phận chính thất của Nguyễn Phúc Luân đã giúp Nguyễn Ánh củng cố tính chính danh trên con đường giành lại cơ đồ. Trong những năm tháng Nguyễn Ánh lưu vong và chiến đấu khắp nơi, bà được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt bởi những cận thần trung tín, cho thấy địa vị mẫu nghi thiên hạ của bà đã được Nguyễn Ánh xác lập từ rất sớm.
Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long tôn Nguyễn Thị Hoàn làm Hoàng thái hậu, đưa bà trở thành Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Nguyễn. Sau ngày Hoàng thái hậu mất, bà được được truy tôn là Hiếu Khang hoàng hậu. Việc bà được tôn xưng sau khi đã qua đời không chỉ là biểu hiện của lòng hiếu đạo mà còn là cách Gia Long chính thức hóa vai trò của bà trong cấu trúc quyền lực của triều Nguyễn, khẳng định dòng máu chính thống của ông trong việc dựng nước. Trong bối cảnh một triều đại mới vừa được thiết lập, những biểu tượng đạo lý như Hiếu Khang hoàng hậu đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng uy tín và sự ổn định chính trị.
Tuy sử sách không dành nhiều trang viết về Hiếu Khang hoàng hậu, song hình ảnh của bà vẫn sống động trong lịch sử triều Nguyễn như một người mẹ vĩ đại – người đã trao cho quốc gia một vị vua sáng nghiệp và góp phần duy trì dòng máu Nguyễn trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách.
Hiện trạng và diện mạo tương lai của điện Thoại Thánh
Sau khi mất, Hiếu Khang hoàng hậu được an táng tại lăng Thoại Thánh, một khu lăng mộ nằm trong trong quần thể lăng Gia Long. Điện Thoại Thánh được xây cạnh đó để làm nơi thờ tự bà.
Vào thời nhà Nguyễn còn thịnh trị, điện Thoại Thánh từng là một cung điện bề thế với diện tích lên đến nửa ha, gồm hàng chục công trình lớn nhỏ với một đội ngũ tùy tùng, binh lính bảo vệ đông đảo.
Sau hơn 200 năm đầy biến động, những gì còn lại của cung điện này khiến người chứng kiến không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Hầu hết các công trình của cung điện đã bị phá hủy, chỉ còn sót lại những mảng tường đổ nát. Các lối đi, bậc cấp bằng đá bị chìm lấp dưới thảm cây cỏ dại dày đặc. Nhiều bức tường có nguy cơ sụp đổ vì sức nặng của những cây gỗ lớn mọc đè lên.

Trong những năm gần đây, nhiều công trình trong quần thể di tích lăng vua Gia Long đã được đầu tư tu bổ, phục hồi. Điện Thoại Thánh cũng được xây lại phần tường bao và cổng. Tuy nhiên, phần còn lại của di tích này vẫn nằm trong tình trạng đổ nát, hoang phế.
Theo chủ trương đầu tư được Hội đồng Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua, điện Thoại Thánh sẽ được phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá Thanh, chống ẩm và chống mối nền, lắp đặt hệ thống chống mối, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng tráng men, bậc cấp lát đá Thanh và phục hồi rồng bậc cấp, tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống.
Bên cạnh đó, sẽ phục hồi kết cấu bộ khung gồm tiền điện 5 gian 2 chái, chính điện 3 gian 2 chái kẹp, hệ kết cấu gỗ mái gồm đòn tay, rui, diềm, dũi, vân kiên, ván ốp, hệ liên ba, vách ván, dầm trần, sàn... và các cửa bao che bằng gỗ nhóm II. Các cấu kiện gỗ được chạm khắc hoa, sơn bảo quản, chống mối, sơn son thếp vàng và sơn quang. Mái lợp ngói âm dương tráng men màu vàng, phục hồi bờ mái, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ, phục hồi các con giống bờ nóc bờ quyết, gia công máng xối bằng đồng....
Dự án cũng sẽ tu bổ lại Hữu Phối điện, Tả Phối điện, cổng tam quan, tường nội, bình phong, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật, phục hồi nội thất, tôn tạo cảnh quan, cây xanh xung quanh.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án trùng tu di tích điện Thoại Thánh nhằm phục hồi, tu bổ một trong những công trình lăng mộ, thờ tự có ý nghĩa quan trọng trong Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích lăng vua Gia Long và tránh nguy cơ công trình sẽ trở thành phế tích trong tương lai. Đây là việc làm hết sức cần thiết.
Theo dự kiến, dự án trùng tu di tích điện Thoại Thánh sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm.
Ngày 3/7 vừa qua, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phản hồi với báo chí trước phản ánh di tích điện Thoại Thánh, điện thờ bà Nguyễn Thị Hoàn (1736 - 1811), tức Hiếu Khang hoàng hậu, mẹ vua Gia Long - vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, bị đào xới ngổn ngang, hoang tàn.
Theo ông Trung, khu vực điện Thoại Thánh trước đây đã hoang phế, trâu bò vào xâm hại. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiến hành phát quang cây cối nên đã lộ ra hiện trạng các phần còn lại của di tích.
"Hiện di tích này đang trong quá trình lập dự án trùng tu, nhưng thủ tục hơi chậm, chứ không phải do phá hoại. Chúng tôi đã cho rào chắn bảo vệ. Một số thiết bị anh em làm vẫn còn đó và vẫn đang tiếp tục dọn dẹp", ông Trung nói.