Sở Y tế Đồng Nai vào cuộc xác minh vụ quảng cáo Nestlé Milo

Nestlé Milo sử dụng cụm từ “thử nghiệm lâm sàng” gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Viện Dinh dưỡng và cơ quan Y tế đang rà soát, xử lý.

Ngày 20/5, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Lê Quang Trung cho biết, đơn vị này đang tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam quảng cáo sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo có nội dung “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”. Động thái này được thực hiện sau khi Sở Y tế nhận được công văn từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

20250517-083356.jpg
Sản phẩm của Nestlé Milo.

Theo ông Trung, hiện Sở đang trong quá trình xác minh, điều tra thông tin và sẽ công bố kết quả khi có kết luận chính thức.

Trước đó, ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông báo trên website, đề nghị Sở Y tế Đồng Nai và Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý việc quảng cáo sai lệch liên quan đến sản phẩm của Nestlé Việt Nam.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã nhận được phản ánh từ báo chí về việc Nestlé Milo sử dụng nội dung quảng cáo có liên quan đến “báo cáo thử nghiệm lâm sàng” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện. Tuy nhiên, theo xác minh ban đầu, nội dung này không phản ánh đúng bản chất nghiên cứu khoa học đã được thực hiện.

Ngày 16/5/2025, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 1030/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế Đồng Nai, đề nghị kiểm tra, xác minh và xử lý việc quảng cáo của Nestlé Việt Nam theo quy định tại Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Đồng thời, Cục cũng gửi công văn số 1031/ATTP-NĐTT đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia, yêu cầu rà soát toàn bộ nội dung truyền thông, quảng cáo liên quan, nhằm bảo đảm tuân thủ khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về siết chặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo.

Liên quan đến vụ việc, TS.BS Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, thông tin với báo chí rằng, nội dung “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” trên bao bì sản phẩm Nestlé Milo là không đúng bản chất nghiên cứu, gây hiểu nhầm về mức độ thẩm định và chứng nhận của cơ quan y tế.

Theo Viện Dinh dưỡng, nghiên cứu mà Nestlé viện dẫn thực chất là một đề tài khoa học cấp cơ sở mang tên “Hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”. Đề tài này được triển khai trong giai đoạn 2022 – 2023, với sự phối hợp giữa Viện Dinh dưỡng và Nestlé Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng theo đúng định nghĩa trong y học và pháp luật.

Với cách sử dụng cụm từ “thử nghiệm lâm sàng”, Nestlé Milo đã gây nhầm lẫn giữa nghiên cứu khoa học cấp cơ sở với nghiên cứu lâm sàng, hình thức yêu cầu quy trình nghiêm ngặt và sự thẩm định chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Sở Y tế Đồng Nai cho biết sẽ thông tin chính thức sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra.

Lãnh đạo Cục ATTP "tiếp tay" sản xuất hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả

5 lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thông đồng với "sếp lớn" Công ty MegaPhaco, MeDiusa sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn, thu lời bất chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Chiều 13/5, Bộ Công an thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 5 đối tượng thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế liên quan vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.

99999.jpg
Các bị can vừa bị khởi tố

Người Việt Nam tiêu thụ đường gấp 2 lần khuyến nghị, gây ra nhiều bệnh

Tại Việt Nam, tiêu thụ đường tăng gấp 7 lần trong 15 năm. Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm: béo phì, mỡ máu, đái tháo đường,….

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5 gam/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (25 gam/ngày). Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm (béo phì, mỡ máu, đái tháo đường,…).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; đồ uống sữa có pha chế hương liệu.