Ông trùm cá tra Nam Việt báo lãi quý 2 tăng gấp trăm lần lên 332,8 tỷ đồng

Công ty Nam Việt ghi nhận lợi nhuận quý 2 đạt đỉnh lịch sử với hơn 330 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết.

CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2025 với doanh thu thuần đạt 1.726 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực này chủ yếu đến từ việc sản lượng tiêu thụ và giá bán cùng tăng trong giai đoạn vừa qua.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh từ mức 12% lên 28%, giúp lãi gộp đạt hơn 486 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lãi gộp hàng quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp kể từ khi lên sàn năm 2017.

Chi phí bán hàng trong quý tăng gần 43% lên 95 tỷ đồng do phát sinh thêm chi phí hoa hồng và vận chuyển. Trong khi đó, chi phí lãi vay giảm 30% xuống còn 18,1 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 3,6 tỷ đồng, đạt 14,3 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tiền gửi.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, ANV báo lãi ròng 332,8 tỷ đồng – mức cao nhất trong một quý kể từ khi công ty này niêm yết trên UPCoM vào năm 2017 và chuyển sàn sang HoSE sau đó. Cùng kỳ năm trước, ANV ghi nhận khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng.

01-8751-2592.jpg
Ảnh minh họa

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 2.832 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 513,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 464,8 tỷ đồng – gấp hơn 30 lần mức cùng kỳ năm 2024.

Với kết quả này, Nam Việt đã thực hiện được hơn 51% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 (1.000 tỷ đồng). Theo kế hoạch công bố tại đại hội cổ đông, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng đều đặn, lần lượt đạt 1.200 tỷ đồng vào năm 2026 và 1.400 tỷ đồng vào năm 2027.

Ban lãnh đạo cho biết trong quý 2, thị trường tiêu thụ có dấu hiệu phục hồi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, công ty đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu và cải thiện biên lợi nhuận.

Tại ngày 30/6/2025, tổng tài sản của Navico đạt 5.150 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Tài sản chủ yếu gồm hàng tồn kho (1.590 tỷ đồng), tài sản cố định và các khoản phải thu ngắn hạn.

Nợ phải trả giảm gần 9% còn 1.888 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Nam Việt được thành lập năm 2000, hiện là một trong những nhà sản xuất – xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chính của công ty bao gồm Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Brazil và các nước thành viên khối CPTPP.

Ngày 5/7, Navico đã có bước tiến chiến lược trong việc mở rộng thị trường quốc tế bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với AV09 Comercio Exporter Ltda – một trong những doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm lớn nhất tại Brazil. Theo thỏa thuận, Navico sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cá tra, basa và rô phi vào thị trường này. Những lô hàng đầu tiên dự kiến được giao ngay trong năm 2025.

Sonadezi Long Thành thu đậm từ nhà xưởng, lợi nhuận quý 2 đứng yên

Lãi gộp quý 2 tăng 31% nhờ cho thuê nhà xưởng, nhưng chi phí và doanh thu tài chính sụt giảm khiến lãi ròng Sonadezi Long Thành gần như đi ngang.

CTCP Sonadezi Long Thành (HoSE: SZL) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với doanh thu thuần đạt hơn 137 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chính đến từ mảng cho thuê nhà xưởng, mang về hơn 57 tỷ đồng – tăng 21% và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu.

Sau khi trừ giá vốn, SZL ghi nhận lãi gộp hơn 51 tỷ đồng, tăng 31%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 31% lên 37%. Tuy nhiên, hoạt động tài chính kém khả quan khi doanh thu tài chính giảm 33% còn gần 9 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí tăng 19% lên 14 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt gần 35 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Thấy gì từ việc Hòa Phát "thoát án" thuế chống bán phá giá HRC tại EU?

Thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát chính thức không bị EU áp thuế chống bán phá giá, với thuế suất xuất khẩu vào châu Âu là 0%.

Ngày 16/7/2025, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành quyết định cuối cùng liên quan đến vụ điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam. Theo đó, sản phẩm HRC của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) không bị áp thuế chống bán phá giá, với thuế suất là 0%.

Trong khi đó, mức thuế dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khác là 12,1%; Nhật Bản từ 6,9% đến 30,4%; và Ai Cập là 11,7%.